Đề nghị xử nghiêm văn nghệ sĩ quảng cáo thực phẩm chức năng sai sự thật

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cục An toàn thực phẩm (ATTP) – Bộ Y tế cho biết, tới đây sẽ đề nghị sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm trong quảng cáo thực phẩm chức năng, kể cả xử lý các văn nghệ sĩ tham gia quảng cáo sai sự thật…
Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội nghị

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên phát biểu tại hội nghị

Tại hội nghị trực tuyến "Phối hợp quản lý hoạt động quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe năm 2022" do Bộ Y tế tổ chức ngày 10-3, Bộ Y tế cho biết, tình trạng vi phạm quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe như thuốc chữa bệnh dù đã bị xử lý rất nhiều nhưng vẫn giảm không đáng kể.

Ông Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục ATTP cho biết, phổ biến nhất là tình trạng các doanh nghiệp quảng cáo không đúng, đặc biệt là các quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội như Zalo, Google, Facebook, YouTube...

Qua công tác giám sát, hậu kiểm và thanh, kiểm tra, Cục đã phát hiện không ít trường hợp thuê địa điểm tại nhà dân để đào tạo sinh viên, bán thực phẩm chức năng trái phép. Ca sĩ, diễn viên… quảng cáo sản phẩm không đúng công dụng. Nhiều đơn vị giả mạo các đài truyền hình, lồng ghép video tinh vi để quảng cáo sai.

Trong năm 2020 và 2021, Cục An toàn thực phẩm đã xử phạt hành chính 76 đơn vị sản xuất, kinh doanh vi phạm về quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khoẻ với số tiền khoảng 3,8 tỉ đồng, buộc tháo gỡ các quảng cáo thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe sai sự thật.

Dù vậy, một số tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận nên sẵn sàng vi phạm. Thậm chí có nhiều doanh nghiệp là chủ sở hữu bản công bố sản phẩm nhưng không thừa nhận và không đứng tên thực hiện các quảng cáo vi phạm, do vậy cơ quan chức năng không xác định được đối tượng vi phạm, nên không thể xử lý.

Từ thực tiễn tại địa phương, bà Phạm Khánh Phong Lan - Trưởng Ban Quản lý An toàn thực phẩm TP HCM cho biết, "chúng ta có cả một rừng văn bản" cho những cơ sở hợp pháp, tìm đến đăng ký đàng hoàng, nhưng xử phạt đối với hình thức kinh doanh mới trên mạng điện tử còn khó khăn, nhiều lỗ hổng.

Chẳng hạn, tình trạng phổ biến là khi cơ quan quản lý phát hiện về quảng cáo của một sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào đó vi phạm nhưng liên hệ đến đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thì lại bảo "không phải doanh nghiệp của tôi", "không phải chúng tôi làm".

Bà Lan nêu rõ, "không ai rảnh mà tự xây dựng nội dung quảng cáo của sản phẩm thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe của đơn vị khác". Thế nhưng muốn xử lý được thì phải quy định trong luật rõ ràng trách nhiệm của đơn vị sản xuất, kinh doanh…

Trước thực trạng đó, Cục trưởng Cục ATTP Nguyễn Thanh Phong cho biết, tới đây đề nghị khi sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính cần quy định: Nếu doanh nghiệp nào đang vi phạm về quảng cáo thì tạm dừng tiếp nhận hồ sơ công bố, quảng cáo mới…

Đồng thời, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, các văn nghệ sĩ quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ, thực phẩm chức năng sai sự thật, quá công dụng của sản phẩm.

Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên đề nghị các bộ ngành liên quan phối hợp chặt chẽ với Bộ Y tế trong việc rà soát, điều chỉnh lại một số quy định cho phù hợp với thực tiễn hiện nay, bởi quản lý quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khoẻ không phải do riêng một bộ, ngành nào thực hiện được.