Đề cử danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" 2016: Khoảng sáng nghị lực

ANTD.VN - Mới 35 tuổi đời, nhưng đã có 20 năm sống trong bóng tối, vậy mà người phụ nữ ấy chưa bao giờ nghĩ mình bất hạnh. Lạc quan, yêu đời, khát khao học tập và tự tin cống hiến, chị Đỗ Thúy Hà - Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa (Hà Nội) còn làm được nhiều việc mà ngay cả những người có đôi mắt sáng cũng phải khâm phục! 

Bóng đêm tuổi thơ

Ấn tượng đầu tiên của tôi khi gặp chị là sự ngạc nhiên. Chị Đỗ Thúy Hà đẹp và thậm chí tôi còn không tin rằng chị không nhìn thấy ánh sáng bởi trong suốt cuộc trò chuyện, chị cứ luôn nhìn tôi với đôi mắt lấp lánh nụ cười.

Dường như cảm nhận được cả suy nghĩ của người đối diện, chị Hà bảo: “Không chỉ riêng anh mà nhiều người lần đầu tiên tiếp xúc với tôi đều ngạc nhiên như vậy. Thú thực là mỗi khi đi làm, tôi cũng có “vôi ve” một chút. Phụ nữ mà! Vì thế những người gặp tôi đều có cảm giác như đang nói chuyện với người sáng mắt. Và tôi thích như vậy. Trong suốt những năm đi học cho tới lúc đi làm, tôi luôn cố gắng để không bị đối xử như một người khuyết tật. Người sáng mắt làm được cái gì là tôi làm được cái đó”.

So với những người cùng cảnh ngộ, chị Hà luôn tự cho rằng mình còn hạnh phúc hơn rất nhiều người. Ấy là bởi dù sao chị cũng đã từng được nhìn thấy ánh sáng trước khi đôi mắt bị một màu đen che phủ hoàn toàn.

Đến tận bây giờ, ký ức của những ngày tươi sáng ấy chị vẫn còn giữ nguyên trong tâm trí. Chị Hà nhớ lại: “Ngày còn nhỏ, tôi cũng bình thường như bao đứa trẻ khác. Có điều, nếu như ban ngày tôi vẫn chơi đùa thì cứ đến nhập nhoạng chiều lại hay tỏ ra hoảng sợ, đặc biệt là khi bị đưa vào những chỗ tối. Thấy tôi có biểu hiện lạ, bố mẹ tôi đã đưa đi khám bệnh viện. Các bác sỹ kết luận tôi bị thoái hóa võng mạc và theo thời gian sẽ dần dần mù hẳn. Mặc dù ngay sau đó, gia đình đã đưa tôi đi chạy chữa khắp nơi, nhưng tất cả những nỗ lực ấy đều không mang lại kết quả”.

Hậu quả của chứng bệnh này là vào kỳ cuối của năm học lớp 1, cô giáo gọi cha mẹ chị lên và bảo, cháu Hà không thể theo học được nữa bởi không thể nhìn thấy chữ viết trên bảng, dù cô đã xếp cho ngồi ngay bàn đầu. Nuốt nước mắt vào trong, bố mẹ chị đành dắt con về. Lúc này thị lực của chị chỉ còn chưa đến 1/10.

Thế nhưng tình trạng sau đó còn trầm trọng hơn, sau khi nghỉ ở nhà một thời gian, nhớ lớp, nhớ bạn, chị Hà nằng nặc đòi bố mẹ cho đi học. Thương con, bố mẹ chị tìm hiểu khắp nơi và cuối cùng xin cho chị theo học tại trường mù Nguyễn Đình Chiểu. Cho tới năm 15 tuổi thì xung quanh chị chỉ còn lại bóng đêm mịt mùng.

Khát vọng vượt lên số phận

Ngôi trường mới thực sự là mái nhà thứ hai của chị. Khác với ngôi trường cũ, ở đây chị Hà không còn cảm thấy lạc lõng như trước nữa. Vì thế chị liên tục đạt danh hiệu học sinh giỏi các năm và còn được nhà trường kết nạp Đoàn ngay từ năm học lớp 6. Kết thúc năm học cấp II, điểm tổng kết của tất cả các môn chị đều đạt trên 9,0.

Nhưng một khó khăn lại xảy ra, lúc này hầu hết các trường cấp III của Hà Nội đều không nhận học sinh khiếm thị. Con đường học hành của chị có nguy cơ “đứt gánh giữa đường”.

May sao, lúc này thầy Nguyễn Như Thạch (nguyên Hiệu trưởng trường PTCS Nguyễn Đình Chiểu) về hưu đã đứng ra thành lập trường PTTH Nguyễn Đình Chiểu và nhận chị vào. Thương cô học trò nghèo nhưng học giỏi, thầy Thạch miễn toàn bộ phí. Bù lại cho tấm lòng ấy, Hà phấn đấu học rất giỏi ngoại ngữ và mang về cho trường thành tích giải Ba Olympic môn tiếng Anh toàn miền Bắc. 

Ngày ấy, vì chưa có cách thi riêng dành cho học sinh khiếm thị nên trong quá trình thi với hơn 500 thí sinh khác, chị phải đứng một mình trước toàn bộ Ban giám khảo để đọc phần bài làm cho người khác chép vào giấy. Và với phần thi gây “sốc” này cùng với kết quả chấm điểm, một năm sau đó, chị đã trở thành gương mặt “Nữ sinh Việt Nam tiêu biểu”.

