Để kinh tế phục hồi bền vững hơn

ANTĐ - Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới cũng như trong nước còn nhiều khó khăn, Chính phủ đã có những giải pháp cụ thể để thúc đẩy nền kinh tế. ĐBQH Trần Du Lịch (đoàn TP Hồ Chí Minh) trả lời Báo ANTĐ về những mục tiêu phát triển kinh tế năm 2013.

Làm “ấm” thị trường bất động sản là nhóm giải pháp trọng tâm trong năm tới

- PV: Ông có thể cho biết thách thức lớn nhất với nền kinh tế Việt Nam năm 2013 là gì?

- Ông Trần Du Lịch: Trong phiên trả lời chất vấn vừa qua, Thủ tướng đưa ra 3 nhóm giải pháp: 1 nhóm  liên quan đến việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; 1 nhóm liên quan đến việc giải quyết nợ xấu, cái gốc của nhiều vấn đề kinh tế; và đặc biệt là những giải pháp để làm ấm thị trường bất động sản. Tôi cho rằng, những nhóm giải pháp mà Thủ tướng đưa ra tương đối rõ. Tuy nhiên, thách thức là làm sao thực hiện một cách đồng bộ mới có hiệu quả. Nói nôm na là con thuyền kinh tế Việt Nam phải được chèo  lái đúng hướng, nếu làm được như vậy năm 2013, tín hiệu lạc quan sẽ xuất hiện để kinh tế phục hồi bền vững hơn.

- Theo ông, những nút thắt của nền kinh tế trong năm 2012 sẽ được giải quyết thế nào trong năm 2013?

- Những nút thắt về nợ xấu,  thị trường bất động sản, khó khăn tín dụng đều được Chính phủ đưa ra hướng tháo gỡ cụ thể. Vấn đề là  cách làm ra sao, lộ trình, bước đi như thế nào mới là thách thức. Việc tháo gỡ cần sự phối hợp giữa các cơ quan điều hành của Chính phủ.

- Ông đánh giá thế nào về mục tiêu tăng trưởng 5,5%, lạm phát  8% của năm 2013?

- Thật sự, kinh tế Việt Nam hiện nay tăng trưởng dưới tiềm năng. Nhiều xí nghiệp ngưng sản xuất để giải quyết tồn kho, nhiều dây chuyền bỏ trống, nhiều ngành đã được đầu tư lâu dài nhưng chưa phát triển hết, thành ra không cần đầu tư mới, với mức đầu tư đang có nếu tháo gỡ được những nút thắt thì kinh tế tăng trưởng đúng tiềm năng ở mức 7%.  Mục tiêu 5,5% không phải là khó, vấn đề là làm sao tạo được niềm tin  cho thị trường, để tháo gỡ. Còn việc kiểm soát lạm phát ở mức 8% tôi thấy hoàn toàn có thể làm được, vì tổng cầu nền kinh tế năm nay giảm rất mạnh, nếu chúng ta điều hành chính sách tiền tề, tài khóa một cách hợp lý thì không có cơ sở gì để lạm phát bộc phát trong năm 2013.

- Với tình hình kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn trong năm 2012, niềm tin vào sự điều hành của Chính phủ trong năm 2013 sẽ được tạo dựng trên cơ sở nào?

- Niềm tin vào thực tế, tính nhất quán của các biện pháp, chính sách được thể hiện như thế nào? Như chúng ta nói giảm lãi suất thì những biện pháp thực hiện cụ thể là gì? Trên thực tế, doanh nghiệp có vay được, có tiếp cận được nguồn vốn như chúng ta nói hay không và chính những hành động thực tế sẽ củng cố niềm tin.

- Xin cảm ơn ông!