Đề nghị có chính sách, chế độ đặc biệt cho lực lượng chuyên trách chống ma tuý

ANTD.VN - Nhấn mạnh kết quả đấu tranh, phòng chống ma tuý thời gian qua là "rất lớn, rất đáng khen ngợi", song đại biểu Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, các vụ án ma tuý bị xử lý có thể mới chỉ là phần nổi của tảng băng...

Đại biểu Nguyễn Sỹ Cương kiến nghị có chính sách đặc biệt cho lực lượng chuyên trách chống ma tuý

Tội phạm ma tuý ngày càng tinh vi, diễn biến phức tạp

Đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) đánh giá tình trạng vi phạm pháp luật liên quan ma tuý ngày càng diễn biến phức tạp. Các đối tượng manh động hơn, mua bán, vận chuyển số lượng lớn ma tuý qua các đường chính ngạch diễn ra tinh vi, có vụ phát hiện cả tấn ma tuý.

Ông Hoà cho rằng cần xét lại việc xem đối tượng nghiện ma tuý là người bệnh, bởi thực tế, từ khi phát hiện đến khi toà tuyên đủ điều kiện đưa vào trại cai nghiện phải mất vài tháng, có vụ việc đối tượng đã gây án nguy hiểm trước khi đưa vào trại cai nghiện.

"Tôi cho rằng đó là nguyên nhân chính phát sinh tội phạm và người sử dụng ma tuý gia tăng. Nên chăng, cần cân nhắc lại tính pháp lý cho phù hợp với thực tiễn nước ta", ông Hoà nói.

Tội phạm ma tuý sẵn sàng dùng vũ khí "nóng" chống trả lực lượng chức năng

Nhấn mạnh kết quả đấu tranh, phòng chống ma tuý thời gian qua là "rất lớn, rất đáng khen ngợi", song ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) cho rằng các vụ án ma tuý bị xử lý có thể mới chỉ là phần nổi của tảng băng và để phòng chống hiệu quả, đòi hỏi sự nỗ lực, hy sinh xương máu của lực lượng chuyên trách chống ma tuý.

"Mong Chính phủ quan tâm hơn tới công việc này, kể cả về nhân lực, trang thiết bị cũng như các chế độ chính sách", ông Cương kiến nghị.

ĐB Nguyễn Hữu Cầu, Thiếu tướng, Giám đốc Công an tỉnh Nghệ An cho biết, chỉ tính từ năm 2016 đến nay, đã có 45 đồng chí hy sinh, 365 đồng chí phơi nhiễm HIV, 1.314 cán bộ chiến sỹ bị thương trong khi làm nhiệm vụ, nhiều người phải mang theo thương tật suốt đời.

“Những hi sinh mất mát đó không làm nhụt ý chí chiến đấu, trái lại là niềm tự hào, danh dự là sự cống hiến của toàn lực lượng Công an nhân dân cho đất nước”, Thiếu tướng Nguyễn Hữu Cầu nhấn mạnh.

Chứng minh đưa, nhận hối lộ: Khó nhưng phải làm

Quan tâm tới công tác phòng chống tham nhũng, đại biểu Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) dẫn chứng vụ các ông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn bị khởi tố về tội “Nhận hối lộ” với số tiền lớn lên tới hàng triệu USD và cho biết đây là lần đầu tiên trong lịch sử tư pháp Việt Nam, các bị cáo trong một vụ án thừa nhận hành vi nhận hối lộ số tiền nhiều đến vậy.

Đại biểu Mai Thị Phương Hoa đề nghị cần có biện pháp mạnh mẽ hơn trong việc xác định, xử lý tội đưa, nhận hối lộ

Tuy nhiên theo bà Hoa, trong thực tế có nhiều vụ án lớn nhưng cơ quan tố tụng không chứng minh được hành vi đưa, nhận hối lộ nên phải xử lý về tội phạm kinh tế. 

“Việc chứng minh này là rất khó, vì các đối tượng tìm mọi cách che giấu hành vi. Việc đưa, nhận hối lộ rất khó chứng minh, nhất là qua án truy xét. Song theo tôi, khó không phải là không làm được”, nữ đại biểu tỉnh Nam Định nói.

Bà Hoa dẫn chứng vụ án Nguyễn Văn Dương, Phan Sào Nam cùng đồng bọn trong quá trình điều tra ngoài tội “Đánh bạc”, “Tổ chức đánh bạc”, “Rửa tiền”… thì còn bị khởi tố hành vi đưa hối lộ.

Đáng chú ý là trong vụ án này không có bị cáo bị truy tố về tội nhận hối lộ. Vì vậy, tại phiên phúc thẩm, Toà án nhân dân cấp cao tại Hà Nội đã kiến nghị tiếp tục điều tra về hành vi nhận hối lộ nhưng đến nay kiến nghị này vẫn chưa có kết quả.

“Việc chậm trễ làm dư luận bức xúc, băn khoăn”, bà Hoa nêu vấn đề và đề nghị cơ quan tố tụng đẩy nhanh tiến độ giải quyết giai đoạn 2 của vụ án để làm rõ hành vi đưa, nhận hối lộ.