Dễ đổ trách nhiệm cho… thiên tai

ANTĐ - Theo ông, vì sao mọi cơn bão dù lớn hay nhỏ đều được thế giới đặt tên nhưng ta lại đánh số thứ tự?

- Điều đó chứng tỏ nước ta mỗi năm phải hứng chịu quá nhiều trận bão.

- Nghe thì có lý, nhưng thực ra tôi không thể đếm xuể đã có bao nhiêu cơn bão đổ vào mà chỉ nhớ tên bão nào khốc liệt khi nó càn quét, để lại hậu quả nặng nề.

- Kể ra cũng đúng thật!

- Ngay ở Hà Nội hơn chục năm nay mới thấy gió giật tới cấp 8-9, quật đổ, bẻ gãy hàng nghìn cây xanh, hơn 500 cột điện.

- Thế nên gió bão lần này được coi là dị thường, bởi nó đi chậm, luẩn quẩn, nhưng thời gian tàn phá lâu hơn.

- Dị thường đến mức bất thường là ở Nam Định. Chỉ qua cơn bão số 1 mà có tới 13.000 cột điện bị gãy đổ như... chuối, 5.000 cột ngả nghiêng.

- Nhưng tôi nhớ không nhầm thì cách đây vài năm công trình tháp truyền hình ở Nam Định trị giá trên 50 tỉ đồng cũng gãy đổ sau một trận bão chưa lớn lắm. Cũng chỉ vì khi xây dựng, người ta không tuân thủ đầy đủ các quy định và yêu cầu về quản lý chất lượng, mới dẫn đến bị đổ hoàn toàn. Thấy bảo, tháp được thiết kế chịu được gió 120km/giờ, nhưng thực tế cái tháp ấy bị  đổ sụp hoàn toàn chẳng cần tới sức gió to tới mức đó như lý thuyết.

- Thì hàng vạn cột đổ la liệt, thế nhưng cơ quan chức năng bảo rằng là do “lịch sử” để lại đấy. Còn 1.900 cột mới trồng bị nghiêng, gãy đổ là do... khách quan.

- Nói làm gì nữa ông ơi! Đổ “trách nhiệm” cho thiên tai thôi, sao dễ đến mức như thế nhỉ?