Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng:

Đề nghị hợp tác phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long

ANTĐ - Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 21 Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP21) tại Trung tâm hội nghị Le Bourget ở Paris (Pháp) ngày 30-11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã đồng chủ trì phiên Đối thoại cấp cao “Việt Nam chung tay cùng các đối tác quốc tế ứng phó với những thách thức của biến đổi khí hậu tại Đồng bằng sông Cửu Long”. 

Đề nghị hợp tác phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long ảnh 1Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại Đối thoại cấp cao “Việt Nam chung tay cùng các đối tác quốc tế ứng phó với thách thức của biến đổi khí hậu
tại Đồng bằng sông Cửu Long” 

Thủ tướng nhấn mạnh, nếu không có giải pháp ứng phó phù hợp thì dự báo đến cuối thế kỷ này, nước biển dâng cao 1m sẽ gây ngập tới 40% diện tích và ảnh hưởng tới sinh kế của gần 55% dân số Đồng bằng sông Cửu Long Việt Nam. Hơn nữa đây còn là nơi đang xuất khẩu khoảng 1/5 tổng lượng gạo thương mại quốc tế trên toàn cầu (2014), cung cấp gạo cho hàng triệu người tại nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới.

Trước những thách thức này, Thủ tướng đã bày tỏ mong muốn nhận được các đề xuất về giải pháp, phương thức hợp tác nhằm nâng cao hiệu quả ứng phó với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững cho vùng Đồng bằng sông Cửu Long. 

Cũng trong ngày họp thứ nhất của COP21, các nước dễ bị tác động tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu đã kêu gọi thế giới phải hành động kiên quyết hơn nữa để tránh các thảm họa. Các quốc gia vùng đất thấp và dân số đông, trong đó có những nước như Việt Nam và Bangladesh, thường dễ bị tổn thương do vấn đề nước biển dâng, trong khi nhiều nước ở tiểu vùng Sahara ở châu Phi lại thường xuyên phải đối phó với nạn hạn hán. Tại cuộc họp, Nhóm các nước dễ bị tổn thương vì khí hậu do Tổng thống Philippines chủ trì trong khuôn khổ COP21  đã thông qua tuyên bố chung kêu gọi Liên hợp quốc phê chuẩn mục tiêu đến năm 2050 năng lượng tái tạo sẽ được sử dụng trên toàn cầu.

Đáng chú ý, trong ngày 30-11, những bất đồng đầu tiên đã xuất hiện ngay trong ngày khai mạc chính thức Hội nghị COP21. Các quốc gia nghèo yêu cầu các nước giàu có phải chịu trách nhiệm nhiều hơn trước tình trạng nóng lên trên toàn cầu bởi họ đã sử dụng rất nhiều nhiên liệu hóa thạch trong giai đoạn làm giàu. Trong khi đó, Mỹ và các quốc gia phát triển lại cho rằng các nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc cần phải hành động nhiều hơn bởi chính những quốc gia này đang tiêu hao một lượng lớn nhiên liệu hóa thạch để phục vụ cho nền kinh tế đang lớn mạnh của mình. Trong 12 ngày diễn ra hội nghị, lãnh đạo hơn 150 quốc gia trên thế giới kỳ vọng sẽ đạt được nhất trí về một Công ước khung mang tính nghị quyết toàn diện về chống biến đổi khí hậu.