- Xây dựng, lựa chọn đội ngũ cán bộ: Việc hệ trọng của Đảng trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc (Kỳ 4): Không chủ quan, nóng vội, đốt cháy giai đoạn khi giới thiệu, lựa chọn nhân sự
- Xây dựng, lựa chọn đội ngũ cán bộ: Việc hệ trọng của Đảng trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc (Kỳ 3): Nói trời, nói biển mà không làm được việc thì đừng vào cấp ủy
- Xây dựng, lựa chọn đội ngũ cán bộ: Việc hệ trọng của Đảng trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc (Kỳ 2): Đòi hỏi trách nhiệm cao của người “cầm cân nảy mực”
|
Phải luôn công tâm, khách quan, biết lắng nghe trong lựa chọn cán bộ |
PGS.TS Vũ Trọng Lâm, Giám đốc - Tổng Biên tập Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật: Chọn người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm
“Để phát huy vai trò động lực của công tác cán bộ trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, cần tập trung vào một số giải pháp mang tính đột phá.
Một là, phải thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, phát huy dân chủ gắn với tăng cường trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu trong công tác cán bộ.Mỗi người đứng đầu phải là tấm gương sáng về đạo đức, lối sống, tác phong công tác, nhất là về phẩm chất, năng lực, uy tín để toàn cơ quan, đơn vị noi theo.
|
Hai là, phải đổi mới mạnh mẽ các khâu trong công tác cán bộ. Cần thực hiện tốt công tác quy hoạch để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ sẽ tạo ra sự chủ động, bảo đảm tính kế thừa, phát triển, khắc phục tình trạng hẫng hụt trong bố trí, sử dụng cán bộ. Đặc biệt, cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng, thử thách đối với các đồng chí là nhân sự được quy hoạch tham gia cấp ủy, ban thường vụ cấp ủy các cấp, bảo đảm lựa chọn ra được cấp ủy, nhất là người đứng đầu có năng lực lãnh đạo, có sức chiến đấu cao, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới sáng tạo vì sự nghiệp chung, có năng lực lãnh đạo thực hiện thắng lợi các chủ trương của Đảng, đưa nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cuộc sống trên từng lĩnh vực, địa bàn. Khâu đánh giá, nhận xét cán bộ cũng rất quan trọng, đòi hỏi phải công tâm, khách quan, thực chất, tạo đoàn kết, nhất trí cao trong tổ chức và phải làm thật tốt để nâng cao chất lượng các khâu khác của công tác cán bộ, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trong đánh giá, nhận xét về phẩm chất, năng lực cán bộ phải lấy kết quả hoàn thành nhiệm vụ được giao làm thước đo chính gắn với sản phẩm cụ thể, bảo đảm khách quan, cụ thể, khoa học, chính xác; phải được cấp ủy thảo luận dân chủ, kiên quyết khắc phục tình trạng chuyên quyền để quyết định các vấn đề trong công tác cán bộ. Cùng với đó, việc đánh giá còn phải toàn diện cả đức và tài, chú trọng về phẩm chất chính trị và năng lực công tác chuyên môn, đặt trong môi trường, điều kiện, hoàn cảnh cụ thể; khắc phục tình trạng đánh giá cán bộ một cách chung chung, cảm tính, chủ quan, coi bằng cấp, học vị cao hơn phẩm chất, năng lực.
Ba là, xây dựng cơ chế khuyến khích và bảo vệ cán bộ có tư duy đổi mới, dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Cách bảo vệ cán bộ, đảng viên tốt nhất, hiệu quả nhất là chủ động ngăn ngừa rủi ro, sai sót ngay từ khi cán bộ mới xây dựng kế hoạch dám làm, dám đột phá.
Bốn là, kiểm soát chặt chẽ quyền lực trong công tác cán bộ; chống chạy chức, chạy quyền. Coi trọng cả cảnh báo, phòng ngừa và xử lý sai phạm, bảo đảm không có “vùng cấm”, không có ngoại lệ. Nhận thức sâu sắc về tác hại nghiêm trọng của tệ chạy chức, chạy quyền, coi đây là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ”.
