Để được sống thanh thản

ANTĐ - Cuộc sống đang khấm khá, rồi nghe lời bạn bè, ăn chơi vô độ, Nguyễn Văn Mười (xã Đào Viên, huyện Quế Võ - Bắc Ninh) đã nghĩ ra chiêu bán cà phê, tổ chức môi giới mại dâm và bị bắt, phạt 7 năm tù giam. Lúc ấy, gã mới ân hận nhận ra, đồng tiền không phải là tất cả.

Nguyễn Văn Mười trong xưởng gỗ

Hết tiền đâm liều

Qua đồng chí Nguyễn Văn Hoan - Phó trưởng công an huyện Quế Võ, tôi được giới thiệu và sắp xếp để gặp Mười tại xưởng mộc của gia đình gã. Nói chuyện với Nguyễn Văn Mười, tôi nhận ra anh đã biết ân hận vì những gì mình làm và giờ đang cố gắng thực hiện khát vọng lương thiện.

Nguyễn Văn Mười, sinh năm 1969, đúng 20 tuổi gã lấy vợ. Với nghề mộc gia truyền, gã cũng có “hoa tay” nên cơ sở làm mộc chẳng lúc nào thiếu việc. Cuộc sống chưa thật sự giàu có, nhưng cũng gọi là có của ăn của để. Có lẽ, với tay nghề và sự cần cù của mình cuộc đời hắn sẽ cứ mãi bình lặng và yên ổn nếu như hắn không tự nhiên sinh ra cái tật ăn chơi vô độ. Gã vác tiền nhà đi ăn chơi, tiêu pha phung phí. Có khi trốn vợ con xuống Hà Nội đàn đúm với nhau vài đêm, tiêu xài cạn sạch khoản tiền dành dụm cả tháng rồi về. Chị Nguyễn Thị Thụy, vợ Mười, một người hay lam hay làm đã hết lời khuyên nhủ, nhưng chồng không nghe. Nhiều khi, gã giấu vợ bán đi vài món đồ  trong gia đình để có tiền bao bạn bè.

Mấy năm trời ăn tiêu tay trắng trở về, tưởng Mười tu chí làm ăn, ai ngờ, năm 2002, gã lại vay nợ và thuê một căn nhà mặt đường Quốc lộ 10 đi Quảng Ninh để bán cà phê, làm chỗ tụ tập bạn bè. Mười còn mở rộng kinh doanh gội đầu, tổ chức phòng hát karaoke. Nhưng càng “làm ăn lớn” lại càng nợ nần nhiều. Hàng ngày, gã phải đối mặt với rất nhiều lần chủ nợ đến đòi. Rồi Mười lại tìm mối, tổ chức “mấy em xinh tươi” tiếp khách để nhanh chóng có tiền trả nợ. Lúc đó, gia đình biết chuyện đã ngăn cản Mười. Họ biết đó là việc làm không lương thiện, thất đức và dễ bị pháp luật sờ gáy. Mười đã từng đòi tổ chức ở nhà, nhưng gia đình không cho nên phải “mang hàng đi chỗ khác”. Đầu óc gã mụ mị, gã nghĩ việc mình làm đơn giản, ở vùng quê này thì chắc chẳng ai để ý, ai ngờ… Mười cho biết: “Mở quán cà phê, hát, khách vào cứ hỏi các em, nhất là cánh lái xe đường dài đi qua. Không có cô nào thì họ không ngồi. Tôi đành đưa gái vào để đáp ứng nhu cầu của khách, chứ chẳng nghĩ sẽ bị bắt”.

Chẳng biết Mười đã kiếm được bao nhiều tiền từ việc tổ chức mại dâm, nhưng gã đã phải lĩnh hậu quả. Đó là quãng đầu năm 2003, khi cơ quan chức năng ập vào quán của Mười, bắt quả tang hai đôi nam nữ đang mua bán dâm. Hành vi phạm pháp của “ông chủ Mười” bị TAND tỉnh Bắc Ninh xử phạt 7 năm tù, và thi hành án tại trại giam Ngọc Lý (Tân Yên - Bắc Giang). “Năm tôi vào tù, hai đứa con còn nhỏ quá. Đi cải tạo mà thương chúng nó ở nhà, không biết sẽ phải chịu khổ sở thế nào. Tôi đã sai thì phải chịu, chỉ thấy thương và xấu hổ trước các con thôi”, Mười tâm sự. Chị Thụy nói thêm: “Lúc chồng tôi bị bắt các cháu cũng có nhận thức rồi, chúng cũng xấu hổ vì bố lắm. Nhưng các cháu không nản, mà thi được vào trường chuyên của tỉnh, thi đỗ đại học hết và quyết tâm sau này kiếm được công việc tử tế để bố mẹ vui”.

“Đành làm anh thợ mộc”

Vào trại Ngọc Lý Mười được sắp xếp làm ở xưởng mộc. Quá trình cải tạo rất tốt nên hàng năm gã đều được thưởng. Sô tiền đó được Mười quy ra phiếu để mua lương thực. Trong trại giam, cũng có phạm nhân tay nghề cao, Mười đã học hỏi họ để nâng cao tay nghề và phát huy trong công việc. 

Chị Thụy đã khóc gần như cạn nước mắt vì chồng. Nhưng chị phải cố gắng làm chỗ dựa cho con. Thụy lúc nào cũng lo cho chồng và luôn cố gắng làm thuê mướn để có tiền nuôi con, hàng tháng lại khăn gói ngược Bắc Giang thăm chồng một đến hai lần. Ba mẹ con ở nhà động viên nhau cố gắng chờ ngày bố mãn hạn tù trở về đoàn tụ.

Cuối năm 2007, Mười được tha trước thời hạn. Gã trở về quê hương trong nỗi tự ti và mặc cảm. Thế nhưng chính gia đình, người thân và bè bạn đã giúp Mười vượt qua những điều đó. Nhìn trong nhà, Mười chỉ thấy có mỗi cái tivi Tàu, gã đem bán được 1,1 triệu đồng lấy vốn làm ăn. Với tay nghề khá, gã cạy cục đi làm thuê, làm mướn, tính tiền công trung bình được 70.000 đồng/ngày, cũng là khá ở thời điểm bấy giờ. Nhưng gia đình quá thiếu thốn, gã luôn phải gặp ông chủ gãi đầu gãi tai xin ứng tiền trước đưa vợ.

Một năm sau, được bạn bè giúp đỡ, người thân hỗ trợ, cuộc sống của Mười đã đỡ vất vả hơn. Có người bạn đưa cho gã cọc tiền ứng trước, nhờ Mười đóng hộ bộ cửa, nói là lúc nào rỗi thì đóng cũng được, từ đó Mười có vốn, phát huy được tay nghề và công việc ngày một nhiều hơn. Gã đã mở một cửa hàng tạp hóa nhỏ cho vợ bán để vực dậy kinh tế gia đình. Năm 2009, Mười mua được gỗ, mở rộng sản xuất và nghĩ đến chuyện dùng mảnh đất đang ở để làm xưởng. Gã nhận dần các công trình nhỏ và thuê gần chục anh em thạo nghề mộc ở địa phương. Mấy năm nay, tuy kinh tế suy thoái, nhưng gã vẫn nhận được những công trình nhỏ, điều đó có nghĩa gã có thu nhập. Mười tâm sự: “Giờ làm gì tôi cũng nghĩ đến gia đình, nghĩ đến chuyện làm ăn lương thiện, không bao giờ sa ngã, bởi mọi thứ đều có cái giá của nó. Đành làm anh thợ mộc thôi, miễn là sống được thanh thản”.