ĐBQH Nguyễn Thị Xuân: Tách Luật giao thông đường bộ là vì lợi ích chung chứ không phải “quyền anh, quyền tôi”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Từ nghiên cứu của bản thân, ĐB Nguyễn Thị Xuân nhấn mạnh, việc xây dựng Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ là rất cần thiết để tiến tới xây dựng một nền giao thông văn minh, văn hóa và tiến bộ…

ĐBQH Nguyễn Thị Xuân

ĐBQH Nguyễn Thị Xuân

Phát biểu thảo luật về Luật Đảm bảo TTATGT đường bộ tại Quốc hội chiều nay, 16-11, ĐB Nguyễn Thị Xuân, Ủy viên Thường trực Ủy ban ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nêu quan điểm đồng ý tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 thành hai luật mới là Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm TTATGT đường bộ.

Nữ ĐB thuộc đoàn ĐBQH tỉnh Đắc Lắk chỉ ra 4 lý do về sự cần thiết phải xây dựng hai luật mới kể trên.

Trước tiên, theo ĐB Nguyễn Thị Xuân, ở nước ta, giao thông đường bộ có vị trí trọng yếu trong giao thông vận tải quốc gia, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh, nâng cao đời sống nhân dân. Hiện nay, bình quân mỗi năm, số phương tiện giao thông tham gia giao thông đường bộ lại tăng 10-15%.

Cùng đó, tình trạng tai nạn giao thông đường bộ cũng chiếm đến hơn 95% trong tổng số người chết, bị thương ở tất cả lĩnh vực giao thông. Ngoài nguyên nhân bệnh tật, tai nạn giao thông là nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tử vong ở nước ta.

Trong khi đó, tình trạng vi phạm pháp luật về TTATGT trong giao thông đường bộ diễn ra phổ biến, chiếm tỷ lệ trên 80% trong tất cả loại hình giao thông. Đây cũng là nơi diễn ra nhiều hoạt động tội phạm như trộm cắp, cướp giật, buôn lậu, vận chuyển ma túy, hay các đối tượng trốn truy nã…

Thứ hai, giao thông đường bộ liên quan, tác động trực tiếp đến quyền con người, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều mặt của đời sống kinh tế xã hội và cũng là hình ảnh, bộ mặt của Việt Nam đối với bạn bè quốc tế…

“Đó là những yêu cầu thực tế đặt ra. Hơn nữa, việc xây dựng Luật Đảm bảo TTATGT đường bộ đã cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 cũng như các chủ trương của Đảng trong bối cảnh hiện nay” – ĐB Nguyễn Thị Xuân nói.

Lý do thứ ba được ĐB Xuân chỉ ra, đó là qua các nghiên cứu và tham khảo hệ thống pháp luật của nhiều nước trên thế giới, khu vực châu Á, nhất là các quốc gia có nền văn hóa xã hội khá tương đồng với Việt Nam cho thấy, các quốc gia đều có Luật riêng về TTATGT. Chẳng hạn như: Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc… Riêng Hàn Quốc có đến 11 luật về giao thông đường bộ.

“Việc tách bạch giữa các quy định về đảm bảo TTATGT đường bộ với các quy định về xây dựng, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông, vận tải đường bộ là xu hướng chuyên sâu hóa trong xây dựng pháp luật của nước ta hiện nay, đồng thời phù hợp với kinh nghiệm từ một số quốc gia trên thế giới mà tôi đã nghiên cứu” – ĐB Nguyễn Thị Xuân nhấn mạnh.

Nữ Ủy viên thường trực Ủy ban ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội nói thêm: Bản chất của TTATGT đường bộ là điều chỉnh các hoạt động giao thông động, nó liên quan đến hành vi của người tham gia giao thông.

Không đồng tình với ý kiến của một số ĐBQH rằng việc tách luật Giao thông đường bộ thành hai luật là phân chia “quyền anh, quyền tôi” hay quyền lợi của mỗi bộ ngành, ĐB Nguyễn Thị Xuân nhấn mạnh: Việc xây dựng luật phải xuất phát từ lợi ích quốc gia, lợi ích dân tộc và vì lợi ích của người dân.

“Chúng ta hướng đến xây dựng hình ảnh một quốc gia văn hóa, văn minh, đảm bảo quyền con người, đảm bảo cho mọi người dân được sống trong môi trường tốt nhất, không phải lo lắng, lo sợ tai nạn giao thông khi ra đường mỗi ngày.

Xây dựng văn hóa giao thông hiện nay rất quan trọng để tiến tới xây dựng một nền giao thông văn minh, văn hóa và tiến bộ. Do đó, việc tách Luật Giao thông đường bộ năm 2008 để xây dựng thành hai luật riêng là hoàn toàn cần thiết” – ĐB Xuân nói.

Cũng trong phiên thảo luận tại Quốc hội chiều nay, ĐB Nguyễn Tiến Sinh (đoàn Hòa Bình) tán thành việc xây dựng Luật Đảm bảo TTATGT đường bộ như tờ trình của Chính phủ và nhấn mạnh: trong thực tiễn cũng như trong xây dựng luật, nếu tư duy không thay đổi thì rất khó đòi hỏi kết quả thay đổi đột phá như kỳ vọng.