Đại biểu Quốc hội Trần Quốc Tuấn, Trưởng Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Trà Vinh: Lựa chọn cấp ủy đừng chỉ nhìn vào lý lịch
“Hiện nay, các địa phương đều đang tích cực chuẩn bị cho đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng. Các đại hội cấp cơ sở sẽ diễn ra từ đầu năm 2025, trong đó công tác nhân sự đương nhiên là vấn đề được quan tâm hàng đầu của mỗi kỳ đại hội. Theo tôi, công tác lựa chọn cán bộ để bầu vào cấp ủy cần phải làm thật chặt chẽ, thực hiện nghiêm túc theo các quy trình đã được Trung ương và các Tỉnh ủy, Thành ủy hướng dẫn; từ khâu lựa chọn đưa vào quy hoạch, đến đào tạo bồi dưỡng, kiểm tra, giám sát, đánh giá thực chất và đề cử, bầu cử.
|
Cán bộ được lựa chọn phải có phẩm chất tốt, đầu tiên là trung thực. Trung thực ở đây là trung thực với Đảng, với dân; thể hiện qua trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ được giao, trung thực trong kê khai tài sản, là trách nhiệm trong thực hiện lời hứa với nhân dân.
Sau khi cán bộ được bổ nhiệm, phải tiếp tục được kiểm tra, giám sát. Thực tế, có những cán bộ khi được lựa chọn để đề cử, bổ nhiệm là cán bộ rất tốt, rất có năng lực nhưng trong quá trình thực thi nhiệm vụ, do các điều kiện tác động, nhất là cám dỗ về vật chất đã sa ngã, không giữ được mình, không đủ bản lĩnh chính trị vững vàng để vượt qua. Đây là điều rất đáng tiếc cho cá nhân họ và đáng tiếc cho Đảng, Nhà nước và nhân dân. Thế nên, phải có cơ chế giám sát, kiểm tra công vụ mạnh mẽ để ngăn ngừa các trường hợp này.
Đối với cán bộ được quy hoạch để chuẩn bị cho đại hội Đảng các cấp, tôi cho rằng, điều quan trọng là phải chọn được người cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới. Điều này phải được thể hiện bằng sản phẩm, cụ thể là kết quả công tác và đóng góp tích cực của họ cho đơn vị, cho địa phương nơi họ công tác. Nếu chúng ta chỉ nhìn vào lý lịch thì chưa đủ. Về giám sát, vấn đề kê khai tài sản cần phải làm quyết liệt hơn, thực chất hơn nữa. Thực tế thời gian qua, công tác kê khai tài sản chúng ta đã triển khai nhưng đúng là hiệu quả chưa được như mong muốn.
Công tác luân chuyển, điều động cán bộ trước đại hội cũng rất quan trọng, nhằm giúp những cán bộ được quy hoạch có cơ hội để phát triển, để họ ứng cử vào các vị trí mà họ được quy hoạch. Còn nếu không luân chuyển, điều động thì khó có cơ hội cho những cán bộ được quy hoạch có thể ngồi vào vị trí mà họ được quy hoạch. Đương nhiên, trong quá trình luân chuyển điều động thì cấp cơ sở cần lưu ý thời gian luân chuyển cán bộ trước đại hội phải đủ dài để người cán bộ thể hiện được năng lực của mình, gây dựng được niềm tin với đảng bộ ở cơ sở đó. Thời gian luân chuyển, điều động phải trước đại hội Đảng tối thiểu 1 năm.
Cần lưu ý thêm rằng, Đảng, Nhà nước ta đang có chủ trương sắp xếp lại bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu lực hiệu quả, trong đó sẽ sắp xếp lại các bộ, ngành. Đây là việc bắt buộc phải làm. Khi hợp nhất, sáp nhập các bộ, ngành thì cán bộ sẽ dôi dư. Vấn đề này cần được tính toán thật kỹ lưỡng, giải quyết thật nhân văn, tinh thần là phải giữ lại những cán bộ có năng lực để đảm đương nhiệm vụ mới. Với những cán bộ không còn giữ nhiệm vụ nữa thì phải có cơ chế chính sách, nhất là chính sách khuyến khích những cán bộ có nguyện vọng nghỉ hưu trước tuổi”.
GS.TS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội: Để chọn được cán bộ tốt, phải lắng nghe nhân dân và cán bộ cơ sở
“Công tác cán bộ là công tác của Đảng. Đảng ta rất quan tâm đến công tác này và triển khai ngày càng bài bản, chặt chẽ, để xây dựng được chất lượng đội ngũ cán bộ tốt về phẩm chất, giỏi về năng lực, trình độ chuyên môn. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện không thể tránh khỏi những trường hợp có sai sót, dẫn đến phải xử lý nghiêm khắc như thời gian qua. Vì thế, công tác cán bộ đang tiếp tục được xem như mối quan tâm hàng đầu, nhất là trong giai đoạn chuẩn bị đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIV của Đảng.
|
Ưu tiên hàng đầu là phải chọn được đội ngũ cán bộ chủ chốt thực sự trong sạch, thực sự có phẩm chất, năng lực tốt, tránh những trường hợp đáng tiếc xảy ra sau đại hội. Bởi không có cán bộ tốt, có tâm, có tài thì đường lối đề ra hay đến đâu cũng không thực hiện được trong thực tế.
