Đề cao luật pháp quốc tế để ngăn chặn những tham vọng phi lý của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Càng ngày, thế giới càng nhận thức rõ thêm mức độ nguy hiểm cũng như hậu quả mà những tham vọng phi lý của Trung Quốc ở Biển Đông có thể gây ra. Điều đó thúc đẩy các nước phải có nỗ lực chung đề cao luật pháp quốc tế nhằm ngăn chặn mưu toan dùng sức mạnh độc chiếm Biển Đông.
Giàn khoan West Capella của Malaysia từng bị tàu Trung Quốc áp sát hồi đầu năm 2021

Giàn khoan West Capella của Malaysia từng bị tàu Trung Quốc áp sát hồi đầu năm 2021

Tham vọng từ những khái niệm mơ hồ

Tiếp sau việc Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Mỹ thông qua dự án luật cho phép áp đặt các biện pháp trừng phạt với mọi cá nhân và thực thể Trung Quốc tham gia các dự án phi pháp ở Biển Đông cũng như có những hành động gây bất ổn, đe dọa hòa bình ở vùng biển này, Philippines và Malaysia cũng lên tiếng phản đối những hành vi hung hăng, khiêu khích, bắt nạt của phía Trung Quốc.

Điểm đáng chú ý là trong các tuyên bố của Mỹ, Philippines và Malaysia đều nhấn mạnh đến việc cần tôn trọng và giải quyết các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế. Việc các nước đều đề cao việc thượng tôn luật pháp trên Biển Đông xuất phát từ những mưu toan và hành động của Trung Quốc nhằm độc chiếm Biển Đông bất chấp luật pháp quốc tế, trước hết là Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982.

Theo UNCLOS, các quốc gia ven biển xác định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của mình với chiều rộng không quá 200 hải lý tính từ đường cơ sở và thềm lục địa với chiều rộng không quá 350 hải lý tính từ đường cơ sở. UNCLOS cũng quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của các quốc gia trong vùng biển của mình, trong đó có quyền chủ quyền và quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế. Ngoài các vùng biển của các quốc gia ven biển, các vùng biển còn lại gọi là biển quốc tế hay biển cả. Đáy biển và tài nguyên khoáng sản ở vùng biển quốc tế là di sản chung của nhân loại.

Như vậy, Biển Đông liên quan đến lợi ích của các quốc gia ven biển như Trung Quốc, Việt Nam, Thái lan, Malaysia, Indonesia, Singapore, Brunei và Campuchia; lợi ích với các nước và các bên có tuyên bố chủ quyền với quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa; lợi ích của các quốc gia trong và ngoài khu vực Biển Đông liên quan đến vùng biển quốc tế là di sản chung của nhân loại.

Tuy nhiên, dựa trên khái niệm mơ hồ “quyền lịch sử” không có trong UNCLOS, Trung Quốc đưa ra yêu sách “Đường lưỡi bò” hay còn gọi là “Đường 9 đoạn” chiếm tới 80% diện tích Biển Đông. Sau khi “Đường lưỡi bò” bị Tòa trọng tài thường trực trong vụ Philippines kiện Trung Quốc bác bỏ hồi năm 2016, Bắc Kinh bắt đầu đưa ra khái niệm “Tứ Sa” gồm bốn nhóm đảo: Đông Sa (tên quốc tế là Pratas, nằm cách 240 hải lý về phía Tây-Nam của Đài Loan), Trung Sa (nhóm bãi chìm Macclesfield, nằm cách quần đảo Hoàng Sa 75 hải lý), Tây Sa (tức Hoàng Sa) và Nam Sa (tức Trường Sa).

Dựa trên “Tứ Sa”, Trung Quốc đưa ra yêu sách với hai loại vùng biển, gồm vùng lãnh hải lịch sử và vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý bao quanh 4 nhóm đảo này. Tham vọng của Trung Quốc là chiếm đóng toàn bộ các cấu trúc và vùng biển rộng lớn ở Biển Đông. Không loại trừ khả năng sau khi đã yêu sách vùng đặc quyền kinh tế 200 hải lý, Trung Quốc sẽ tiếp tục yêu sách thềm lục địa từ “Tứ Sa”.

