Đề án tổ chức ASIAD 2019: Thiếu thuyết phục!

ANTĐ - Có nhiều vấn đề bất cập, thiếu thuyết phục khác xung quanh đề án tổ chức ASIAD 2019, chứ không riêng con số kinh phí dự trù 150 triệu USD mà Bộ VH-TT&DL -đơn vị chủ trì đề án đưa ra. 

Các công trình phục vụ ASIAD buộc phải xây mới sẽ tiêu tốn hàng nghìn tỷ đồng

1. Trong đề án vận động đăng cai ASIAD 2019 thực hiện năm 2010, Bộ VH-TT&DL đã đưa ra dự toán tổng mức ngân sách là 5.155 tỷ đồng (khoảng 250 triệu USD), trong đó nguồn ngân sách chiếm 4.979 tỷ đồng (96%). Ngày 9-4-2011, Bộ Tài chính đã có công văn “cảnh báo” với nội dung: “Khoản ngân sách 4.979 tỷ đồng là một gánh nặng với Nhà nước. Con số này chỉ là khái toán, thực tế sẽ cao hơn nhiều. Trong bối cảnh cân đối ngân sách Nhà nước những năm tới còn khó khăn, vẫn cần ưu tiên bố trí chi cho những công trình thiết yếu... Trong trường hợp chi phí tổ chức Đại hội chủ yếu bố trí từ nguồn ngân sách Nhà nước thì đề nghị chưa nên đăng cai mà để đến khi điều kiện kinh tế Việt Nam cho phép”.

Sau công văn trên, Bộ VH-TT&DL đã ngay lập tức lùi con số 5.155 tỷ đồng xuống mức 3.000 tỷ đồng (khoảng 150 triệu USD). Đồng thời, tỉ lệ ngân sách còn 28% (thay vì 96%) và nguồn huy động từ xã hội từ tỉ lệ khiêm tốn 4% đã được đẩy lên mức 72%! Cũng bởi cam kết kinh phí tổ chức ASIAD chủ yếu huy động xã hội hóa nên đề án đăng cai của Bộ này được chấp thuận. Tuy nhiên tại phiên trả lời chất vấn Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội tháng 3 vừa qua, Bộ trưởng Hoàng Tuấn Anh lại ấp úng trước câu hỏi về con số 72% xã hội hóa từ các đại biểu. Còn như phát biểu mới đây của một quan chức Ủy ban Olympic Việt Nam thì “nếu được Chính phủ chấp thuận cho tổ chức, các doanh nghiệp sẽ tự biết mình được lợi gì và sẽ chung tay xã hội hóa ASIAD” (!?).

2. Để tổ chức Đại hội thể thao quy mô như ASIAD cần có kế hoạch chuẩn bị kỹ lưỡng, tham khảo ý kiến người trong giới cũng như kêu gọi sự ủng hộ của người dân. Đơn cử như Hồng Kông (Trung Quốc) xin đăng cai ASIAD 2023 nhưng đã có kế hoạch chuẩn bị chi tiết từ năm 2010, hay ngay chính Việt Nam, để chuẩn bị cho SEA Games 2003, ngành thể thao khi đó đã lên kế hoạch (cơ sở vật chất, đào tạo VĐV, đào tạo giới quản lý…) từ trước cả chục năm. Nhưng ở ASIAD 2019 không hội tụ các yếu tố trên. Cũng bởi quy trình ngược như thế nên đến khi được trao quyền đăng cai mới bắt đầu viết đề án đào tạo VĐV cho ASIAD. Rồi ngay bản đề án tổng thể, cũng phải sửa đi sửa lại sau mỗi buổi chất vấn để lộ ra quá nhiều điểm thiếu hợp lý.

3. Đã có rất nhiều thay đổi “linh hoạt” trong đề án tổ chức ASIAD của Bộ VH-TT&DL, nhằm cắt giảm kinh phí dự trù như loại bỏ một số tỉnh, thành vệ tinh như Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc; loại bỏ các công trình từng dự kiến xây mới nhưng không cần thiết như nhà thi đấu 10.000 chỗ ngồi trong khu Mỹ Đình, làng VĐV. Các công trình buộc phải xây mới như Trường đua ngựa tại Lâm Đồng, sân tennis và sân đua xe đạp lòng chảo tại Mỹ Đình sẽ cắt giảm tối đa chi phí. Điển hình như sân đua xe đạp lòng chảo ban đầu dự kiến 500 triệu USD (do nhà đầu tư Hàn Quốc chi toàn bộ) giờ sẽ cắt giảm xuống còn 420 tỷ đồng.

