ĐBQH: Đầu tư trang thiết bị hiện đại để đưa Cảnh sát cơ động tiến thẳng lên tinh nhuệ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trao đổi về ý kiến của các ĐBQH, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm khẳng định, Cảnh sát cơ động là 1 trong 5 lực lượng của ngành công an sẽ tiến thẳng lên hiện đại, mục tiêu đến 2025.
Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 1

Quang cảnh phiên thảo luận tại Tổ 1

Phát biểu thảo luận tổ tại Quốc hội chiều 21-10, ĐB Tô Văn Tám (đoàn Kon Tum) cho rằng, việc nâng Pháp lệnh về Cảnh sát cơ động lên thành Luật Cảnh sát cơ động là cần thiết, đảm bảo đầy đủ các cơ sở về chính trị, pháp lý và thực tiễn.

Đi vào các nội dung cụ thể, ĐB Tô Văn Tám góp ý, ông rất tán thành với quan điểm xây dựng Luật này là xác định đưa lực lượng cảnh sát cơ động đi thẳng lên hiện đại. Điều này là cần thiết và có cơ sở.

“Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đã tiếp tục khẳng định mục tiêu xây dựng lực lượng quân đội nhân dân, công an nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại. Ưu tiên hiện đại hóa các lực lượng hải quân, phòng không quân, trinh sát điện tử, cảnh sát biển, cảnh sát cơ động...” – ĐB Tô Văn Tám dẫn lại.

Về các hành vi bị nghiêm cấm quy định trong dự thảo Luật Cảnh sát cơ động, ĐB Tô Văn Tám đề nghị, cần bổ sung thêm hành vi cấm nữa là cấm đe dọa, trả thù với cả người thân của cán bộ chiến sĩ cảnh sát cơ động.

Về cơ cấu tổ chức của Cảnh sát cơ động quy định tại Điều 13 dự thảo luật, ĐB Tô Văn Tám ủng hộ phương án 2, tức bổ sung quy định về cơ cấu các lực lượng thuộc Cảnh sát cơ động gồm 6 lực lượng; bao gồm 4 lực lượng cũ đã quy định tại Pháp lệnh và bổ sung 2 lực lượng (lực lượng sử dụng tàu bay, tàu thủy và lực lượng Cảnh sát cơ động dự bị chiến đấu).

Cũng qua thảo luận tổ, các ĐBQH Lê Quân – Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, ĐBQH Đinh Ngọc Minh (đoàn Cà Mau) đều tán thành về việc cần thiết ban hành Luật Cảnh sát cơ động.

Theo ĐB Lê Quân, cảnh sát cơ động là lực lượng rất quan trọng, thể hiện sự tôn nghiêm của pháp luật thông qua hoạt động răn đe, trấn áp, xử lý nghiêm tình huống thuộc về các vấn đề an ninh phi truyền thống. Vì thế, trong các lực lượng của ngành công an, cảnh sát cơ động cũng nên được ưu tiên về đầu tư trang thiết bị để tiến lên chính quy, hiện đại.

Tương tự, ĐBQH Đinh Ngọc Minh phân tích, trong dự Luật Cảnh sát cơ động viết “Nhà nước ưu tiên đầu tư trang thiết bị hiện đại, nghiên cứu ứng dụng thành tựu khoa học công nghệ cho các hoạt động của cảnh sát cơ động”, tuy nhiên chữ “ưu tiên” là chưa đủ mạnh.

ĐB Minh đề xuất, cần quy định rõ trong dự luật là “nhà nước đảm bảo đầu tư trang thiết bị hiện đại” cho cảnh sát cơ động. Chỉ có trang thiết bị hiện đại thì mới giúp lực lượng cảnh sát nhanh chóng tiến lên chính quy, hiện đại được, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, giữ an bình cho đất nước.

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại thảo luận tổ

Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm phát biểu tại thảo luận tổ

Làm rõ hơn một số ý kiến ĐBQH nêu tại phiên thảo luận tại tổ, Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an cho biết, về quy định hệ thống tổ chức của cảnh sát cơ động tại dự án Luật Cảnh sát cơ động, ban đầu Chính phủ trình ra một phương án. Trong quá trình thảo luận, có thêm Phương án 2 nên tờ trình đã đưa cả hai phương án để xin ý kiến Quốc hội.

"Chúng tôi thấy Phương án 1 là phù hợp, nguyên tắc chung là tổ chức bộ máy thì không đưa vào luật, chỉ quy định về nguyên tắc hoạt động. Vì khi thay đổi tổ chức bộ máy thì lại phải sửa luật, khiến luật có hiệu lực rất ngắn, không theo kịp tình hình của thực tiễn.

Thứ hai, phương án 1 cũng phù hợp với quy định tại Luật CAND ở Điều 19: Bộ trưởng Bộ Công an quy định chức năng nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của lực lượng trực thuộc Bộ, Công an các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Công an các quận, huyện, thị xã. Đó là thẩm quyền của Bộ trưởng và lực lượng cảnh sát cơ động cũng vậy" - Bộ trưởng Tô Lâm lý giải.

Bộ trưởng Bộ Công an cũng thông tin, trong Nghị quyết Đại hội Đảng XII của Đảng ghi xây dựng lực lượng CSCĐ "từng bước hiện đại", đến Nghị quyết Đại hội XIII và Chiến lược bảo vệ Tổ quốc thì đã xác định CSCĐ là một trong 5 lực lượng thuộc CAND tiến lên hiện đại ngay, mục tiêu đến năm 2025.

Bộ trưởng Tô Lâm cảm ơn ý kiến của ĐBQH Đinh Ngọc Minh và sẽ tiếp thu vào dự án luật, việc đầu tư trang bị, phương tiện cho CSCĐ không chỉ ưu tiên mà phải "đảm bảo".