Để gần dân hơn

ANTĐ - Đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội một cách khẩn trương là vấn đề trọng tâm được đặt trên bàn nghị sự phiên họp đầu tiên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XIII. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh rằng, những gì có thể đổi mới được ngay thì cần thực hiện ngay tại kỳ họp thứ 2 diễn ra vào tháng 10 tới, không thể lâu thêm. Ông khẳng định: “Thời gian không cho phép chúng ta chần chừ trong việc đổi mới”. Tờ trình về việc xây dựng Đề án đổi mới Quốc hội đã được trình bày, nêu rõ, trước mắt nghiên cứu cải tiến một số vấn đề về quy trình, thủ tục hoạt động của Quốc hội.

Ý tưởng đổi mới Quốc hội tập trung vào 2 điểm nổi bật. Một là làm sao rút ngắn được thời gian kỳ họp. Các khóa trước, mỗi kỳ họp kéo dài khoảng 40 ngày, đến khóa XII rút xuống còn khoảng 30 ngày. Khóa XIII này có thể tiếp tục rút ngắn hơn nữa, các báo cáo trình bày cũng cần rút ngắn lại để tiết kiệm thời gian cho Quốc hội.

Hai là nâng cao sức mạnh tổng hợp của 500 đại biểu Quốc hội cũng như sức mạnh của lãnh đạo các Ủy ban Quốc hội. Chủ tịch Quốc hội không có ý “chê” các đại biểu khóa trước là xa dân, nhưng hết sức tế nhị và sâu sắc, ông yêu cầu từng thành viên UBTVQH cũng như từng đại biểu Quốc hội cần “giữ chặt hơn mối liên hệ với dân, ngoài việc tiếp xúc cử tri thì cần thường xuyên thăm dân và sát dân hơn”.

Đặc biệt là đối với lãnh đạo các ủy ban của Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ rằng, không chỉ tiếp xúc cử tri tại những nơi đã bầu mình mà phải đến cả những địa phương khác để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân. Theo ông, nếu lãnh đạo mà chỉ tập trung vào những địa phương bầu mình thì chưa đủ vì chỉ biết vài ba vấn đề quanh quẩn ở nơi đó. Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội bổ xung thêm một thực tiễn: Một đại biểu phát biểu 7 phút, một ngày thảo luận tình hình kinh tế xã hội thì có khoảng 40/500 đại biểu có cơ hội thể hiện mình trước nhân dân. Không có gì sai khi có không ít đại biểu tranh thủ kêu gọi quan tâm đến địa phương mình. Ông Phó Chủ nhiệm thẳng thắn nói: Quốc hội không phải là… tỉnh hội. Quốc hội phải đại diện cho lợi ích của Quốc gia hơn là lợi ích của các tỉnh. Nếu không thực hiện được điều này thì các ưu tiên của quốc gia dễ bị các ưu tiên của các tỉnh, thành chi phối”.

Một Phó Chủ tịch nước đề nghị cần sửa đổi cách thức họp ở hội trường, tránh để quá nhiều đại biểu phát biểu trùng lặp nội dung, mất thời gian. Có nhiều ý kiến còn dài, có cảm tưởng đại biểu “cố” phát biểu để không bị cử tri chê trách. Bà Phó Chủ tịch nước đặt câu hỏi trách nhiệm đại biểu Quốc hội ở đâu mà trong lần biểu quyết về Nghị quyết miễn, giảm thuế liên quan thiết thực đến đời sống của người dân, nhưng có tới 17 đại biểu có mặt không bấm nút biểu quyết? Thảo luận, phân tích thấu đáo Đề án đổi mới Quốc hội với những ý kiến chân thành thẳng thắn, thậm chí khá gay gắt cho thấy, “thời gian không cho phép chúng ta chần chừ trong việc đổi mới” như lời khẳng định quyết tâm của Chủ tịch Quốc hội.

Đổi mới hoạt động của Quốc hội phải bắt đầu từ chính đại biểu Quốc hội. Tạo điều kiện để các đại biểu có điều kiện nâng cao năng lực, thực hiện tốt nhất chức năng, nhiệm vụ là đại biểu của nhân dân. Đổi mới để Quốc hội gần dân hơn, đảm bảo Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân.