“Để bầu trời mãi xanh” hành trình đặc biệt của ký ức

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Nhằm tái hiện một phần ký ức miền Bắc Việt Nam trong hai đợt chiến tranh phá hoại của Không quân và Hải quân Mỹ (1964 - 1972), ngày 23-11 tới, Ban Quản lý Di tích Nhà tù Hỏa Lò khai trương trưng bày chuyên đề “Để bầu trời mãi xanh”.

Tinh thần, bản lĩnh người Việt Nam

Trưng bày được giới thiệu qua hai phần. Phần đầu tiên, “Giữ vững biển trời” kể câu chuyện về bản lĩnh, trí tuệ của nhân dân miền Bắc Việt Nam trong hai đợt chiến tranh phá hoại của quân đội Mỹ. Bằng sức mạnh của cuộc chiến tranh nhân dân, quân và dân miền Bắc đã kiên quyết đánh bại mọi âm mưu và hành động phá hoại.

Những năm tháng khốc liệt đó đã ghi dấu bao câu chuyện bi hùng về tinh thần, bản lĩnh của người dân Việt Nam: Đó là câu chuyện về cô giáo Bùi Thị Thanh Xuân hy sinh thân mình để bảo vệ học sinh trong trận ném bom của Không quân Mỹ vào Trường cấp II Thụy Dân (Thái Bình) ngày 21/10/1966. Câu chuyện về các chiến sĩ phòng không bảo vệ cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) luôn nêu cao khẩu hiệu “thà gục trên mâm pháo, quyết không để cầu gục”. Câu chuyện về sự sáng tạo của người dân Vĩnh Linh đã tạo nên hệ thống 114 địa đạo, làng hầm khắp 15 xã, thị trấn ven biển để bám đất sinh hoạt và chiến đấu những năm 1965 - 1968... Sự chung sức, đồng lòng của toàn quân, toàn dân đã đem lại những chiến công vang dội.

Sống dưới bom đạn ác liệt của những trận tập kích chiến lược bằng máy bay B-52, nhân dân miền Bắc vẫn “bám đồng ruộng mà sản xuất, bám hố bom mà thâm canh”. Nhiều phong trào thi đua nở rộ với các khẩu hiệu: “Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, “Làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, “Địch đến là đánh, địch đi là sản xuất”… Lên đường nhập ngũ, trực tiếp cầm súng chiến đấu, tham gia thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, vận chuyển lương thực, thuốc men, đạn dược chi viện cho chiến trường miền Nam… đã trở thành lý tưởng sống của tất cả thanh niên miền Bắc thời kỳ ấy.

Hàn gắn vết thương, xoa dịu những cơn đau còn dai dẳng

Phần thứ 2 của triển lãm mang tên “Nối hai bờ đại dương” giới thiệu về những nỗ lực của chính phủ và nhân dân hai nước đã chung tay, góp sức hàn gắn vết thương chiến tranh, xoa dịu những nỗi đau còn dai dẳng suốt hơn 45 năm qua. Trong hành trình đặc biệt ấy, có sự góp sức không nhỏ của các cựu chiến binh, các tổ chức, cá nhân yêu chuộng hòa bình.

Quá trình từ không chiến đến hòa giải giữa hai quốc gia, hai dân tộc là một hành trình với nhiều dấu mốc quan trọng. Để có mối quan hệ tốt đẹp hôm nay, phải kể đến những sứ giả hòa bình đã giúp “nối hai bờ đại dương”: Đó là Thượng nghị sĩ John Sidney McCain (cựu phi công Mỹ từng sống tại Trại giam Hỏa Lò năm 1966 - 1973), người giành nhiều nỗ lực để hàn gắn quan hệ hai nước sau chiến tranh; Ngoại trưởng John Kerry từng tham chiến ở Đồng bằng sông Cửu Long năm 1968, sau đó ông là người tham gia quyết liệt vào phong trào phản chiến cũng như thúc đẩy bình thường hoá quan hệ hai nước; là Đại sứ Hoa Kỳ đầu tiên tại Việt Nam Douglas Brian Peterson (cựu phi công Mỹ từng sống tại Trại giam Hỏa Lò năm 1966 - 1973) với nhiều hoạt động góp phần bình thường hóa quan hệ Việt - Mỹ; là ông Bobby Muller - Người sáng lập Hội Cựu chiến binh Mỹ tại Việt Nam (VVA)…

Ngày 09-3-1973, Chính phủ Việt Nam thành lập Cơ quan tìm kiếm người mất tích (VNOSMP). Tính đến năm 1988, VNOSMP đã đơn phương tìm kiếm và trao trả cho phía Hoa Kỳ 302 bộ hài cốt quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh. Từ năm 1989, hai nước đã phối hợp trong các hoạt động tìm kiếm. Dẫu rằng, những cuộc “trở về” không thật trọn vẹn, nhưng đã phần nào hàn gắn, xoa dịu những mất mát của chiến tranh.

Hơn ba thập kỷ đã qua (1989 - 2020), công cuộc tìm kiếm hài cốt các quân nhân mất tích ở Việt Nam (MIA) vẫn chưa dừng lại. Đội ngũ chuyên viên MIA của hai nước đã phải trải qua biết bao gian khổ, hy sinh: Địa bàn khai quật phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, điều kiện sinh hoạt thiếu thốn…

Đến năm 2019, Việt Nam đã tiến hành trao trả gần 1.000 hài cốt, phía Hoa Kỳ đã nhận dạng ADN được gần 800 trường hợp. Nỗ lực tìm kiếm quân nhân mất tích trong chiến tranh của cả hai phía, đã và đang phần nào xoa dịu nỗi đau trong bao gia đình Việt Nam và Hoa Kỳ.

Hoa Kỳ cũng có nhiều đóng góp đối với Việt Nam như: cung cấp tài liệu, thông tin và di vật của bộ đội Việt Nam hy sinh, mất tích; giải quyết bom mìn và xử lý chất độc da cam ở một số khu vực trọng điểm... Những hoạt động này có sự góp sức không nhỏ của các cựu chiến binh hai nước. Từ những “đối thủ” trên bầu trời năm xưa, họ gặp lại nhau trong không khí cởi mở, thân tình, hướng đến hòa giải, hợp tác, phát triển.

Bên cạnh sự nỗ lực của Chính phủ hai nước, nhiều cựu chiến binh Mỹ và các tổ chức, cá nhân đã chung tay với người dân Việt Nam, góp phần hồi sinh những vùng đất chết, thắp lên niềm hy vọng cho những mảnh đời bất hạnh: Thượng nghị sĩ Patrick Leahy, Phó Chủ tịch Ủy ban chuẩn chi Thượng viện Mỹ, dành 30 năm hỗ trợ nạn nhân chiến tranh Việt Nam; Cựu chiến binh Mỹ Matthew Keenan từng tham chiến tại Việt Nam là “cha nuôi” của những nạn nhân chất độc màu da cam và trẻ em bất hạnh Thành phố Đà Nẵng; Bà Susan Marie Hammond - con gái một cựu binh Mỹ từng tham chiến tại Việt Nam, người sáng lập Dự án Di chứng chiến tranh, hỗ trợ nạn nhân chất độc màu da cam tại Việt Nam; Bà Jerilyn Brusseau - chị gái một lính Mỹ tử trận khi tham chiến ở Quảng Trị, năm 1969, là người đồng sáng lập tổ chức Cây hoà bình (PeaceTrees Vietnam)…