ĐBQH: Dữ liệu thống kê là "kho vàng lộ thiên", đọc xong dự thảo Luật mà... hụt hẫng

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
ANTD.VN - Nhấn mạnh "dữ liệu thống kê quốc gia là kho vàng lộ thiên", ĐBQH Hoàng Văn Cường bảy tỏ hụt hẫng khi dự thảo Luật Thống kê sửa đổi chưa khai thác được hết nguồn lực này...
ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)

ĐBQH Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội)

Chiều nay, 25/10, Quốc hội thảo luận trực tuyến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê.

Góp ý vào dự thảo Luật này, đại biểu Hoàng Văn Cường (đoàn Hà Nội), Ủy viên Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội chia sẻ: “Khi bắt đầu đọc tên về dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thống kê thì tôi rất háo hức, nhưng đọc xong thì lại rất hụt hẫng”.

Theo ông Cường, ai cũng biết số liệu thống kê là vô cùng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế số hiện nay thì lại càng quan trọng hơn. Trong tất cả các lĩnh vực, từ hoạch định chiến lược kinh doanh, phát triển kinh tế, hay trong các công tác xã hội, phòng chống dịch bệnh... đều cần có những dữ liệu, số liệu thống kê cập nhật từng ngày từng giờ.

“Trong kinh doanh, những bộ phận quản trị khách hàng, chỉ cần nắm được thông tin về khách hàng thì họ đã có thể bán được những thông tin này có các đơn vị làm tiếp thị, biến dữ liệu thành tiền. Rồi những người làm tiếp thị, bán hàng lại có thể khai thác các dữ liệu thống kê này để mang lại rất nhiều tiền cho doanh nghiệp, cá nhân...” – PGS.TS Hoàng Văn Cường dẫn chứng.

Số liệu thống kê ở thời điểm hiện nay không còn là những con số khô khan mà nó là nguồn lực, nguồn tài nguyên vô cùng quý giá, nói thẳng ra thì “dữ liệu, số liệu thống kê là tiền, cơ quan thống kê phải là cơ quan giàu nhất, kiếm ra nhiều tiền nhất vì sở hữu nguồn tài nguyên đó” – ĐB Cường nói.

Trên quan điểm đó, theo ĐB thuộc đoàn Hà Nội, việc sửa đổi Luật Thống kê lần này phải luật hóa việc kê khai, cung cấp những thông tin thống kê, cập nhật vào dữ liệu số, hình thành nên kho dữ liệu thống kê quốc gia về tất cả các vấn đề kinh tế xã hội... Đây chính là tiền đề của việc chuyển đổi số, là điều kiện tiên quyết để chuyển đổi kinh tế số.

Phải chuyển đổi từ hình thức thống kê sổ sách truyền thống trước nay sang công nghệ số cập nhật, tạo thành kho dữ liệu số. Khi làm được điều đó, bất cứ những thông tin, dữ liệu thay đổi đều có thể nhanh chóng cập nhật được vào kho dữ liệu thống kê quốc gia.

Khi đó, tất cả các cuộc điều tra, thống kê hiện nay rất tốn kém cả về thời gian lẫn kinh tế có thể sẽ không cần thiết nữa. Mặt khác, bất cứ khi nào các cơ quan thống kê đều có thể trích xuất, cung cấp được các dữ liệu thống kê, chứ không phải quy định cứng hơn 200 dữ liệu thống kê trong luật.

Trở lại với cách tiếp cận sửa Luật Thống kê lần này, ĐB Hoàng Văn Cường cho biết, luật đã nâng các chỉ tiêu cần thống kê từ 186 chỉ tiêu hiện nay lên 222 chỉ tiêu. Đây là sự dũng cảm của ngành thống kê bởi chỉ cần thêm 1 chỉ tiêu thống kê thôi thì công sức và chi phí cho nó rất nhiều. Tuy nhiên, nếu vẫn áp dụng cách làm thống kê như cũ mà chỉ thay đổi số lượng chỉ tiêu đầu ra thì rất lãng phí.

“Qua thảo luận từ chiều đến giờ, các ý kiến của các bộ ngành địa phương vẫn băn khoăn tại sao ngành mình lại không có các chỉ tiêu này”. Vì thế, phải sửa đổi một cách căn bản, không phải chỉ dừng lại ở việc thay đổi chỉ tiêu thống kê.

Ông Cường một lần nữa nhấn mạnh “dữ liệu thống kê là mỏ vàng lộ thiên, không cần gia công đào báo gì mà chỉ cần kích chuột thôi là dữ liệu thống kê có thể mang lại tiền qua giá trị mà nó cung cấp”, vì thế sửa luật lần này phải đề cập và điều chỉnh từ phương thức thu thập thông tin dữ liệu thống kê, chuyển đổi số, cập nhật số để hình thành kho dữ liệu tự động... từ đó mới góp phần hiệu quả vào phát triển nền kinh tế số.

Tin cùng chuyên mục