Dễ “giao dịch”, khó ngừa nguy cơ

ANTĐ - Đó chính là thực tế của hoạt động tín dụng đen trong đời sống xã hội hiện nay. Vì lý do nào đó những người cần tiền trong khoảng thời gian ngắn, không có tài sản thế chấp, không chờ vay được ngân hàng... để giải quyết công việc đột xuất, họ sẽ tìm đến “tín dụng đen”.

Đã và đang có không ít những kẻ, đường dây lấy việc cho vay mượn tiền với lãi suất cao “cắt cổ” làm “nghề nghiệp” của mình. Nhiều trường hợp do “khát” vốn kinh doanh nên đã chấp nhận vay tiền với lãi suất cao, sau đó do làm ăn không hiệu quả dẫn đến thua lỗ, hoặc sử dụng sai mục đích, lại có trường hợp vay lãi suất cao để… đánh bạc, dẫn đến nợ nần chồng chất không có khả năng trả nợ. Nhiều chủ nợ đã sử dụng biện pháp thuê đối tượng côn đồ đi đòi nợ hộ. 

Hoạt động vay “tín dụng đen” có điều kiện cho vay dễ dàng, chỉ một giấy nợ viết tay cũng có thể vay hàng trăm triệu đồng, người vay không cần làm thủ tục nhiều như tại ngân hàng. Do ràng buộc về pháp lý lỏng lẻo lại là loại hình pháp luật nghiêm cấm nên khi “con nợ” khất lần không trả, chủ nợ “ngại” đến cơ quan công an để trình báo, thế là phương án thuê côn đồ để ép, xiết nợ, thậm chí bắt giữ người đánh đập hòng đòi bằng được số tiền cùng khoản lãi “cắt cổ” được chủ nợ thực hiện.

Chính các đối tượng đòi nợ thuê đang là nguyên nhân gây gia tăng tội phạm hình sự, gây phức tạp tình hình ANTT tại địa bàn. Theo thống kê 6 tháng đầu năm của Tổng cục Cảnh sát PCTP, trên toàn quốc hiện còn 318 băng nhóm với 2.334 đối tượng có biểu hiện hoạt động phạm tội liên quan đến đòi nợ thuê. Khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc ngăn chặn tội phạm lợi dụng “tín dụng đen” để phạm tội là hiện đang thiếu chế tài quy định xử lý cụ thể hoạt động cho vay nặng lãi. Việc này vượt quá thẩm quyền và trách nhiệm của lực lượng công an.