Không chỉ giỏi ngoại ngữ, chị còn học và chơi thành thạo hai loại nhạc cụ là đàn organ và đàn tranh ngay từ những năm học tập tại trường. Kể lại những thành tích học tập của mình, chị Hà chỉ cười: “Có lẽ tôi học được như vậy cũng một phần là do cái tính hiếu thắng của mình. Tôi luôn tâm niệm, chẳng có gì trên đời này là khó khăn cả. Nếu người sáng mắt làm được việc này mất 1h thì người “tối mắt” như mình làm trong 2h cũng xong”.

Tốt nghiệp cấp III, chị Hà nuôi ước mơ trở thành cô giáo. Chị bảo, chị muốn đền đáp lại công ơn của mái trường Nguyễn Đình Chiểu - nơi đã dạy dỗ chị những năm tháng khó khăn của tuổi học sinh. Nhưng oái oăm là trường Sư phạm Ngoại ngữ hồi đó lại không tuyển học sinh khiếm thị nên chị đành thi vào Viện Đại học Mở, khoa Tiếng Anh.

Tình cờ trong một lần lên mạng tìm hiểu, được biết Tổ chức phi Chính phủ Duskin của Nhật Bản đang tuyển du học sinh cho một lớp đào tạo kỹ năng lãnh đạo của người khuyết tật tại châu Á, chị đã làm hồ sơ dự tuyển. Sau nhiều bài kiểm tra, cuối cùng vượt quá 350 thí sinh đến từ nhiều quốc gia, Đỗ Thúy Hà là cái tên được chọn.

Sống cho người khác

Hai năm ở xứ người, chị Hà “dắt lưng” thêm được vốn ngoại ngữ tiếng Nhật kha khá. Quay trở về nước, chị học nốt chương trình đại học của mình. Với vốn kiến thức này, cộng thêm những mối quan hệ có được từ những ngày ở Nhật, chị đã có thể kiếm cho mình những khoản thu nhập tương đối ổn bằng nghề phiên dịch cho các dự án của các tổ chức phi Chính phủ.

Thế nhưng, cái ước mơ làm cô giáo, ước mơ được cống hiến cho cộng đồng người khiếm thị chưa bao giờ ngừng thôi thúc chị. Thực ra, cũng nhiều lần chị Hà tính đi xin dạy học cho các bạn trẻ bị khuyết tật như mình, nhưng không thành công bởi nghề này bắt buộc phải có bằng sư phạm.

Tôi hỏi: “Chị làm phiên dịch cho các tổ chức nước ngoài, vừa không hết việc, họ lại vừa văn minh khi không hề kỳ thị người mù, lương lại trả bằng đô-la, sao chị không ở đó cho ấm thân mà lại cứ chọn việc khó khăn, vất vả làm gì?”.

Chị Hà đáp: “Anh nói cũng đúng. Nhưng cuộc đời nếu ai cũng sống bo bo cho mình như thế thì tôi đâu có ngày hôm nay. Tôi muốn giúp những người có số phận như mình, đó cũng là một cách để tôi trả nợ cho những người tốt đã giúp đỡ tôi những ngày gian khó”. 

Cách nghĩ này đã khiến chị bỏ phắt những công việc dễ kiếm tiền để nhận lời về giữ chức Chủ tịch Hội Người mù quận Đống Đa. Chị Hà bảo: “Tôi không được làm cô giáo thì về công tác tại Hội Người mù cũng là một cách đóng góp sức lực cho những người đồng cảnh ngộ. Nói thực, thu nhập ở đây của tôi chưa bằng một nửa của công việc cũ. Nhưng mà vui và thấy cuộc sống có nhiều ý nghĩa”. 

Bây giờ, hàng ngày chị Hà ngồi bên máy vi tính với hai chiếc điện thoại tíu tít các cuộc gọi để tổ chức, quản lý những chương trình hỗ trợ, đào tạo, dạy nghề cho hơn 200 hội viên mù. Từ ngày chị về nhận nhiệm vụ, Hội Người mù quận Đống Đa liên tiếp mở các lớp học tiếng Anh, học chữ nổi, dạy các khóa trị liệu massage, bấm huyệt hay các lớp đào tạo kỹ năng thuyết trình cho người khiếm thị.

Chị tâm sự: “Nói thì đơn giản thế thôi chứ cũng mướt mồ hôi. Các lớp do chúng tôi tổ chức đều dựa vào kinh phí đi xin nên cũng vất vả lắm. Hội chủ yếu trông vào các tổ chức phi Chính phủ, các tổ chức nhân đạo, tình nguyện hay những cơ quan, doanh nghiệp có lòng hảo tâm. Cũng may, nhờ các mối quan hệ cũ, chúng tôi cũng nhận được sự giúp đỡ của nhiều bạn bè, ví dụ như hiện nay Tổ chức AAC của Australia đang hỗ trợ về việc dạy ngoại ngữ cho học viên 2 buổi/tuần. Hội Người mù Hà Nội giúp cho phần dạy chữ nổi, còn Tổ chức Minzoku Forrum thì tài trợ kinh phí cho việc mời các thầy của trường Y học Dân tộc Tuệ Tĩnh đến đào tạo nghề cho hội viên về xoa bóp, bấm huyệt…”.

Nhìn đôi bàn tay chị lướt trên bàn phím chiếc máy tính để gửi E-mail cho đối tác mà chẳng hề nhầm một chữ nào, tôi vẫn chưa thể nghĩ được bằng cách nào chị làm được những điều đó. Dường như đọc được suy nghĩ của tôi, chị Hà tủm tỉm: “Không có mắt thì còn đôi tay. Chỉ có điều là mình có chịu “nhìn thấy” việc bằng đôi bàn tay ấy không mà thôi. Phải không anh?”…