Để khơi thông dòng vốn

ANTĐ - Cuộc hội thảo “Ngân hàng và doanh nghiệp-giải pháp dòng tiền” vừa diễn ra, thực sự là điểm nóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp. Để khơi thông được dòng vốn, bảo đảm sự công bằng giữa ngân hàng và doanh nghiệp, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh, cần thay đổi ngay cơ chế điều hành lãi suất cho vay, thay cho trần lãi suất huy động.

Vụ trưởng Tín dụng, Ngân hàng Nhà nước chỉ rõ, doanh nghiệp gánh chịu khó khăn chồng chất. Trước đây, doanh nghiệp khó tiếp cận nguồn vốn ngân hàng một phần do ngân hàng siết tín dụng. Hiện nay khi ngân hàng mở cửa thì doanh nghiệp và sức cầu thị trường lại quá yếu. Trên thực tế, có nhiều ngành nghề phát triển tự phát dẫn đến cạnh tranh không lành mạnh, dìm hàng nhau. Điển hình như ngành thủy sản, cà phê, điều… thiếu chiến lược dài hạn. Theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước, trong thời gian tới, tiếp tục thiết lập trần lãi suất cho vay với các lĩnh vực ưu tiên như nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu doanh nghiệp vừa và nhỏ, công nghệ hỗ trợ là 10%.

Tuy vậy, theo Viện trưởng Viện Kinh tế, với trần lãi suất huy động hiện nay 7,5%/năm, trong khi lại không áp trần cho vay phổ biến (chỉ áp dụng 10%/năm đối với 5 lĩnh vực ưu tiên), rõ ràng chỉ đảm bảo lợi ích cho ngân hàng, “nhường” rủi ro cho doanh nghiệp và người dân. Vì vậy, hiệu ứng tiêu cực “kép” của cơ chế điều hành lãi suất làm suy yếu động cơ gửi tiền của người dân, tức là hạn chế nỗ lực chống lạm phát; đồng thời làm chậm trễ việc tiếp cận vốn giá rẻ của doanh nghiệp, tức là làm suy yếu nỗ lực phục hồi tăng trưởng. Một tiến sĩ kinh tế nhấn mạnh, cứu doanh nghiệp cần phải xác định mục tiêu “cứu để sống chứ không phải chết”. Vấn đề hiện nay là chênh lệch lãi suất tại sao cao trong thời gian qua, nay, tuy đã hạ nhưng không còn là yếu tố quyết định cứu doanh nghiệp.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cũng đồng quan điểm khi cho rằng, với tình trạng hàng loạt doanh nghiệp phá sản, dừng hoạt động trong năm qua và quý I năm nay, trước hết phải xác định trong số 56.000 doanh nghiệp phá sản, giải thể, cần bóc tách rõ các doanh nghiệp đang nằm trong lĩnh vực nào thì mới có hướng cụ thể cho từng đối tượng. Hơn thế, trong cơ chế thị trường, việc doanh nghiệp “sống chết”, tách nhập là do thị trường quyết định. Liên quan đến sự sống còn của doanh nghiệp là vấn đề tín dụng và lãi suất. Với tình trạng hàng tồn kho còn khá cao, sức mua giảm, doanh nghiệp vay tiền về không biết làm gì. Ông Phó Chủ nhiệm lưu ý rằng, lãi suất nằm trong tổng thể của nền kinh tế nên không thể ép xuống như mong muốn. Quan trọng nhất là, “sức khỏe” của hệ thống tổ chức tín dụng hiện chưa xử lý xong. Nếu xử lý được vấn đề này mới có thể hạ lãi suất xuống được. Ngân hàng và doanh nghiệp đều là các tổ chức kinh doanh, tác động với nhau theo quan hệ cung cầu.

Đường cong lãi suất đã trở lại theo thị trường thay vì đường thẳng trước. Hàng loạt ngân hàng giảm lãi suất xuống dưới mức trần 7,5%. Song vấn đề là “sức khỏe” doanh nghiệp không hấp thụ, “tiêu hóa” được vốn, vay tiền không biết làm gì.

Tin cùng chuyên mục