Để người bệnh đỡ khổ

ANTĐ - Cho đến nay, hầu hết các bệnh viện tuyến trung ương đến tuyến tỉnh đều đã điều chỉnh giá viện phí theo Thông tư hướng dẫn của Liên bộ. Tuy nhiên, nhiều nơi người bệnh vẫn chưa thực sự hưởng lợi từ việc tăng giá viện phí này. Làm sao để chất lượng tương xứng với giá dịch vụ mới, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (ảnh nhỏ) cho biết:

- Giá dịch vụ y tế 18 năm qua đã không thay đổi. Giá khám bệnh chỉ 2.000đ-3.000đ, nên chất lượng dịch vụ y tế rất khó để cải thiện. Giường bệnh giá chỉ 10.000đ/ngày/người thì cứ chiếu với chăn chiên, không có quạt điện. Vì thế, bệnh viện không thể cân đối được dẫn đến tình trạng trông nhếch nhác, người dân chịu thiệt thòi khi đi khám bệnh. Cho nên việc điều chỉnh giá viện phí phù hợp với nhu cầu thực tế là điều rất cần thiết.

- Việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế dựa trên những yếu tố nào, thưa Bộ trưởng?

- Về việc điều chỉnh giá dịch vụ y tế, hiện có 7 yếu tố thì Liên bộ mới chỉ tính 3 yếu tố thiết yếu. Đó là giá thuốc, dịch truyền, giá điện nước xăng dầu và giá bảo trì bảo hành máy. Đồng thời, giá điều chỉnh hiện nay cũng mới tính một phần nhà nước phải bảo hộ, còn chưa tính chi phí: lương, khấu hao tài sản, đào tạo nhân lực… Tuy nhiên đó là lộ trình, nhưng còn tùy theo tình hình kinh tế - xã hội của địa phương, mức sống và chấp nhận của người dân để điều chỉnh.

- Được biết, giá viện phí từ năm 2018 sẽ không được Nhà nước bao cấp nữa, thưa bà?

- Chính sách vẫn bao cấp người nghèo, trẻ em dưới 6 tuổi, dân tộc thiểu số, người có công và người hưu trí. Rồi cận nghèo và ít nữa bao phủ đến cả HS-SV đều nằm trong bảo hiểm y tế, coi như nhà nước cùng đóng một phần. Còn đối tượng làm nghề tự do, hoặc có thu nhập cao, thì phải chi trả theo giá thị trường. Thậm chí tự thân những đối tượng này cũng muốn khám dịch vụ để hưởng chế độ tốt hơn, thậm chí một bộ phận có xu hướng ra nước ngoài chữa bệnh, lý do Bộ Y tế một mặt giữ cái cơ bản, một mặt tăng kỹ thuật cao là vì thế. 

- Bộ trưởng nhận định thế nào về mô hình chất lượng cao tại các bệnh viện công mà nhiều ý kiến cho rằng đó là sự phân biệt giữa người giàu và người nghèo? 

- Đúng là có ý kiến như thế. Tuy nhiên, chỗ này mang hơi hướng của xã hội, như cùng một địa bàn dân cư có người điều kiện kinh tế khá hơn người kia. Nhưng đây cũng là dịch vụ cần thiết của các nước phát triển. Vì với những người có điều kiện chi trả, họ cần được hưởng sự chăm sóc đầy đủ hơn. Nếu trong nước chỉ chú trọng phát triển trình độ bác sĩ, mà quên không phát triển các dịch vụ đi kèm thì những người có điều kiện sẽ ra nước ngoài khám chữa bệnh. Ngành y tế cũng có chủ trương thu hút các đối tượng này khám chữa bệnh trong nước để bù chi cho những đối tượng kinh tế thấp trong xã hội. Trình độ tay nghề của bác sĩ Việt Nam được đánh giá cao như chuyên khoa tim mạch, ung thư, sản khoa… Chúng ta còn tham gia đào tạo chuyển giao công nghệ cho các nước trong khu vực. Vậy nên, việc cải tiến dịch vụ hay áp dụng những dịch vụ y tế cao cấp trong nước là chuyện nên làm. 

Nhưng như thế không có nghĩa chúng ta phân biệt đối xử với người nghèo, hay kinh tế khó khăn hơn. Những đối tượng chính sách đã có nhà nước hỗ trợ toàn bộ hoặc một phần, còn lại là đồng chi trả. Cũng có nghĩa, họ vẫn được khám chữa bệnh bằng những bác sĩ giỏi và trang thiết bị y tế hiện đại. Đối với ngành y tế, không có sự phân biệt người giàu - người nghèo, mà chỉ có một điều duy nhất: tận tâm với người bệnh!

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!