Để doanh nghiệp “vượt đáy”

ANTĐ - Nền kinh tế đã đi qua được nửa chặng đường năm 2013 với mức tăng trưởng GDP 6 tháng ước đạt 4,9%, tương đương cùng kỳ năm trước. Lạm phát vẫn được kiềm chế; giá cả thị trường tương đối ổn định. Các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh dần phát huy hiệu quả, vì vậy chỉ số hàng tồn kho có xu hướng giảm dần, chỉ số sản xuất công nghiệp đã tăng qua từng tháng. Song, để đạt mục tiêu GDP cả năm 5,5% vẫn là một thách thức lớn.

Theo đánh giá của một số chuyên gia, nhìn chung tình hình kinh tế đang chuyển động theo hướng sáng dần lên. Cụ thể, số doanh nghiệp đăng ký mới ước tăng gần 6% trong 6 tháng đầu năm. Nhiều doanh nghiệp ngừng sản xuất kinh doanh đã trở lại hoạt động. Nhập khẩu nguyên vật liệu cho sản xuất tăng trở lại khiến xuất khẩu duy trì đà tăng trưởng. Dẫu vậy, các chỉ tiêu lớn của năm 2013 vẫn đang đứng trước nhiều khó khăn, thách thức và chứa đựng không ít rủi ro gây bất ổn kinh tế vĩ mô. Dự báo, sức mua của nền kinh tế khó có thể tăng mạnh trở lại trong một thời gian ngắn khi việc làm và thu nhập của người lao động giảm sút. Hoạt động sản xuất kinh doanh chưa hết khó khăn, số doanh nghiệp thu hẹp sản xuất, giải thể và phá sản còn nhiều.

Tăng trưởng tín dụng khó có thể tăng cao trong ngắn hạn và thấp hơn nhiều so với tốc độ tăng tiền gửi tại các tổ chức tín dụng, nếu nợ xấu không sớm được giải quyết, các ngân hàng thương mại không có các giải pháp hữu hiệu phân loại đối tượng cho vay và vẫn siết chặt điều kiện cho vay sẽ ảnh hưởng lớn đến khả năng phục hồi nền kinh tế. Để tháo gỡ khó khăn, đồng thời tạo điều kiện cho doanh nghiệp, những chính sách và giải pháp của Chính phủ đã được Quốc hội tính toán rất thận trọng. Chẳng hạn gói giải pháp dự kiến hỗ trợ tiền thuế khoảng 2.647 tỷ đồng của Chính phủ, theo Ủy ban Tài chính ngân hàng của Quốc hội, mức độ lan tỏa và tác động không lớn, khó có thể đạt được mục tiêu cứu trợ doanh nghiệp quy mô nhỏ.

Dưới góc nhìn của không ít đại biểu Quốc hội, nếu Chính phủ muốn đạt mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, hướng tới sự công khai, minh bạch trong chính sách thuế thì phải làm sao để doanh nghiệp có thể tiếp cận được các chính sách thuế ưu đãi. Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội một số địa phương bày tỏ thẳng thắn tại kỳ họp vừa qua rằng, cử tri từng ví nền kinh tế cũng như cơ thể con người. Nếu bị hắt hơi, sổ mũi, chỉ cần uống mấy viên cảm cúm là có thể khỏi. Còn nếu để đến khi đã ốm nặng mới đổ xô vào cứu chữa thì đã quá chậm và rất khó hồi phục.

Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành chỉ thị đẩy mạnh việc triển khai Đề án tái cấu trúc kinh tế với lộ trình cụ thể cho từng bộ, ngành và từng lĩnh vực. Đó là công việc lâu dài, còn trước mắt, muốn lấy đà cho nền kinh tế đi lên, thì rất cần có sự hỗ trợ, tiếp sức để doanh nghiệp “vượt đáy”  và kéo cả nền kinh tế cùng tiến lên.

Tin cùng chuyên mục