Ngoài các quy trình, quy định của Đảng về công tác cán bộ phải thực hiện thật chặt chẽ, tôi cho rằng, cần tăng cường vai trò giám sát, sự tham gia của nhân dân. Nhân dân tham gia vào công tác cán bộ thông qua các tổ chức của nhân dân, nhất là Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức quần chúng, nghề nghiệp… Vì thế, phải tạo điều kiện, lấy ý kiến… để các tổ chức của nhân dân nói hết những suy nghĩ, đánh giá của mình đối với các cán bộ dự kiến đưa vào cấp ủy, đưa vào bộ máy Nhà nước. Nói cách khác, phải làm sao để lắng nghe được ý kiến của dư luận xã hội về cán bộ, bởi nhân dân là người biết rõ hết những cán bộ ở gần mình (nhất là cấp cơ sở) và có vậy mới đảm bảo được tính công tâm, khách quan về công tác cán bộ. Điều này cũng chính là phát huy sức mạnh của cả hệ thống chính trị trong công tác cán bộ.
Liên quan tới công tác kê khai tài sản, lâu nay, chúng ta vẫn chủ yếu dựa vào ý thức tự giác của người kê khai tài sản. Theo tôi, phải phát huy tai mắt của nhân dân trong giám sát. Kê khai tài sản thì phải có quy định về việc công khai rộng rãi, chứ chỉ công khai ở cơ quan của người đó thì nhân dân ít biết, khó kiểm soát kê khai đúng hay sai. Thực tế vừa qua là kê khai nhưng chúng ta không giám sát chặt chẽ, chỉ khi có dấu hiệu nghi ngờ hoặc phát sinh đơn thư thì cơ quan chức năng có thẩm quyền mới kiểm tra… Do đó, phải có kênh công khai để nhân dân biết người cán bộ này kê khai tài sản thế nào, có giấu giếm gì không.
Trong thực tiễn, nhiều cán bộ lúc được đề bạt, bổ nhiệm thì rất tốt nhưng sau đó một thời gian mới bị phát hiện có sai phạm này, sai phạm khác trước đó, phải xử lý kỷ luật. Có vấn đề đó, suy cho cùng do chúng ta chưa có hệ thống nắm thông tin về cán bộ thật sát sao, vì thế, không kịp thời phát hiện được những sai sót của họ, kể cả trong hiện tại cũng như trong quá khứ. Đúng ra, sau khi cân nhắc đề bạt họ thì phải có cơ chế theo dõi, đánh giá họ. Như ở nước Mỹ, họ có “Luật Đánh giá kết quả thực thi công việc”, có cơ quan chuyên trách về công tác này. Chúng ta cũng nên xem xét xây dựng một cơ chế, quy định, quy tắc nào đó để đánh giá cán bộ được sát sao hơn, để bổ nhiệm được cán bộ thực sự xứng đáng. Như vậy cũng chính là để bảo vệ cán bộ của mình”.
Phó Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Quản Minh Cường, nguyên Phó Trưởng Ban Tổ chức Trung ương: Bí thư cấp ủy phải công tâm, khách quan trong lựa chọn cán bộ
“Trong công tác nhân sự, để lựa chọn đúng, trúng những người có đủ năng lực, phẩm chất, đạo đức để bố trí vào vị trí lãnh đạo các cấp, từ xã, phường cho đến Trung ương, thì điểm chung đầu tiên là phải làm tốt công tác quy hoạch. Điều tiên quyết là phải rà soát thật kỹ những người trong quy hoạch, thực hiện theo đúng hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về công tác nhân sự, ai đủ tiêu chuẩn mới đưa vào.
|
Thứ hai là phải phát huy dân chủ cơ sở. Chỉ khi chú trọng đến việc phát huy dân chủ cơ sở thì mới có thông tin đúng về cán bộ, tức là phải tôn trọng ý kiến của người dân, ý kiến của cán bộ đảng viên ở cơ sở, cấp ủy cơ sở, để thực hiện các quy trình về công tác cán bộ theo đúng quy trình hai bước, năm bước. Đảng ta đã có quy trình về công tác cán bộ rất chặt chẽ, những gì đã có quy định thì phải thực hiện nghiêm túc, không được bỏ qua. Từ đó mới không phát sinh vấn đề tiêu cực.
