​ĐBQH Trần Hoàng Ngân: Cần phải có một ủy ban quốc gia giám sát vụ Formosa

ANTĐ -Liên quan đến sự cố môi trường xảy ra ven biển miền Trung do hoạt động xả thải môi trường của Formosa Hà Tĩnh, trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay, 21-7, ĐBQH Trần Hoàng Ngân (đoàn TP HCM) cho rằng, cần có một ủy ban quốc gia để giám sát dự án này.

​ĐBQH Trần Hoàng Ngân: Cần phải có một ủy ban quốc gia giám sát vụ Formosa ảnh 1

ĐBQH Trần Hoàng Ngân trả lời phỏng vấn báo chí bên hành lang Quốc hội

- PV: Từ vụ việc sai phạm của Công ty TNHH Hưng Nghiệp Formosa Hà Tĩnh vừa qua đã, theo ông bài học cần rút ra là gì?

ĐBQH Trần Hoàng Ngân: Ở vụ việc này, vừa qua Chính phủ đã tập trung xử lý tốt, tìm ra nguyên nhân và quy trách nhiệm cụ thể. Chúng ta đồng ý quan điểm của Chính phủ là không chấp nhận đánh đổi tăng trưởng kinh tế với môi trường. Nhưng vấn đề chúng ta băn khoăn là tại sao Frmosa vốn là nhà đầu tư có lý lịch về mặt xử lý môi trường không tốt, với lý lịch này cần phải được "ưu tiên" hàng đầu và giám sát chặt nhưng chúng ta lại buông lỏng.

Tôi thấy trong vụ việc này rõ ràng sự phân công trách nhiệm không rõ ràng. Đó là bài học lớn cho vấn đề thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là doanh nghiệp FDI thời gian qua. Ta cần huy động vốn của FDI nhưng không có nghĩa là huy động bằng mọi giá. Vấn đề nữa là cạnh tranh trong thu hút vốn FDI của các địa phương cũng phải được xem xét.

Mặt khác, Formosa là một dự án đầu tư quy mô quốc gia, không thể giao cho UBND tỉnh Hà Tĩnh hay sở Tài nguyên – Môi trường tỉnh Hà Tĩnh để giải quyết, giám sát. Công việc này phải thuộc một đơn vị, của một ủy ban quốc gia.

Theo tôi, Ủy ban Kinh tế, Ủy ban Khoa học – Môi trường của Quốc hội cũng cần phải tăng cường giám sát với Formosa và những dự án tương tự. Đây chính là nội dung đặt hàng của cử tri với Quốc hội mới, đòi hỏi Quốc hội phải tăng cường giám sát để trả lời thỏa đáng cho cử tri rằng dự án này có xứng đáng tồn tại hay không? Theo quan điểm cá nhân tôi là không.

- Nếu không cho Formosa Hà Tĩnh tiếp tục tồn tại thì phải giải quyết vấn đề hậu đầu tư của doanh nghiệp này như thế nào?

Những dự án nào không thỏa mãn tiêu chí môi trường thì phải ngừng ngay và Formosa là dự án tiêu điểm. Hậu quả nếu không cho Formosa Hà Tĩnh tiếp tục tồn tại, theo tôi sẽ không lớn bằng hậu quả khi chúng ta để một nhà đầu tư nước ngoài đã có lý lịch không tốt về môi trường lại tiếp tục tàn phá môi trường.

Chính phủ cũng phải minh bạch hơn khi thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Ngoài dự án Formosa, Đài Loan (Trung Quốc) cũng có nhiều dự án đầu tư khác rót vốn vào Việt Nam nên cần phải có cơ chế rõ ràng và minh bạch, có cơ sở pháp lý rõ ràng để không ảnh hưởng đến thu hút đầu tư FDI. Thế nên tôi cho rằng phải có ủy ban giám sát, Ủy ban khoa học và Ủy ban Kinh tế của Quốc hội vào cuộc làm rõ và công bố sớm trong việc dừng dự án này.

Tin cùng chuyên mục