ĐBQH đề xuất thành lập tổng cục chuyên điều tra án tham nhũng

ANTĐ - Để “đánh” trúng tội phạm tham nhũng, đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng đã đến lúc thành lập một tổng cục điều tra về án tham nhũng, đứng đầu là một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị.

Chỉ chuyên thụ lý án điểm

Hôm nay (7-11), Quốc hội dành cả ngày thảo luận tại hội trường về công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác phòng chống tham nhũng năm 2013.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.Hồ Chí Minh) nhận xét, công tác phòng, chống tội phạm, điều tra, truy tố, xét xử trong năm 2013 thực sự có hiệu quả; đại biểu hoan nghênh lực lượng Công an các cấp đã trấn áp tội phạm và giữ vững an ninh trật tự xã hội, đặc biệt là việc sớm kết thúc điều tra 10 vụ án điểm để chuẩn bị đưa ra truy tố, xét xử. Thanh tra Chính phủ cũng đã phát hiện được rất nhiều vi phạm, hơn hẳn năm 2012, cả về số vụ, kiến nghị thu hồi và khởi tố hình sự.

Đại biểu Quốc hội đoàn TP.Hồ Chí Minh, Đỗ Văn Đương

Đại biểu Đương cho rằng, trong điều kiện kinh tế xã hội hiện nay, về phòng, chống tham nhũng không nên khoán trắng cho các cơ quan bảo vệ pháp luật.

“Có lẽ đã đến lúc cần thành lập một cơ quan điều tra độc lập, đặt ở đâu thì cần cân nhắc, nhưng sẽ như một tổng cục điều tra về án tham nhũng và chức vụ mà người đứng đầu cơ quan này sẽ là một đồng chí Ủy viên Bộ Chính trị, nằm dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và đặt ở 7 khu vực: Tây Nguyên, Tây Bắc, miền Trung, Tây Nam Bộ... độc lập với các vùng địa phương để đỡ vướng mắc khi thi hành nhiệm vụ. Về thẩm quyền, cơ quan này chỉ điều tra những vụ án đặc biệt nghiêm trọng, đối tượng phạm tội thuộc diện tỉnh ủy quản lý trở lên. Cần có bước đột phá như thế thì mới thay đổi và “đánh” tội phạm tham nhũng thành công”- Đại biểu Đỗ Văn Đương nói.

“Bắt chuột, nhưng vẫn phải giữ được mâm cỗ”

Đại biểu Chu Sơn Hà (TP.Hà Nội) đóng góp ý kiến: Tôi cho rằng trong năm qua, các cơ quan tư pháp đã nỗ lực khắc phục khó khăn, thực hiện nghiêm túc, hoàn thành và vượt nhiều chỉ tiêu mà Quốc hội đề ra, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong công tác phòng, chống vi phạm pháp luật và tội phạm. Công tác khám phá án đạt tỷ lệ cao, nhiều vụ dư luận quan tâm đã được điều tra nhanh chóng, tỷ lệ giải quyết tin báo tố giác tội phạm tăng và tốt hơn.

Tuy nhiên tình hình tội phạm năm 2013 vẫn diễn biến phức tạp, tính chất nghiêm trọng, tội phạm có xu hướng ngày càng trẻ hóa, tỷ lệ phạm tội mang tính chất gia đình ngày càng cao...Khiếu kiện trong nhân dân chưa giảm, liên quan nhiều đến thu hồi, đền bù đất đai. Nguyên nhân được ông Hà chỉ ra, đó là mặt trái của cơ chế thị trường, nền kinh tế suy thoái dẫn đến mất việc làm rồi “nhàn cư vi bất thiện”. Ông Hà cũng đề cập đến trách nhiệm bồi thường và cho rằng việc này chưa được thực hiện nghiêm, kết quả mới chỉ là những con số khiêm tốn.

“Mới đây là vụ án oan sai hy hữu trong ngành tố tụng, tòa đã tuyên án và người vô tội phải vào tù 10 năm, sau khi xét xử lại thì người bị oan sai được bồi thường là bao nhiêu? Chắc là nhiều tỷ đồng và trách nhiệm hoàn trả ra sao, hay chỉ lại là gánh nặng ngân sách? Xót xa cho người bị xử oan bao nhiêu thì cũng xót xa cho người dân phải nai lưng ra đóng thuế để rồi mang số tiền đó đi bồi thường cho những việc làm tắc trách nói trên”- đại biểu Hà nói.

Đồng quan tâm đến vụ án của ông Nguyễn Thanh Chấn ở Bắc Giang phải chịu án oan 10 năm, đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (tỉnh Lâm Đồng) phát biểu: Các ngành tư pháp đã phải quyết tâm lắm thì mới hoàn thành được chỉ tiêu Quốc hội đề ra, xin chia sẻ với các đồng chí. Trong thời gian vừa qua, xảy ra một vụ oan sai, đồng chí Viện trưởng Viện KSNDTC đã dũng cảm kháng nghị, tái thẩm để minh oan cho người oan sai. Tôi tin rằng, với việc làm trên thì nhân dân càng thêm tin yêu các đồng chí nhiều hơn, bởi vì đã làm sai thì dũng cảm nhận sai, dù việc sai này có liên quan trách nhiệm rất lớn của nhiều người mà về sau sẽ xem xét.

Về phòng, chống tham nhũng, ý kiến của đại biểu Thuyền là cần khoanh vùng các đối tượng có nguy cơ tham nhũng cao, qua đó có giải pháp phòng, chống tham nhũng tốt hơn. Ông nói: Chống tham nhũng là rất cần thiết, song bức xúc quá cũng không được, phải hết sức bình tĩnh, khôn ngoan, làm sao “bắt được chuột, nhưng vẫn giữ được mâm cỗ”.

Đại biểu Đinh Thị Mai Lan (tỉnh Cao Bằng): Thời gian vừa qua không ít sự kiện xảy ra khiến người dân hoang mang như “xử phạt phụ nữ ra đường không mặc áo ngực”, “vụ trẻ tử vong sau tiêm vác-xin”...một điểm chung thường thấy là sau khi sự việc xảy ra rất hiếm có phát ngôn chính thức từ cơ quan chức năng mà chỉ có thông tin trái chiều từ báo chí, dư luận. Hiện tượng không ai chịu trách nhiệm về thông tin đang trở thành tiền lệ xấu, cần kịp thời thay đổi. Đề nghị mọi thông tin về chính sách, pháp luật, tình hình kinh tế xã hội, tình trạng dịch bệnh, nguy cơ mất ổn định... nếu không phải là bí mật quốc gia thì cần được công bố rộng rãi và kịp thời từ cơ quan chức năng, để người dân biết và chủ động phòng tránh.