Thứ ba, phải phát huy vai trò của người đứng đầu cấp ủy các cấp. Bí thư cấp ủy phải là người công tâm, khách quan trong lựa chọn cán bộ, nếu không rất dễ xảy ra tiêu cực. Công tâm, khách quan thể hiện qua tôn trọng ý kiến của tập thể, ý kiến của Ban Chấp hành, Ban Thường vụ, không áp đặt suy nghĩ cá nhân. Bên cạnh đó, cần đề cao vai trò của các tổ chức chính trị - xã hội như Mặt trận Tổ quốc, Hội Cựu chiến binh, Hội Phụ nữ… để họ tham gia nhiều vào công tác phản biện xã hội để lựa chọn cán bộ.
Tôi muốn nhấn mạnh, một nguyên tắc rất quan trọng trong công tác nhân sự là lắng nghe. Lắng nghe đầu tiên là ý kiến nhân dân, không có gì giấu được nhân dân, người cán bộ ở cơ sở ra sao nhân dân biết hết. Để biết những người thực sự có tài năng, dám nghĩ dám làm, có thành tích, thì phải nghe từ người dân phản ánh.
Ngoài ra, muốn lựa chọn được cán bộ đúng phải căn cứ vào kết quả đánh giá cán bộ. Đánh giá cán bộ là cả một quá trình, hàng năm, chứ không phải ngày một ngày hai. Vì thế, không thể chỉ dựa vào ý kiến chủ quan của một vài người, mà nó thể hiện ra bằng kết quả công tác của người cán bộ đó trong một giai đoạn thời gian, thể hiện ra bằng sản phẩm như anh đạt được thành tựu gì; anh công tác ở địa phương đó, đơn vị đó có để lại dấu ấn gì, mang lại tiến bộ gì… chứ không thể nói chung chung. Người cán bộ tốt thì phải nói được, làm được và phải có những sản phẩm chất lượng, kết quả cụ thể. Chẳng hạn, cứ nói anh làm lãnh đạo ở địa phương rất tốt mà thu ngân sách địa phương đó bết bát, các chỉ tiêu liên tục không đạt; hay anh làm Công an ở địa phương mà địa phương đó liên tục gia tăng tội phạm, trọng án… thì không thể thuyết phục.
Quy trình đã chặt chẽ, các tiêu chuẩn cán bộ đều đã có hết rồi, quan trọng nhất vẫn là triển khai nghiêm chỉnh và thực chất, xem xét khách quan, phải tôn trọng nguyên tắc lãnh đạo trong Đảng là tập trung nhưng dân chủ.
Cùng với đó, công tác luân chuyển, điều động cán bộ rất quan trọng và phải triển khai thường xuyên. Có những trường hợp luân chuyển cán bộ trong thời gian ngắn đã phải điều động lại, do họ làm không tốt hoặc do vị trí khác cần họ hơn, phù hợp với họ hơn thì điều động, chứ không nhất thiết phải đủ 36 tháng. Nói tóm lại, đánh giá cán bộ là cả một quá trình. Có thể có những cán bộ mới điều động về khoảng 6 tháng, chưa có sản phẩm rõ ràng thì phải đánh giá qua thái độ tiếp cận công việc của họ và kết quả công tác của họ trước đó. Thái độ ở đây là có sâu sát cơ sở mới hay không, có hành động quyết liệt không, có xây dựng được mối quan hệ công tác tốt với địa phương và nhân dân hay không…
Thực tế, đã có những cán bộ khi bổ nhiệm thì tốt nhưng sau đó có sai phạm. Điều này là rất bình thường. Cán bộ cũng là con người, có thể hôm nay ta rất tốt nhưng một lúc nào đó có thể chúng ta không giữ được bản lĩnh cách mạng mà dao động trước một vấn đề gì đó, do nhận thức pháp luật không đúng hoặc có thể do lòng tham nên sa ngã… Vì thế, làm cán bộ phải luôn tu dưỡng bản thân, càng phải giữ mình thận trọng hơn, phải thường xuyên tự soi, tự sửa mình.
Công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng cũng phải tăng cường, thường xuyên, liên tục”.