Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú:

Để lại cho đời những “Hạt mùa sau”

ANTĐ - Đó là một đêm đầu mùa hè năm 1963. Hội trường khoa Văn, trường Đại học Sư phạm Hà Nội nêm chặt người. Đêm nay khoa mời nhà văn Nguyễn Đình Thi nói chuyện với sinh viên. Tuy nhiên, một trong những ấn tượng in sâu trong tâm trí sinh viên lúc đó là khi nhà văn trân trọng thông báo cho  biết, sắp tới, tiểu thuyết Huệ của một nữ tác giả trẻ sẽ ra mắt bạn đọc. Người đó là cô giáo Nguyễn Thị Ngọc Tú.  

Từ trái sang phải:

Các nhà văn, nhà thơ Nguyễn Thị Ngọc Tú, Nguyễn Thị Như Trang, Lâm Thị Mỹ Dạ, Xuân Quỳnh

Viết tiểu thuyết thành công từ khi còn là một thiếu nữ, Nguyễn Thị Ngọc Tú thành danh khá sớm. Chị đã từng là Ủy viên Ban Thư ký Hội Nhà văn Việt Nam khóa 3, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn khóa 4. Và đã đảm nhiệm chức trách Tổng biên tập Tạp chí Tác phẩm mới nhiều năm trước khi nghỉ hưu. Thành tựu văn học của chị còn được ghi nhận bằng nhiều giải thưởng lớn: Giải thưởng Hội Nhà văn với tiểu thuyết “Hạt mùa sau”, Giải thưởng của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam với tiểu thuyết “Hai người và những con sóng”. Năm 2001, ngay trong đợt 1, chị đã được nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật.

Các nhà phê bình đọc sách của chị, ngoài những nhận xét về sự thông minh nhạy cảm, khả năng nắm bắt các vấn đề nảy sinh từ cuộc sống… còn lại đều chung một nhận xét, văn chị đôn hậu mà trẻ trung, sinh động nhiều khi dí dỏm bất ngờ. Với chị viết văn không phải là một nghề. Chị quan niệm: Cùng với thời gian mọi thứ sẽ qua đi, chỉ còn lại những giá trị nhân văn mà thôi và tác phẩm của chị đúng như chị vẫn hằng nghĩ: “Văn là hướng con người tới điều thiện, tránh bỏ tà ác. Mà điều thiện bao giờ cũng là vĩnh hằng”.

Giữa văn và đời sống thường nhật của nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú không hề có độ vênh. Chị là người sống rất giản dị, chân thành gần gụi và yêu quý mọi người. Tài năng và đức độ, có uy tín cao với đồng nghiệp và bạn bè, Nguyễn Thị Ngọc Tú đã từng là đại biểu duy nhất của giới văn học nghệ thuật cả nước tham dự Đại hội toàn quốc Đảng CSVN lần thứ 8.

Tôi hay đến chơi với chị Tú, cảm nhận chị là người có tấm lòng đôn hậu hiếm có. Chị có tính rất hay, mỗi khi đi may cho mình một bộ quần áo mới, tiện thể chị may thêm dăm bộ nữa. Có người thấy thế tò mò hỏi, may nhiều thế mặc sao hết? Chị cười: “May nhân thể để có bạn nào đến chơi mà thích thì tặng bạn ấy luôn cho tiện”.

Một lần đến thăm, nhớ là lần trước đã cho tôi quần áo rồi chị liền bảo: Ngồi chơi một tý, tớ ra đây rồi về ngay. Hóa ra chị ra phố mua 20 gói mì tôm rồi bắt bằng được mang về làm quà cho trẻ con. Thấy tôi chối đây đẩy không nhận, chị bảo: “Cầm lấy, không chị giận! Thơm thảo cái con khỉ! Thơm thảo bà lão ăn thừa!”.

Nguyễn Thị Ngọc Tú rất dí dỏm. Chồng mất sớm. Chị ở vậy nuôi con. Có một ông cán bộ mê chị như điếu đổ, ngày ngày săn đón chị hết mực. Chị đối đãi rất lịch sự, nhẹ nhàng từ chối tình cảm của ông. Hỏi, vì sao? Chị nháy mắt hóm hỉnh: Em thử tưởng tượng xem, bây giờ mình đang sống thoải mái tự do với con cái,  bỗng nhiên trong nhà xuất hiện một gã đàn ông quần đùi may ô đi lại lông nhông, gãi đùi gãi nách sồn sột, thì chịu sao nổi!

Tạp chí Tác phẩm mới mà chị trong vai Tổng biên tập là một ấn phẩm có uy tín với giới văn chương, nhưng về mặt tài chính thì rất ngặt nghèo. Chị thường nói với các cộng tác viên: “Thông cảm với bọn mình đi. Vừa bé hạt gạo vừa lâu đồng tiền là căn bệnh kinh niên của tạp chí mình, nhưng mình sẽ có cách khắc phục dần dần”. Chị tổ chức cuộc thi Truyện vừa. Hôm trao giải, chị thuê xe ô tô chở hàng chục cái quạt điện cao to nghễu nghện chật ních cả hội trường. Cũng chỉ là từng ấy tiền thôi, nhưng các tác giả được giải, anh nào cũng vui hể hả vì được khệ nệ vác cả một cái quạt điện to đùng. Nhà văn Vũ Bão, một người được giải nói: “Ngọc Tú khuếch trương chiến quả hoành tráng quá,  khôn thật!”.

Trong các tiểu thuyết của chị, nhiều người hiện còn rất nhớ cuốn “Hạt mùa sau”. Cuốn này được giải thưởng Hội Nhà văn năm1985. “Hạt mùa sau” là câu chuyện diễn biến quanh việc lai tạo giống lúa ở một viện nghiên cứu cây lương thực. Mọi cố gắng của con người ở đây đều nhằm tạo ra những giống lúa cho đời sau có những đặc tính tốt như: năng suất cao, ngắn ngày, chịu được điều kiện khắc nghiệt của thiên nhiên.

Nhà văn Nguyễn Thị Ngọc Tú đã thành công đặc biệt với “Hạt mùa sau” - nhưng chị còn có một “Hạt mùa sau” khác - chính là người kế tiếp một cách xuất sắc nghề văn của chị, con gái của chị: nhà văn Nguyễn Thị Thu Huệ, Ủy viên Ban Chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khóa 8, người thành công với các tác phẩm: “Cát đợi”, “Hậu thiên đường”, “Phù thủy”… cùng nhiều giải thưởng văn chương danh giá khác.