Đề nghị truy tố 29 đối tượng trong vụ án Giết người, Chống người thi hành công vụ tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm

ANTD.VN - Cơ quan CSĐT Công an TP. Hà Nội đã hoàn tất kết luận điều tra vụ án Giết người, Chống người thi hành công vụ, xảy ra ngày 9-1-2020 tại thôn Hoành, xã Đồng Tâm, huyện Mỹ Đức; chuyển hồ sơ đến Viện KSND TP. Hà Nội đề nghị truy tố 29 bị can.

Số vũ khí, hung khí nguy hiểm các đối tượng sử dụng để tấn công, sát hại lực lượng thi hành nhiệm vụ

Số bị can trong vụ án này đều trú ở xã Đồng Tâm. Cụ thể, có 25 bị can bị đề nghị truy tố về tội danh Giết người, gồm: Lê Đình Công (SN 1964 – có 1 tiền án về tội Cố ý gây thương tích); Bùi Viết Hiểu (SN 1943); Nguyễn Văn Tuyển (SN 1974); Lê Đình Chức (SN 1980 – có 1 tiền án về tội Tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có); Lê Đình Doanh (SN 1988, có nhiều tiền án về các tội Cướp tài sản, Trộm cắp tài sản, Tàng trữ trái phép chất ma túy…); Nguyễn Quốc Tiến (SN 1980); Nguyễn Văn Quân (SN 1980, có  tiền án về các tội Cố ý gây thương tích và Đánh bạc); Lê Đình Uy (SN 1993, có 1 tiền án về tội Đánh bạc); Lê Đình Quang (SN 1984); Bùi Thị Nối (SN 1958); Bùi Thị Đục (SN 1957); Nguyễn Thị Bét (SN 1961); Nguyễn Thị Lụa (SN 1956);

Trần Thị La (SN 1978); Bùi Văn Tiến (SN 1979); Nguyễn Văn Duệ (SN 1962, có tiền án về các tội Cố ý gây thương tích, Sử dụng vũ khí trái phép, Giết người, cướp tài sản công dân, tàng trữ vũ khí trái phép); Lê Đình Quân (SN 1976); Bùi Văn Niên (SN 1980); Bùi Văn Tuấn (SN 1991); Trịnh Văn Hải (SN 1988); Nguyễn Xuân Điều (SN 1952); Mai Thị Phần (SN 1963); Đào Thị Kim (SN 1983); Lê Thị Loan (SN 1966); Nguyễn Văn Trung (SN 1988, có 1 tiền án về tội Trộm cắp tài sản);

Bốn bị can bị đề nghị truy tố về tội danh Chống người thi hành công vụ, gồm: Lê Đình Hiển (SN 1989); Bùi Viết Tiến (SN 2000); Nguyễn Thị Dung (SN 1963) và Trần Thị Phượng (SN 1984).

Trong thời gian Quân chủng Phòng không - không quân (Bộ Quốc phòng) xây dựng tường rào bảo vệ sân bay Miếu Môn; mặc dù các cấp có thẩm quyền nhiều lần tổ chức đối thoại, giải thích tính công khai, minh bạch và trọng yếu của dự án; nhưng một số đối tượng cầm đầu, chống đối vẫn cố tình lôi kéo, kích động người dân cản trở bằng những hành vi manh động.

Kết luận của Cơ quan CSĐT cho thấy, trước thời điểm ngày 9-1-2020, các bị can trong vụ án đã có sự chuẩn bị bằng việc tập hợp lực lượng, đóng góp tiền mua vũ khí, họp bàn phân công nhiệm vụ cụ thể từng đối tượng.

Khi thấy lực lượng Công an, các đối tượng chủ động dùng vũ khí tấn công quyết liệt nhằm sát thương, tiêu diệt lực lượng thi hành nhiệm vụ. Trong đó hành vi nhiều lần đổ xăng xuống hố và châm lửa đốt là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến việc 3 đồng chí Công an hy sinh. “Đây là hành vi man rợ, có tính chất côn đồ, giết chết nhiều người, cần phải được xử lý nghiêm để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật”, kết luận điều tra nêu rõ.