Với những điều chỉnh này, kinh phí tổ chức và tính rủi ro trong xây mới các công trình ở ASIAD sẽ giảm, nhưng chưa hẳn đã thuyết phục được công luận. Bởi việc các công trình xây mới, tu bổ cho ASIAD sau này sẽ được sử dụng như thế nào, có rơi vào tình trạng hoang phế, lãng phí hay sử dụng trái mục đích như SEA Games 2003 không, chưa có câu trả lời từ Bộ VH-TT&DL. Quan trọng hơn, với việc chắt bóp chi phí liệu có đảm bảo các công trình thi đấu đạt tiêu chuẩn giải đấu cao nhất châu lục? Và nếu vì chất lượng các công trình, công tác tổ chức kém mà ảnh hưởng tới chất lượng giải đấu thì ai sẽ chịu trách nhiệm với số tiền khổng lồ đã bỏ ra, với uy tín bị đánh mất của quốc gia đứng lên đăng cai?

Nhà văn Nguyễn Danh Lam: Bao giờ giàu, hãy tính

Quan điểm của tôi là nên trả quyền đăng cai ASIAD 18. Tôi nghĩ nên trả lại là bởi đất nước mình cũng chưa dư dả gì. Tôi nói ví dụ đơn giản như thế này, nhà thì nghèo, con thì đông, có đứa vẫn còn đói kém, thất học vậy mà ông bố còn làm sang, đi chơi tennis, chơi golf… Thôi thì cứ tạm dừng cái việc ấy lại, khi nào mình có điều kiện, mình nghĩ đến chuyện làm sang cũng chưa muộn. Lúc đó sẽ chẳng có ai phản đối cả và mọi chuyện đều vui vẻ. Như thế có hơn không?

NSƯT Đức Trung: Thời gian cho phép, nên tính toán lâu dài

Khi Việt Nam được lựa chọn đăng cai tổ chức ASIAD 18 thì dư luận những ngày qua có hai luồng ý kiến. Một là lo lắng về chuyện tốn kém, lãng phí mà hiệu quả thì không đi đến đâu. Bộ phận còn lại thì ủng hộ việc đăng cai ASIAD vì đây là một cơ hội không dễ gì có được và mang lại cho chúng ta những lợi ích lâu dài. Ai cũng có cái lý của mình. Cá nhân tôi chỉ đưa ra một số quan điểm. Thứ nhất, Việt Nam đã có những thuận lợi nhất định, hơn một số quốc gia khác khi đăng cai ASIAD là đã có một nền tảng những cơ sở hạ tầng có sẵn: SVĐ, nhà thi đấu…, chứ không hẳn là đầu tư toàn bộ từ đầu. Còn những hạng mục thể thao Việt Nam chưa có như sân hockey trên cỏ, sân xe đạp lòng chảo…, mở rộng cũng là xu hướng tất yếu để bắt kịp thể thao thế giới. Nhưng theo tôi, cái quan trọng hơn, chúng ta nên tính toán đầu tư, bồi dưỡng nguồn lực VĐV, nhất là khi thời gian còn cho phép. 

Nhà thơ Bùi Chí Vinh: Còn nhiều việc quan trọng hơn

Việc chúng ta vận động và giành quyền đăng cai ASIAD 18 vào thời điểm này hoàn toàn không phù hợp. Tôi nghĩ nhiều người cũng như tôi, không thấy vui gì trước thông tin này. Rõ ràng đất nước chúng ta còn nhiều khó khăn và cũng còn nhiều việc quan trọng hơn cần phải làm để cải thiện đời sống người dân, trong khi việc đầu tư vào một sự kiện vượt tầm tay rất dễ trở thành hớ. Tôi có cảm giác như chúng ta đang cố gồng mình tìm mọi cách để làm rạng rỡ Việt Nam trên trường quốc tế mà không tính đến yếu tố lợi bất cập hại. Số tiền chi phí 150 triệu USD chỉ là con số dự tính ban đầu nhưng đã thấy không khả thi rồi. Số tiền đó có thể làm được nhiều việc có ích hơn khi đời sống của nhiều người dân trong nước còn khó khăn thiếu thốn. Chúng ta có thể đăng cai sự kiện này nhưng vào một thời điểm khác, như thế hợp lý hơn.