Để củng cố niềm tin

ANTĐ - Kinh tế thế giới đang phục hồi, mặc dù khu vực ngân hàng và thị trường bất động sản trong nước còn khó khăn, song triển vọng kinh tế Việt Nam năm 2014 là tương đối khả quan. Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định khi lạm phát được kiềm chế, dự trữ ngoại hối tăng, xuất khẩu được đẩy mạnh, đầu tư trực tiếp nước ngoài giữ vững đà tăng trưởng. Đó là nhận định của một số chuyên gia kinh tế thuộc các tổ chức tài chính quốc tế tại Việt Nam. Ngay trong những ngày đầu năm đã có những dự án đầu tư nước ngoài hàng chục triệu USD “xông đất” với số vốn đăng ký đạt 211 triệu USD, báo hiệu một làn sóng đầu tư mới.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 1-2014, chỉ số tồn kho của một số ngành tăng thấp hoặc giảm so với cùng kỳ năm 2013. Chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp tăng 4,3%, đặc biệt là khu vực doanh nghiệp ngoài Nhà nước và doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Dự báo, trong năm nay, nhiều cơ chế chính sách của Nhà nước từ năm 2013 sẽ phát huy hiệu quả như cải thiện môi trường sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường, giải quyết hàng tồn kho, tăng khả năng tiếp cận tín dụng và xử lý nợ xấu.

Giám đốc chương trình tư vấn môi trường đầu tư, thành viên nhóm Ngân hàng Thế giới nhận định: Việt Nam đã có những cải cách quan trọng để cải thiện môi trường kinh doanh, nhưng vẫn còn nhiều việc phải làm để duy trì năng lực cạnh tranh và tăng bậc xếp hạng môi trường kinh doanh, hiện vẫn ở mức 99/189 nền kinh tế. Mặc dù Chính phủ đã có một số động thái tích cực để giải tỏa nợ xấu, tuy vậy gánh nặng nợ xấu ngân hàng và hoạt động kém hiệu quả, thiếu trách nhiệm giải trình của các doanh nghiệp Nhà nước sẽ tiếp tục là lực cản lớn đối với tăng trưởng kinh tế. Vì vậy, các chuyên gia khẳng định, nếu Việt Nam muốn xây dựng một nền kinh tế bền vững cùng lực lượng doanh nghiệp năng động và giàu sức cạnh tranh, thì khu vực ngân hàng cần có đủ năng lực cung cấp vốn cho nền kinh tế một cách hiệu quả. Nếu không, như những năm qua, những ngân hàng với hệ thống quản trị yếu kém, quản lý rủi ro bất cập, sở hữu chồng chéo và cho các bên liên quan vay vốn, tất yếu sẽ tạo ra những lỗ hổng mang tính hệ thống, khiến cho các doanh nghiệp, doanh nhân luôn “khát” vốn. Tương tự, khu vực doanh nghiệp Nhà nước phải tăng cường trách nhiệm giải trình, cân nhắc và chấp nhận rủi ro để đưa ra những quyết định đúng đắn giúp doanh nghiệp phát triển.

Với tầm nhìn kinh tế năm 2014, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, đặt ra hai chữ “niềm tin” trong một năm được dự báo chưa hết khó khăn là rất đúng. Để tạo dựng niềm tin cần đột phá vào khâu thể chế, tái cơ cấu doanh nghiệp. Thông điệp đầu năm 2014 của Thủ tướng nhấn mạnh rằng, đổi mới thể chế là đột phá hàng đầu, ít tốn kém nhất và hiệu quả nhất, song lại rất khó làm vì động chạm tới lợi ích từng bộ phận. Để củng cố niềm tin, không gì thuyết phục hơn là kết quả của ba cuộc tái cấu trúc nền kinh tế.