Để có được những tác phẩm đầy xúc cảm

ANTĐ - Trước hành động ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông, giới tạo hình Việt Nam đã cùng lên tiếng phản đối bằng triển lãm mỹ thuật giàu tính nghệ thuật - “Chủ quyền biển đảo của Việt Nam” vừa khai mạc hôm qua tại Nhà triển lãm 29 Hàng Bài. 

Tác phẩm “Ra khơi” của họa sỹ Phạm Luận

Những tên tuổi trong làng mỹ thuật Việt Nam như Thành Chương, Đào Hải Phong, Lê Trí Dũng, Đinh Quân đã góp mặt tạo nên một triển lãm có uy tín về chất lượng nghệ thuật và sự chuẩn mực về ngôn ngữ tạo hình. Nhiều tác phẩm được sáng tác trực tiếp tại Trường Sa. Rung động mạnh mẽ khi được đến với vùng biển thiêng liêng của Tổ quốc, được tận mắt chứng kiến cuộc sống của những người lính đảo và được đứng trước biển bao la đã giúp các họa sỹ thể hiện nên các tác phẩm hội họa đầy chân thành xúc cảm. Những người lính đảo trẻ trung luôn sẵn lòng giúp đỡ các họa sỹ hoàn thành tác phẩm của mình bằng việc căng toan, đóng khung tạm thời để tác giả hoàn thành công việc sáng tác. Vì thế, những tác phẩm này sau khi hoàn thành không chỉ là sản phẩm của một cá nhân mà là tác phẩm của một tập thể. Và quý giá hơn, các tác phẩm được mang về từ Trường Sa dường như không chỉ có màu và sắc mà còn có cả vị mặn mòi của biển và những giọt mồ hôi thấm đẫm trên áo người họa sỹ và người lính đảo. 

Từ lâu, biển đã là đề tài đầy thơ mộng và cuốn hút người nghệ sỹ sáng tác nhưng trong tình hình hiện nay, các họa sỹ đã hướng cái nhìn về biển mang âm hưởng bảo vệ chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Vì vậy,  cuộc triển lãm đã ghi nhận một số tác phẩm cho thấy tác giả đã “bắt” rất nhanh với tình hình tại thực địa. Sức nóng thời sự về tình hình biển đảo hiện diện đầy đủ trên những bức tranh. “Ngư dân vượt sóng bám biển, quyết giữ biển đảo quê hương”, tác phẩm tranh cổ động của họa sỹ Nguyễn Văn Thủy làm nức lòng người xem không chỉ bằng sự thuyết phục về bố cục và hòa phối màu sắc mà còn bởi tác phẩm đó thay cho vạn lời nói để thể hiện quyết tâm giữ vững chủ quyền của những ngư dân quanh năm chuyên cần với nghề của cha ông. 

Đảo thép tiền tiêu-Nguyễn Xuân Thành (ĐH Mỹ thuật Việt Nam)

Ở chuyên ngành điêu khắc, các tác phẩm mang tới không gian triển lãm những tác phẩm rắn rỏi khẳng định chủ quyền Việt Nam tại Biển Đông. Ngôn ngữ tạo hình của các tác phẩm đầy chất trữ tình, thiết tha nhưng cũng đanh thép khẳng định Hoàng Sa đã, đang và mãi mãi là ngư trường truyền thống của Việt Nam. 

Triển lãm ra đời nhanh, chỉ sau đề nghị của ông Vi Kiến Thành, Cục trưởng Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm vài ngày, ấy thế mà tập hợp được đông đảo các tác giả nổi tiếng đóng góp tác phẩm. Họa sỹ Lê Văn Sửu đã vẽ suốt đêm để kịp mang tranh tới triển lãm. Tác phẩm “Cá lớn” - họa sỹ Đinh Quân khi mang tranh tới treo còn đề vào mảnh giấy mấy dòng chữ ngắn ngủi “Tranh còn ướt, cẩn thận sơn dính vào tay” cũng đủ thấy rằng tác phẩm này vừa mới “ra lò”.

Đặc biệt, họa sỹ Đoàn Thị Thu Hương, Cục phó Cục Mỹ thuật, Nhiếp ảnh và Triển lãm - người vừa có tác phẩm sáng tác tại Trường Sa - “Lũy thép” đã kịp hoàn thành trước giờ khai mạc có ít phút. Tất thảy các họa sỹ khi tham dự triển lãm đều thể hiện trách nhiệm người nghệ sỹ đối với Tổ quốc. Bằng xúc cảm dâng trào và tình yêu bao la dành cho quê hương đất nước, giới tạo hình Việt Nam đã nói lên tiếng nói của riêng mình để phản đối hành động ngang ngược của Trung Quốc tại Biển Đông. Hình ảnh cánh chim hải âu tung cánh, màu đỏ của lá cờ Tổ quốc và đặc biệt màu xanh hiền hòa của biển xuất hiện nhiều lần trong các tác phẩm một lần nữa nói lên khát vọng hòa bình của dân tộc Việt Nam.