Dè chừng với lạm phát

ANTĐ - Ngân hàng Thế giới vừa đưa ra dự báo, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam năm 2013 sẽ ở mức 5,3%, lạm phát dự kiến lên tới 8,2%, cao hơn so với mục tiêu dưới 7% của Chính phủ. Đáng lưu ý, Việt Nam đang trong giai đoạn tăng trưởng chậm lại và giống một số nước trong khu vực. Tăng trưởng kinh tế chậm lại có thể tạo sức ép để tiếp tục nới lỏng chính sách tài khóa và tiền tệ, tạo áp lực lên lạm phát, ảnh hưởng đến thành quả của ổn định kinh tế vĩ mô.

Có hai mục tiêu tưởng là cách xa nhau nhưng lại cùng một đích đến: ổn định kinh tế vĩ mô, điều hành chống lạm phát. Qua 6 tháng đầu năm, hầu hết giá cả hàng hóa, sản phẩm đều ít biến động, trừ nhóm dịch vụ y tế, giáo dục và thuốc tân dược. Đây quả là tín hiệu đáng mừng về khả năng kiểm soát CPI ở mức dưới 8% như mục tiêu của Chính phủ, Quốc hội đề ra. Tiếp sau mức tăng thấp của CPI 6 tháng đầu năm, giá cả nửa cuối năm được dự báo sẽ được kiềm chế dù vẫn có một số yếu tố góp phần đẩy giá tăng cao.

Tại cuộc hội thảo “Diễn biến giá cả, thị trường 6 tháng đầu năm và dự báo cả năm 2013”, Phó Vụ trưởng Vụ Thống kê giá, cho biết chỉ số CPI 6 tháng đầu năm có tốc độ tăng thấp trong 10 năm gần đây.Song, 6 tháng cuối năm vẫn tiềm ẩn những yếu tố tác động lên mặt bằng giá cả. Kim ngạch nhập khẩu có thể tăng do nhập khẩu nguyên vật liệu phục vụ cho sản xuất cuối năm. Vì vậy nhập siêu có thể tăng vào cuối năm.

Việc thực hiện chính sách nới lỏng tiền tệ góp phần tăng trưởng tín dụng, trong khi dịch bệnh gia súc, gia cầm làm giảm sút sản lượng thịt, dẫn đến giá thịt sẽ tăng. Bên cạnh đó, mặc dù TP.HCM chưa tăng viện phí nhưng sẽ tăng học phí vào tháng 9 tới cùng với viện phí ở các bệnh viện tăng vào đầu tháng 8 sẽ góp phần tăng CPI cả nước khoảng 0,7%. Chính phủ đã có cam kết mạnh mẽ chống lạm phát không chỉ ở mức cao mà cũng cần cam kết ngay cả khi lạm phát khá thấp và ổn định. Bởi vì lạm phát cao luôn rình rập quay trở lại.

Theo Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội, lạm phát giảm đà tăng là do sản phẩm làm ra tiêu thụ chậm hoặc không tiêu thụ được dẫn đến tồn kho. Tiêu thụ chậm nên doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất, người lao động mất việc, thu nhập giảm hoặc không có, dẫn đến không có khả năng chi tiêu. Đây là tác động “kép” của tình trạng sản xuất kinh doanh đình trệ. Một số chuyên gia cho rằng, việc dự báo giá cả 6 tháng cuối năm là không đơn giản. Lo ngại giá cả từ nay đến cuối năm đặt vào một số mặt hàng trọng yếu. Giá điện đã điều tiết theo Luật Điện lực sẽ phải thực thi theo lộ trình. Giá xăng dầu “ăn theo” giá thế giới ẩn chứa rủi ro về giá khó nói trước. 

Không vội mừng khi lạm phát không còn là mối lo ngại lớn, nhưng những hiệu ứng không mong đợi về giá cả vẫn tiềm ẩn. Nếu điều hành, “cầm cương” không dè chừng, “con ngựa” lạm phát bất kham sẽ ngóc đầu trở lại, rất khó trị.

Tin cùng chuyên mục