Nhà thơ Lê Thị Kim:

Để giấu mảnh tình gầy...

ANTĐ - Dù đã bước sang tuổi 62 nhưng hễ lần nào gặp chị, tôi lại nhớ câu chuyện mấy chục năm về trước. Đó là khi có anh chàng say mê ngắm chị, chỉ là tình cảm qua ánh mắt, nhưng rồi nó khiến chị bị ám ảnh, đến mức đêm về chị đã làm một bài thơ, như thầm đền đáp cho chàng trai mà chị chỉ vô tình gặp đúng một lần trong đời. 

Nhà thơ- họa sĩ Lê Thị Kim

Bài thơ nổi tiếng, từng là hiện tượng của những năm đầu thập niên 80 “Đừng nhìn em như thế” đã ra đời như thế. Bài thơ ngay lập tức lọt vào mắt xanh của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, được nhạc sĩ tài ba này phổ thành bài hát, trở nên nổi tiếng và được cả nghìn người yêu thích qua giọng hát của ca sĩ Thu Hiền. Như là đồng cảm, bài thơ được 4 nhạc sĩ chọn để phổ nhạc, mỗi người một phong cách khác nhau. 

Cái duyên đó cứ theo chị mãi. Chị trở thành nhà thơ lập kỷ lục với gần 100 bài thơ được phổ nhạc. Thơ của chị gắn liền với các sáng tác của các nhạc sĩ tên tuổi Hoàng Hiệp, Trương Tuyết Mai, Vũ Hoàng, Quỳnh Hợp, Quốc Bảo, Hoàng Cương, Giao Tiên. Và đã có cả một chương trình gồm 20 ca khúc phổ thơ của Lê Thị Kim ra mắt trong một chương trình dành riêng cho chị tại thành phố Hồ Chí Minh. Có lẽ, cái duyên âm nhạc vốn đã tồn tại trong từng câu thơ đầy sức quyến rũ của chị. Cũng vì lẽ đó mà từ năm 1990, Lê Thị Kim đã được bạn đọc của một tờ báo bình chọn là một trong hai nhà thơ được các bạn trẻ yêu thích nhất. Cùng với thành tích khác, chị trở thành chủ nhân của Danh hiệu “Người phụ nữ tài năng” vào năm 1990. Cũng chính thời điểm này chị còn là nhà thơ nữ đầu tiên của TP Hồ Chí Minh, sau ngày Sài Gòn giải phóng, được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Một tác phẩm của Lê Thị Kim

Khi cái duyên thơ còn đắm say và đằm thắm, Lê Thị Kim lại “phải lòng” hội họa. Chị vẽ như lên đồng trong suốt hai năm 1992-1993, bắt chấp mọi thứ lý luận về hội họa có ở trên đời. Thật kỳ lạ, cái mầm của đường nét, màu sắc tự ùa đến, chị vẽ và vẽ không hề biết mình theo một trường phái nào, và khởi động một cách thật sự bản năng, tự nhiên theo một đường dẫn vô thường của tâm linh mách bảo. Liên miên, những đêm thức trắng với hình tượng trong tranh và những màu tím trong suốt. Ngờ đâu, tranh của Kim, như một số họa sĩ nhận xét, đằm thắm và tinh tế. Rồi ít người tưởng tượng nổi, chị đã mở một cuộc triển lãm cá nhân, năm 1993, với sự tự tin đến kỳ lạ. Lại càng khó hình dung hơn nữa khi Lê Thị Kim bày 38 bức tranh sơn dầu, nhưng đã “bị” nhiều khách niêm phong ký tên mua liền 22 bức. Một thành công hiếm thấy ở một họa sĩ nữ lần đầu tiên trưng bày tranh. Và thế là người ta làm đơn sẵn để đưa nhà thơ Lê Thị Kim ký tên xin vào Hội Mỹ thuật thành phố, nhưng chị không dám ký, bởi nghĩ rằng mình chỉ liều chơi với màu sắc vậy thôi.

Hình tượng cô gái áo tím ngày nào khi học ở trường Gia Long, luôn ám ảnh tạo nên một cảm quan sâu sắc trong thơ và tranh của Lê Thị Kim. Sau này chị đã có những triển lãm riêng lần thứ hai và ba ở TP Hồ Chí Minh (1995) và ở Mỹ (năm 2002), tranh của chị vẫn lấy chủ đạo màu tím trong hình tượng hay trong cảm xúc, ẩn giấu những nỗi niềm buồn vui, đau khổ, thất vọng, cũng như sự khao khát cháy bỏng vượt qua những đổ vỡ mất mát trong cuộc sống. Lê Thị Kim đã dựng nghiệp từ những thành công của màu sắc. Và lần này, họ lại làm đơn, thúc chị ký tên để vào Hội Mỹ thuật thành phố. Lê Thị Kim một lần nữa gây hiện tượng lạ, trong giới Mỹ thuật, khi hai lần được mời vào Hội một cách “sát sạt” đến vậy.  Thế nhưng, chị chỉ coi việc cầm cọ như một sự giải thoát, và sự bứt phá vượt lên. Sau này, khi nhà thơ bước sang lãnh địa kinh doanh địa ốc, chị đã có những day dứt khôn cùng vì những câu chuyện mưu sinh và cứu rỗi những gì mất mát trong cuộc đời. Ấy thế rồi, đời người có được mấy cái mười năm. Mười năm làm thơ. Thành công! Mười năm vẽ tranh. Thành công! Và mười năm kinh doanh. Cũng thành công! Nhưng giờ đây, mọi chuyện đã “đóng băng” với đất cát. Chị rối bời trước sự lựa chọn, như chính ngày nào chị đã viết lên những câu thơ chân thực, trong bài “Chông chênh”. Nhưng rồi thơ lại thúc giục chị. Sắc màu lại lên tiếng kêu gọi, khi chị vẫn ngày đêm vẽ và phụ trách CLB Họa sĩ nữ Ngân Hà của TP Hồ Chí Minh. 

Ngắm bức tranh của chị tôi chợt nhớ đến những câu thơ rất đời và cũng rất bay bổng. Chị làm thơ bởi: “Để giấu trong hư ảo- Nửa vầng trăng không đầy- Để giấu trong hư ảo- Mảnh tình gày xót xa”. Còn chị vẽ: “Để trái tim hoang mạc- Thôi khóc cười bơ vơ- Thắp cho mình ngọn lửa- Thánh thiện và ước mơ”.