ĐBQH: Phải tính đến phương án sống chung với bão lũ chứ không có cách nào khác

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Là ĐBQH của tỉnh Quảng Nam - tỉnh thiệt hại nặng nề nhất trong bão số 9, ĐB Phan Thái Bình cho rằng, việc xây quá nhiều hồ đập, thủy điện nhỏ và vừa có thể là nguy cơ tiềm tàng.

ĐBQH Phan Thái Bình thảo luận tổ tại Quốc hội sáng 2-11

ĐBQH Phan Thái Bình thảo luận tổ tại Quốc hội sáng 2-11

Sáng nay, 2-11, thảo luận tổ tại Quốc hội, ĐB Phan Thái Bình - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) tỉnh Quảng Nam thay mặt cán bộ, đảng viên và nhân dân tỉnh Quảng Nam cảm ơn Đảng, Nhà nước và nhân dân cả nước trong thời gian vừa qua đã rất quan tâm, động viên, giúp đỡ với khúc ruột miền Trung, trong đó có Quảng Nam.

Theo ông Bình, Quảng Nam là tỉnh thiệt hại nặng nề nhất cả về người và tài sản trong cơn bão số 9 vừa qua. Trong thiên tai bão lũ lại thấy, cả hệ thống chính trị, nhân dân cả nước lại chung tay đùm bọc, chia sẻ khó khăn với đồng bào miền Trung bị thiệt hại do bão lũ cả về vật chất lẫn tinh thần.

“Tính đến sáng nay, Quảng Nam vẫn còn 21 người mất tích. Sáng nay, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam xin phép vắng mặt thảo luận tổ tại Quốc hội để tiếp tục chỉ đạo tìm kiếm cứu nạn người mất tích và khắc phục hậu quả bão lũ” – vị ĐBQH cũng là Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Quảng Nam thông tin.

Nói thêm về đợt bão lũ vừa qua ở các tỉnh miền Trung, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho biết, ở các vùng bị bão lũ đã phải tiến hành di dân rất lớn, nhất là các vùng có nguy cơ cao bị sạt lở đất, ngập lụt.

Thông thường khi di dân để tránh thiên tai thì thường di chuyển đến các trụ sở cơ quan nhà nước, các trường học vì có xây dựng kiên cố. Thế nhưng, trong đợt bão lũ này, thống kê cho thấy, ở Quảng Nam và Quảng Ngãi, hơn 50% trường học bị tốc mái, hư hỏng nặng nhẹ.

“Điều đó cho thấy, một mặt cần đánh giá lại chất lượng xây dựng. Song điều quan trọng hơn, trong định hướng sắp tới, nên chăng Chính phủ cần nghiên cứu, có chính sách đầu tư, tu bổ, thiết kế xây dựng các trường học đảm bảo chất lượng thất tốt để lưỡng dụng, không chỉ nâng cao chất lượng giáo dục mà còn đưa các trường học, điểm trường trở thành điểm tập kết an toàn để di dân đến khi có sự cố thiên tai xảy ra” – ĐB Bình nói.

Hiện trường một vụ sạt lở ở Quảng Nam

Hiện trường một vụ sạt lở ở Quảng Nam

ĐB Phan Thái Bình cũng cho rằng, cần có chính sách giúp cho người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi có thể đảm bảo được cuộc sống tối thiểu, chẳng hạn như cấp gạo, hỗ trợ giải quyết việc làm tại chỗ… để cho đồng bào yên tâm sinh sống, tránh gây tác động xấu tới môi trường. Chúng ta phải tính đến phương án sống chung với bão lũ chứ không có cách nào khác.

Tiếp tục góp ý về nội dung Tờ trình của Chính phủ liên quan chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác để thực hiện Dự án hồ chứa nước sông Than (tỉnh Ninh Thuận), Dự án hồ chứa nước Bản Mồng (tỉnh Nghệ An), Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, từ thực tiễn bão lũ ở miền Trung, cần phải có đánh giá thật kỹ mọi tác động.

Các nhà khoa học, chuyên gia cần phải nghiên cứu, đánh giá thật kỹ tác động của việc xây dựng các thủy điện, hồ đập tới tự nhiên, thổ nhưỡng, diện tích rừng; đánh giá cả những tác động thế nào từ việc xây dựng quá nhiều thủy điện nhỏ ở đầu nguồn, phải chăng đây là một trong những nguyên nhân dẫn tới sạt lở đất thời gian qua?

"Riêng Quảng Nam bây giờ có hơn hồ 40 thủy điện nhỏ và vừa. Mùa hạ cũng lo ngay ngáy vì thiếu nước, mà thiếu nước thì không sản xuất điện được. Còn mùa mưa thì bất an, nước tràn về bạt ngàn không biết xả đi đâu, thế nên luôn mông lung trong những mối nguy cơ” – ĐB Phan Thái Bình chia sẻ.

Đồng quan điểm này, ĐB Nguyễn Quốc Hận (đoàn Cà Mau) nêu, vấn đề đặt ra là ảnh hưởng lớn của thiên tai như vừa qua liệu có nguyên nhân từ tình trạng chặt phá rừng, xây các hồ đập… hay không? “Khi xây các hồ đập này sẽ thúc đẩy phát triển kinh tế được 5-10 năm nhưng chỉ cần xuất hiện một trận lũ lớn như vừa qua thì có thể phá hủy toàn bộ. Do đó cần tính toán kỹ lưỡng cái được, cái mất” – ĐB Hận nói.