Vai trò và hành vi phạm tội của từng đối tượng trong vụ án đặc biệt nghiêm trọng này đã được CQĐT làm sáng tỏ; đặc biệt là Lê Đình Kình. Lê Đình Kình giữ vai trò chủ mưu, cầm đầu, thường xuyên tổ chức xuyên tạc nguồn gốc đất Đồng Sênh, kích động lôi kéo các đối tượng khác tham gia khiếu kiện, gây rối, đe dọa chính quyền để đòi đất đồng Sênh. Mặc dù đã được Thanh tra Hà Nội thông báo kết luận thanh tra về nguồn gốc đất này là đất quốc phòng, nhưng Lê Đình Kình vẫn hứa hẹn nếu đòi được đất sẽ chia cho các đối tượng tham gia.

Khoảng đầu tháng 12-2019, Lê Đình Kình đưa cho Lê Đình Doanh 500.000 đồng để mua 10 con dao phóng lợn. Doanh mua dao và đã thuê người hàn gắn tuýp sắt vào số dao này.

Tại các cuộc họp ngày 6-1, 7-1 và 8-1, Lê Đình Kình chỉ đạo: "Chỉ cần giết được 3 thằng là chúng nó chạy hết"; "Nếu đất chưa làm rõ, kẻ nào mà nhảy vào cướp đất thì sẽ cho trắng lưng ngửa bụng".

Rạng sáng 9-1-2020, khi lực lượng thực thi nhiệm vụ tiến hành ngăn chặn, trấn áp, bắt giữ các đối tượng tấn công tại nhà Lê Đình Kình, Kình đã sử dụng tuýp sắt gắn dao phóng lợn, 1 quả lựu đạn tấn công lực lượng Công an. “Hành vi của Lê Đình Kình đã cấu thành tội Giết người, tuy nhiên, Lê Đình Kình đã chết nên CQĐT không đề cập xử lý”, bản kết luận điều tra nêu.

Hành vi chống đối có tổ chức, lôi kéo, hết sức manh động, gây phức tạp tình hình ANTT địa phương của số đối tượng ở thôn Hoành không chỉ dừng ở sự việc ngày 9-1-2020.

Theo tìm hiểu, trong các ngày 1/3/2017 và 7/3/2017, Huyện ủy và UBND huyện Mỹ Đức cử 2 đoàn công tác đến làm việc với Đảng ủy, HĐND, UBND xã Đồng Tâm để giải quyết tình hình ANTT địa phương. Khi cuộc họp diễn ra, các đối tượng do Lê Đình Công cầm đầu kéo đến trụ sở UBND xã Đồng Tâm để tập trung đông người, sau đó xông vào phòng họp chửi bới, lăng mạ các thành viên trong đoàn công tác và cán bộ xã Đồng Tâm. Khi đoàn công tác ra về, một số đối tượng chặn đầu xe, giả vờ ngất và hô hoán bị xe Công an đâm để kích động các đối tượng khác; một số đối tượng nhảy lên nắp capo xe và chửi bới, không cho xe của đoàn công tác ra về.

Ngày 15-4-2017, sau khi CQĐT Công an TP. Hà Nội phối hợp với Cục Điều tra hình sự - Bộ Quốc phòng và các đơn vị liên quan thi hành lệnh bắt giữ 4 đối tượng Lê Đình Kình, Lê Đình Công, Lê Đình Ba, Nguyễn Văn Doanh trong vụ án “Gây rối trật tự công cộng tại địa bàn xã Đồng Tâm, ngày 30-3-2017”, các đối tượng đã chống đối quyết liệt, đập phá nhiều xe ô tô của lực lượng chức năng, lăng mạ, gây thương tích, chiếm đoạt tài sản của nhiều cán bộ thực hiện nhiệm vụ; bắt giữ trái pháp luật 34 cán bộ, chiến sỹ của Trung đoàn CSCĐ và Công an huyện Mỹ Đức, 4 cán bộ Huyện ủy, Công an huyện Mỹ Đức và Chương Mỹ đi ngang qua, không liên quan vụ việc. Quá trình giam giữ trái pháp luật 38 cán bộ chiến sỹ, các đối tượng liên tục có những hành vi manh động để gây áp lực, uy hiếp tinh thần cán bộ…

Trong năm 2018 - 2019, nhiều lần, số đối tượng chống đối manh động này kéo đến gây rối tại kỳ họp Hội đồng nhân dân xã, tại Nhà văn hóa thôn Hoành, phòng Tiếp dân của xã và tại buổi tiếp xúc cử tri trước kỳ họp Hội đồng nhân dân huyện Mỹ Đức…