Để bù vào tăng trưởng

ANTĐ - Hiện nay, nền kinh tế nước ta đã bắt đầu hồi phục nhưng tốc độ còn chậm. Trong bối cảnh không thể tăng trưởng bằng mở rộng đầu tư, Việt Nam cần thay đổi mô hình tăng trưởng. Không thể theo mô hình đầu tư rộng và dàn trải. Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia nhận định như vậy tại cuộc hội thảo “Triển vọng kinh tế Việt Nam đến năm 2025: Cơ hội và thách thức”. Các chuyên gia đều cho rằng nền kinh tế đã đến lúc cần có những thay đổi cơ bản phù hợp với yêu cầu phát triển mới.

Đại diện Bộ Kế hoạch - Đầu tư cho rằng, tăng trưởng chưa vững chắc, tốc độ tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng, xét trong ngắn hạn, nguyên nhân là do lực cầu nội địa yếu. Trong dài hạn, nguyên nhân là do kinh tế trong nước mất cân đối và kém hiệu quả. Mô hình tăng trưởng dựa nhiều vào thâm dụng vốn và lao động, hiệu quả đầu tư thấp. Doanh nghiệp trong nước đang tái cơ cấu nhưng chưa có được nền tảng vững chắc, xuất khẩu dựa nhiều vào doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. Một số lĩnh vực phát triển nhanh nhưng kém bền vững như bất động sản, chứng khoán. 

Theo báo cáo của Ủy ban Kinh tế, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân 4 năm 2011-2014 dự kiến chỉ đạt khoảng 5,6%/năm, thấp xa so với chỉ tiêu theo kế hoạch (6,5-7%). Tăng trưởng GDP của Việt Nam chậm lại, trong khi một số nước trong khu vực đã được cải thiện và duy trì tốc độ tăng cao. Gợi ý cho Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội, Chủ tịch Quốc hội cho rằng, khi đánh giá những mặt hạn chế, cần nhìn thẳng vào đời sống vật chất và tinh thần của người dân có tăng lên hay không. Từ đó đánh giá kinh tế có ổn định, lạm phát có được kiềm chế hợp lý, tăng trưởng có chiều hướng tăng lên hay không? Đánh giá như vậy để thấy rõ điều hành, quản lý quyết liệt và năng động của Chính phủ như thế nào. Tại hội thảo, Trung tâm Thông tin và dự báo đưa ra hai kịch bản dự báo tăng trưởng kinh tế. Đáng lưu ý, cả hai kịch bản đều nhấn mạnh tới sự đóng góp của yếu tố lao động và năng suất - các nhân tố tổng hợp vào tăng trưởng giai đoạn tới.

Khi quy mô đầu tư buộc phải cắt giảm, để duy trì tăng trưởng thì phải tăng năng suất lao động. Vậy để tăng trưởng bền vững không còn cách nào khác là tăng năng suất lao động vì chúng ta sẽ phải giảm quy mô đầu tư từ 40% GDP xuống 30% GDP.