Tổ chức hoạt động đầu năm học:

Để học sinh cảm thấy ngôi trường thực sự thân thiện

ANTĐ - Ngày 1-8,  học sinh trên cả nước đồng loạt tựu trường để làm quen với nền nếp học tập trước khi năm học mới chính thức khai giảng vào ngày 5-9. Bộ GD-ĐT đã yêu cầu các trường tổ chức hoạt động đầu năm học làm sao để học sinh có động lực học tập và cảm thấy vui khi đến trường. 

Bộ GD-ĐT yêu cầu tổ chức hoạt động đầu năm học hiệu quả, tránh hình thức

Lo trường làm hời hợt, qua loa

Bước vào đầu năm học, trước sự bỡ ngỡ của học sinh đầu cấp, các trường đều được yêu cầu đặc biệt quan tâm tới việc giúp các em hòa nhập với môi trường học tập mới. “Các trường có thể tạo điều kiện cho học sinh mới hòa nhập nhanh chóng vào môi trường học tập và rèn luyện mới qua hoạt động hướng dẫn, giúp đỡ thân thiện của bạn bè và thầy cô giáo bằng các hình thức trò chơi, sinh hoạt tập thể, giao lưu kết nghĩa giữa học sinh các lớp đầu cấp với học sinh các lớp trên...” - Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển yêu cầu.

Đây không phải là công việc năm nay Bộ GD-ĐT mới yêu cầu. Năm học nào Bộ cũng nhấn mạnh việc duy trì tổ chức các hoạt động đầu năm học ở mỗi trường sao cho phù hợp với điều kiện của nhà trường, đặc điểm tâm sinh lý học sinh, gắn với thực tế của địa phương; thực sự có tác dụng, hiệu quả đối với học sinh, đặc biệt là học sinh đầu cấp học. Mục đích là phải tạo được niềm tin, động lực học tập cho học sinh và không khí vui tươi, phấn khởi trong nhà trường...

Tuy nhiên, thực tế không phải trường nào cũng thực hiện một cách hiệu quả hoạt động này. Đối với đa số các trường công lập, học sinh thường được tập trung sớm để tham gia các lớp học hè trước khi chính thức bước vào năm học mới. Các thầy cô giáo thường chỉ giới thiệu qua về nhà trường, về giáo viên của lớp như một dạng thủ tục hành chính.

Các em học sinh đầu cấp lớp 1 hay lớp 6 hay lớp 10 sẽ được “ưu tiên” trong ngày khai giảng với màn diễu hành của các khối lớp đầu cấp này. Thậm chí, có nơi, việc tập dượt quá mức còn khiến học sinh mất đi sự thích thú, bất ngờ, dẫn đến tâm lý mệt mỏi, chán nản khi phải làm đi làm lại quá nhiều lần.

Trước tình trạng này, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đã phải yêu cầu các trường không tổ chức hoạt động đầu năm một cách máy móc, hời hợt, qua loa hoặc nặng nề, hình thức gây quá tải cho học sinh.

“Chưa có tuần nào vui như tuần đầu năm học”

Đây là cảm nhận của một học sinh trường THCS Alpha, Cầu Giấy khi học sinh trường này vừa trải qua 1 tuần khởi động, định hướng trước khi chính thức học văn hóa. Lường trước những khó khăn mà học sinh sẽ phải đương đầu với lịch học khá dày đặc và những môn học hoàn toàn mới dù là học sinh lớp 6 hay lớp 9 nên nhà trường đã cho học sinh tập trung trước 1 tuần để trải nghiệm mọi hoạt động trong trường, từ văn hóa xếp hàng, chào cờ, hát bài hát của trường đến các hoạt động thể thao, thi đấu...

Đây cũng là thời điểm ra mắt các câu lạc bộ do chính các bạn học sinh tự đứng ra lên chương trình và tung ra các “chiêu” để thu hút sự học sinh tham gia câu lạc bộ của mình. Toàn bộ giáo viên đều phải trải qua tiết mục tự giới thiệu bản thân... “Điều quan trọng là các em cảm thấy ngôi trường của mình thực sự thân thiện. Không có áp lực buộc phải đến trường mà là các em thấy tự mình có nhu cầu đến trường. Đó là điều mà nhà trường muốn học sinh của mình cảm nhận được” - cô Trần Thị Hải Yến, Giám đốc điều hành trường này cho biết.

Có thể thấy hoạt động đầu năm học nếu quan tâm, chú ý thực hiện sẽ phát huy hiệu quả rất tốt. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, phần lớn các trường dân lập mới có đủ điều kiện cũng như động lực để tổ chức các hoạt động làm quen đầu năm học theo như hướng dẫn của Bộ.

Đối với trường công lập, kinh phí, nguồn lực để tổ chức các hoạt động này thường không dễ và áp lực về chuyên môn cùng công tác tuyển sinh đầu năm khiến cho các trường khó có thể triển khai cả 1 tuần định hướng như khối ngoài công lập.

Tuy nhiên, theo hướng dẫn của Bộ GD-ĐT, các hoạt động này hoàn toàn có thể vận dụng xã hội hóa, với sự tham gia đóng góp của các đoàn thể, chính quyền địa phương. Để thực hiện hoạt động làm quen đầu năm, trường THPT chuyên Hà Nội Amsterdam thường xuyên vận động học sinh các khóa trước tự đứng ra tổ chức với vai trò tình nguyện viên để các em khóa mới cảm nhận được đầy đủ nhất ý nghĩa của việc được học tại ngôi trường này.

“Các em được tìm hiểu về truyền thống, sứ mạng của nhà trường; quy chế nội quy của nhà trường, được các anh chị dẫn đi tham quan cơ sở trường học, được giới thiệu tham gia các câu lạc bộ văn hóa, thể thao, nghệ thuật của trường... Đây thực sự là ngày hội của học sinh toàn trường trước khi chính thức bước vào năm học mới” - em Nguyễn Lan Phương, học sinh lớp 12 trường THPT Hà Nội - Amsterdam chia sẻ.