Để người khác không phải "đứng xa 3 mét"

ANTD.VN - Mùi cơ thể không chỉ đến từ nách mà có thể xuất phát từ bất cứ nơi nào có bã nhờn (dầu) và tuyến mồ hôi như da đầu, bộ phận sinh dục, chân, thậm chí cả núm vú. 

Mồ hôi nhiều mặc dù không phải là nguyên nhân chính nhưng lại là yếu tố ảnh hưởng trực tiếp dẫn đến mùi hôi cơ thể. Trên da của mỗi người có một số loại vi khuẩn khác nhau “cư ngụ”, tạo nên một hệ khuẩn riêng ở từng người. 

Mồ hôi tạo điều kiện cho vi khuẩn lên men khiến chúng sản sinh ra mùi khó chịu. Bên cạnh đó, chế độ ăn uống, ngủ nghỉ không hợp lý, những người có sức khỏe kém, khả năng bài tiết kém làm giảm khả năng cơ thể giải độc dẫn tới mùi hôi.

Trong khi tắm hàng ngày, thay quần áo và chất khử mùi thường được sử dụng với những người đổ mồ hôi quá nhiều (hyperhidrosis), thì một số người mắc bệnh (như tiểu đường), hoặc muốn tránh xa các chất chống mồ hôi chứa nhôm khá khó khăn để loại bỏ các mùi. Vậy đâu là giải pháp?

Tiêm botox

Nếu bạn đã cố gắng dùng thuốc chống mồ hôi nhưng không hiệu quả có thể áp dụng việc tiêm botox dưới cánh tay. Cách xử lý này tạm thời ngăn chặn các chất hóa học kích hoạt tuyến mồ hôi của cơ thể, do đó đổ mồ hôi có thể giảm 87% trong 4 tháng đến một năm.

Thay đổi chế độ ăn uống 

Có một số thức ăn uống như cà phê, rượu, các loại gia vị cũng có thể gây ra mồ hôi và mùi khó chịu. Bạn ăn hành, tỏi, cá, thịt chó... thì mùi mồ hôi và hơi thở cũng có các mùi thức ăn đó. Mùi có thể đi qua các lỗ chân lông trong nhiều giờ sau khi ăn. Nếu bạn có chế độ ăn bình thường mà vẫn có mùi thì hãy nhỏ một vài giọt tinh dầu bạc hà lên lưỡi. Các thành phần của dầu được bài tiết qua các tuyến dầu giúp cải thiện mùi.

Giảm căng thẳng 

Khi tập thể dục, các tuyến mồ hôi sản xuất ra một chất lỏng để điều chỉnh nhiệt độ cơ thể. Nhưng căng thẳng cảm xúc khiến các tuyến mồ hôi ở nách và bẹn tiết ra một chất lỏng màu trắng đục tạo thành từ nước và chất béo, khiến các vi khuẩn gây mùi. Thiền, yoga có thể cải thiện tình trạng này.

Mặc quần áo cotton

Các loại vải tự nhiên có nguồn gốc như cotton, lụa và sợi len có thoáng hơn so với hầu hết các vật liệu nhân tạo. Mùa hè, nên mặc quần áo bằng vải cotton cho thấm mồ hôi tốt và cần phải thay quần áo ngày vài lần để tránh mùi hôi từ quần áo. Nếu quần áo đã thấm mồ hôi thì bạn cần thay ngay và giặt ngay để vi khuẩn không có cơ hội gây mùi hôi. Bạn cũng cần thường xuyên thay tất và giặt giày nếu bạn bị hôi chân. 

Cạo lông nách

Vi khuẩn phát triển mạnh trong môi trường ấm và ẩm ướt. Lông nách có thể tạo ra một môi trường sống lý tưởng cho chúng. Lông nách cùng với bụi bẩn và dầu thừa tích tụ có thể thúc đẩy sự tăng trưởng của vi khuẩn gây mùi.

Sử dụng giấm táo

Một loại axit được tìm thấy trong giấm táo hoặc nước cốt chanh, ức chế sự tăng trưởng của vi khuẩn gây mùi hôi. Tuy nhiên lưu ý, mặc dù giấm táo và nước ép chanh có thể làm giảm lượng vi khuẩn gây mùi hôi trên da, chúng có thể gây kích ứng da. Vì vậy, bạn chỉ nên thoa một vài giọt vào nách. Ngoài ra, dầu cây trà cũng được cho là có tính kháng khuẩn.

Làm sạch vi khuẩn trên da

Với việc tắm rửa thường xuyên, vệ sinh vùng kín bằng nước sạch và xà phòng diệt khuẩn sẽ giúp loại bỏ vi khuẩn trên da. Ngoài ra, cần điều trị dứt điểm khi mắc bệnh ngoài da như mụn nhọt, lở ngứa... Với phụ nữ, cần dùng dung dịch vệ sinh rửa vùng kín hàng ngày, đồng thời khám và điều trị tích cực các bệnh phụ khoa.

Sử dụng lăn khử mùi

Công thức của các lăn khử mùi thường gồm: chất diệt vi khuẩn, chất làm giảm tiết mồ hôi nách, chất bắt giữ mùi hôi. Các chất này tác dụng với các chất có mùi hôi ở nách, tạo thành hợp chất không có mùi hôi. Tuy nhiên, nếu bị dị ứng ngứa với lăn khử mùi, bạn phải ngừng sử dụng ngay.