Để học sinh không sợ vào nhà vệ sinh

ANTD.VN - Lời Tòa soạn: Đúng vào thời điểm học sinh bước vào năm học mới, loạt bài “Nhà vệ sinh trường học - nỗi ám ảnh tuổi học trò” trên Báo ANTĐ đã thu hút sự quan tâm của các bậc phụ huynh, thầy, cô giáo và các nhà quản lý giáo dục. Phóng viên Báo ANTĐ tiếp tục ghi nhận những ý kiến xung quanh nỗi trăn trở - Phải làm gì để con em chúng ta không sợ vào nhà vệ sinh ở trường học?  

Để học sinh không sợ vào nhà vệ sinh  ảnh 1Xà phòng, giấy vệ sinh, nước sạch không thường xuyên “có mặt” trong nhà vệ sinh trường học

Bà Phạm Thị Yến, Hiệu trưởng trường Tiểu học Thành Công B, Hà Nội: Nhà vệ sinh là vấn đề trăn trở nhất với hiệu trưởng

Một trong những công việc đầu tiên phải làm trước khi vào năm học mới với trường chúng tôi là cải tạo nhà vệ sinh. Với thiết kế cũ, còn nhiều hạn chế, tình trạng ngấm nước, tắc, vòi hỏng, thiết bị xuống cấp… thường xuyên xảy ra nên năm nào nhà trường cũng phải chi một khoản không nhỏ cho việc sửa chữa khu vệ sinh. Một gia đình chỉ có 5-7 người, nếu không cọ rửa thường xuyên đã thấy ngay vấn đề, trong khi trường học trên 1.000 học sinh thì tình trạng bốc mùi, hỏng hóc là khó tránh khỏi.

Việc làm sao để học sinh không sợ vào nhà vệ sinh ở trường học không phải là chuyện dễ. Trường chúng tôi, ngoài việc thuê lao công trực ở khu vệ sinh liên tục vào các giờ cao điểm để dội, rửa kịp thời thì việc giáo dục ý thức học sinh khi sử dụng nhà vệ sinh cũng được chú trọng. Các thầy cô phải thường xuyên nhắc nhở trong các giờ sinh hoạt, học ngoại khóa, chính khóa. Học sinh dễ nhớ nhưng cũng nhanh quên, cứ lơi ra không nhắc là lại trở về thói quen cũ. Một trong những thói quen mà trường tôi vẫn duy trì thường xuyên vào giờ ra chơi là đánh trống điểm, nhắc nhở các con dành vài giây nhìn xung quanh nơi mình đứng nếu có giấy, rác thì nhặt bỏ vào thùng rác. Điều này sẽ trở thành thói quen tốt cho học sinh và chia sẻ, giảm tải công việc cho các bác lao công.

TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội: Không thể coi nhà vệ sinh là “công trình phụ”

Trong trường học, khu vệ sinh vẫn được gọi là công trình phụ nhưng theo tôi nên thay đổi quan niệm này. Nhà vệ sinh không thể là “công trình phụ” bởi nó ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng cuộc sống của học sinh, đặc biệt là những học sinh tiểu học, cả ngày ở trường. Tình trạng nhà vệ sinh trường học xuống cấp, hỏng hóc sẽ tác động xấu tới tâm lý, sức khỏe học sinh. Điều này đã được dư luận xã hội phản ánh nhiều, tuy nhiên, biến chuyển trong các trường học chưa lớn. Vấn đề là các nhà quản lý, các vị hiệu trưởng không phải ai cũng quan tâm đến chuyện nhà vệ sinh bẩn hay sạch và không coi đây là việc đáng quan tâm. Nếu hiệu trưởng quan tâm, chắc chắn sẽ không có nhà vệ sinh bẩn, bốc mùi.

Bên cạnh đó, tôi cũng cho rằng nhà trường cần chú trọng hơn đến việc giáo dục ý thức sử dụng công trình công cộng của trường học nói riêng, của xã hội nói chung. Nhiều người không có ý thức khi sử dụng các công trình công cộng chính là vì không được xây dựng khi còn ở trường học. Việc bố trí cho học sinh lao động, dọn dẹp trường lớp, khu vệ sinh theo lịch hoặc áp dụng hình thức xử phạt lao động với những học sinh vi phạm kỷ luật nhiều lần cũng là điều nên làm. Cần thống nhất với phụ huynh, học sinh, việc này nhằm giáo dục học trò ý thức đạo đức, thói quen lao động và biết phê phán với nhưng thói hư, tật xấu.