Cơ sở phản bác các yêu sách phi lý của Trung Quốc

Những yêu sách của Trung Quốc hết sức nguy hiểm bởi nó xâm phạm vào các vùng biển của các quốc gia ven Biển Đông, phá hoại hiệu lực của UNCLOS và luật pháp quốc tế. Với các nước ngoài khu vực, nếu yêu sách “Đường lưỡi bò” hay “Tứ Sa” trở thành hiện thực, quyền tự do thông thương trên biển sẽ bị ảnh hưởng bởi tất cả các tuyến đường qua Biển Đông đều nằm trong quyền kiểm soát của Bắc Kinh. Không chỉ trên biển, Trung Quốc còn âm mưu thiết lập Khu vực nhận dạng phòng không (ADIZ) ở Biển Đông, máy bay các nước khi bay qua khu vực ADIZ này đều phải thông báo trước với Trung Quốc.

Chính vì thế mà gần đây, các nước đều đề cao vai trò của luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS, lấy đó làm cơ sở để phản bác các yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông. Nổi lên là “cuộc đấu công hàm lên Liên hợp quốc” sau khi Báo cáo ranh giới thềm lục địa mở rộng tại khu vực phía bắc Biển Đông mà Malaysia gửi lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa Liên hợp quốc (LHQ) bị Trung Quốc gửi công hàm phản bác với lập luận rằng họ có chủ quyền đối với 4 nhóm đảo thuộc “Tứ Sa” cũng như các vùng biển của các nhóm đảo này.

Các nước ASEAN như Việt Nam, Philippines, Malaysia, Indonesia đều gửi công hàm lên LHQ phản bác các công hàm của Trung Quốc. Điểm chung trong các công hàm của các nước ASEAN là việc khẳng định, các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông dựa trên “Đường lưỡi bò” là không có cơ sở pháp lý và đã bị Tòa trọng tài trong vụ Philippines kiện Trung Quốc bác bỏ. Cũng liên quan đến vụ kiện này, Tòa trọng tài còn khẳng định rằng, tất các cấu trúc nổi tại Trường Sa đều là “đảo đá” về mặt pháp lý và không tạo ra vùng đặc quyền kinh tế hoặc thềm lục địa.

Không chỉ các nước trong khu vực, các nước ngoài khu vực nằm cách xa và không có yêu sách chủ quyền ở Biển Đông nhưng có các lợi ích liên quan, trong đó có quyền tự do hàng hải và hàng không như Mỹ, Australia và một số nước châu Âu cũng đưa ra các tuyên bố khẳng định thái độ của mình trước các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông. Dù không đứng về bên nào trong các tranh chấp chủ quyền, các nước này đều có quan điểm chung là bác bỏ các tuyên bố chủ quyền mà Trung Quốc đưa ra liên quan đến Biển Đông dựa trên yêu sách “Đường lưỡi bò” cũng như các khái niệm như “quyền lịch sử”, “Tứ Sa”…

Tháng 7-2020, trong hành động được mô tả là “cứng rắn”, Mỹ công khai bác bỏ phần lớn các yêu sách chủ quyền Trung Quốc trên Biển Đông. Không chỉ nhấn mạnh đến sự phi pháp của những yêu sách này, Washington còn chỉ trích Bắc Kinh là bên đang quấy rối và bắt nạt các nước trong khu vực. Đây được xem là tuyên bố mạnh mẽ, trực tiếp nhất của Mỹ đối với vấn đề Biển Đông trong vòng 25 năm qua, đánh dấu sự chuyển đổi thái độ của Mỹ từ trung lập sang thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.

Ngoài Mỹ, 3 nước châu Âu là Anh, Pháp và Đức, hay còn gọi là Nhóm E3, đã gửi công hàm chung lên Liên hợp quốc nhằm phản bác những yêu sách phi lý của Trung Quốc trên Biển Đông. Trong công hàm, 3 nước nhấn mạnh Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982 là “khuôn khổ pháp lý” cho mọi hoạt động trên biển và cần được duy trì tính toàn vẹn.