ĐBQH: Tổ chức giao thông rất lộn xộn, nơi cần không có biển báo, nơi không cần lại quá nhiều

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Góp ý về một số nội dung nêu ra trong Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, Đại biểu Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) cho rằng, tổ chức giao thông hiện nay rất lộn xộn. Có tình trạng nơi cần không có biển báo, nơi không cần có quá nhiều biển...

Cũng theo Đại biểu Nguyễn Phi Thường, thời gian qua đã xảy ra nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng có nguyên nhân thiếu quy định pháp luật trong đảm bảo ATGT. Vi phạm về trật tự ATGT diễn ra phổ biến.

Do vậy, Dự thảo luận cần khắc phục bất cập và tạo hành lang pháp lý cho các vấn đề: Quy trình xử phạt nguội, hệ dữ liệu điều chỉnh quy định trách nhiệm pháp lý của chủ sở hữu phương tiện, xây dựng hệ dữ liệu quốc gia, thống kê TNGT và cơ chế chia sẻ thông tin với các ngành liên quan để quản lý lý tái phạm, quy trình xem xét trách nhiệm các cơ quan liên quan sau TNGT, công tác bảo vệ hiện trường…

Cùng tham gia phát biểu thảo luận, Đại biểu Quách Thế Tản (đoàn Hòa Bình) cho biết, Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã cụ thể hóa Hiến pháp 2013 về bảo vệ sự an toàn tính mạng sức khỏe con người.

Bên cạnh đó, hiện tình hình trật tự ATGT đường bộ diễn biến phức tạp, nhiều người tử vong, thương tật suốt đời để lại gánh nặng cho gia đình. Mặt khác, đường bộ còn là nơi diễn ra nhiều hoạt động phức tạp của tội phạm và các hành vi vi phạm phạm pháp luật như trộm, cướp, gây rối trật tự công cộng, vận chuyển hàng cấm…

“Việc Chính phủ quyết định trình Quốc hội Dự án luật này đã cân nhắc, đánh giá khách quan thận trọng trên cơ sở yêu cầu của thực tiễn. Quá trình xây dựng luật đã nhận được sự đồng tình cao của các bộ, ngành đặc biệt là Bộ Công an, Bộ GTVT, gắn trách nhiệm các bộ cụ thể” – Đại biểu Tản phân tích.

Cũng theo vị đại biểu này, Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ quy định đào tạo sát hạch cấp GPLX, cấp thu hồi biển số xe cơ giới, tổ chức an toàn giao thông và chỉ huy điều khiển giao thông, giải quyết ùn tắc, tai nạn giao thông. Còn Luật giao thông đường bộ quy định về kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý an toàn phương tiện giao thông, hệ thống báo hiệu.

Địa biểu Quách Thế Tản (đoàn Hòa Bình) phát biểu thảo luận

Địa biểu Quách Thế Tản (đoàn Hòa Bình) phát biểu thảo luận

“Tôi nhất trí với quan điểm của Uỷ ban QPAN đưa trách nhiệm quản lý nhà nước về TTATGT đường bộ, đào tại sát hạch cấp GPLX thuộc phạm vi của Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ được thể hiện rõ trong Khoản 4 Điều 66 dự thảo. Điều này nhằm đảm bảo tính hợp lý thống nhất, nhất quán từ đào tạo, sát hạch, cấp GPLX, giải quyết được các vấn đề thực tiễn đặt ra hiện nay là tăng cường quản lý nhà nước về công tác này” – Đại biểu Tản phân tích.

Cuối phần phát biểu, vị Đại biểu này cho rằng, về tổng thể, Dự thảo đã làm rõ 3 vấn đề: Bổ sung quy định về quy tắc giao thông đường bộ phù hợp và văn minh, an toàn cho người tham gia giao thông; Xây dựng chính sách thực thi pháp luật đảm bảo cho việc thực hiện nghiêm minh, các hành vi vi phạm phải bị phát hiện xử lý nghiêm; Nâng cao hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về trật tự ATGT đường bộ…

Về thời điểm trình Quốc hội thông qua Dự án luật, Đại biểu Tản đề nghị Quốc hội thông qua luật này tại kỳ họp thứ 11 Quốc hội khóa XIV.

Tán thành việc ban hành luật như tờ trình của Chính phủ, Đại biểu Dương Xuân Hòa (đoàn Lạng Sơn) cho rằng, điều này nhằm đáp ứng yêu cầu tình hình mới, thể chế hóa quan điểm của Đảng, khẳng định công tác đảm bảo an toàn giao thông là một trong những nội dung đảm bảo an ninh quốc gia, trật tự ATXH, nâng cao hiệu lực hiệu quả của công tác quản lý Nhà nước về an toàn giao thông, nhằm luật hóa các điều ước quốc tế, khắc phục bất cập trong quản lý phương tiện, người điều khiển phương tiện, ùn tắc, tai nạn giao thông…