Ông Nguyễn Thế Sơn, Phó Trưởng phòng Kế hoạch-tài chính, Sở GD-ĐT Hà Nội: Đề xuất sửa chữa nhà vệ sinh các quận, huyện lên gần 400 tỷ đồng

Theo chủ trương của thành phố về việc cải tạo, nâng cấp nhà vệ sinh trong trường học năm học này, hiện Sở GD-ĐT Hà Nội đang cập nhật đề xuất từ 30 quận, huyện. Đến thời điểm này, thống kê cho thấy có trên 2.600 nhà vệ sinh cần sửa chữa với dự tính trung bình mỗi nhà vệ sinh đầu tư khoảng 100 triệu đồng. Số liệu thống kê cho thấy hàng nghìn thiết bị hỏng, xuống cấp cần thay mới, nâng cấp hệ thống cấp thoát nước… Sở   GD-ĐT Hà Nội đã báo cáo UBND TP dự trù kinh phí là khoảng 400 tỷ đồng với giai đoạn triển khai từ năm 2016 đến 2018. 

Trước đó, giai đoạn năm 2008-2010, Hà Nội đã triển khai chương trình vệ sinh nước sạch trong trường học. Tuy nhiên, vẫn còn những nơi khu vệ sinh xuống cấp nghiêm trọng. Điều này cho thấy việc hỗ trợ, đầu tư của thành phố mới chỉ giải quyết một phần, còn lại các quận, huyện phải sâu sát hơn theo phân cấp quản lý. Thêm nữa, vai trò quản lý của Ban giám hiệu trường học cũng đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng ý thức học sinh sử dụng, duy trì tài sản công. Trong quá trình kiểm tra các cơ sở trường học, chúng tôi thấy không phải hiệu trưởng nào cũng quan tâm, sâu sát trong việc giáo dục ý thức học sinh khi sử dụng các công trình công cộng, do vậy mới có những khu vệ sinh bẩn, hỏng hóc, ảnh hưởng đến môi trường sư phạm, sức khỏe học sinh như báo chí phản ánh.

Chưa đạt chuẩn quốc gia 

Trong tiêu chuẩn quốc gia về trường học do Viện Kiến trúc - quy hoạch đô thị và nông thôn biên soạn, Bộ Xây dựng đề nghị, Tổng cục Tiêu chuẩn - đo lường - chất lượng thẩm định và được Bộ Khoa học và Công nghệ công bố từ năm  2011 thì các trường học đều được quy định rõ tiêu chí phòng học, phòng chức năng và khu vệ sinh. Theo đó, khu vệ sinh của học sinh cần có phòng đệm và được thiết kế với tiêu chuẩn diện tích tối thiểu 0,06m2/học sinh, với số lượng thiết bị: 1 tiểu nam, 1 xí và 1 chậu rửa cho từ 20 học sinh đến 30 học sinh. Đối với học sinh nữ, tối đa 20 học sinh/chậu xí. Phòng vệ sinh nam, nữ phải được thiết kế riêng biệt. Lối vào khu vệ sinh không được đối diện trực tiếp lối vào phòng học, phòng bộ môn. Chiều cao lắp đặt thiết bị vệ sinh phải phù hợp nhu cầu sử dụng và lứa tuổi học sinh. Ít nhất phải có 1 phòng vệ sinh đảm bảo cho học sinh khuyết tật tiếp cận sử dụng. Số lượng phòng vệ sinh cho giáo viên, cán bộ nhân viên trong trường được bố trí nam nữ riêng biệt. Diện tích tối thiểu 6m2/phòng. Trong khu vực vệ sinh của giáo viên, cán bộ nhân viên nên bố trí phòng tắm.

Có thể thấy, chỉ tính riêng tiêu chí về diện tích và số thiết bị tối thiểu trên đầu học sinh theo tiêu chuẩn quốc gia thì cả trường học nông thôn lẫn thành phố đều khó có thể đáp ứng, nhất là với các trường học được xây dựng từ lâu, không đạt chuẩn quốc gia hay kể cả những trường đạt chuẩn quốc gia nhưng lại quá tải về số lượng học sinh.