ĐBQH chất vấn về tình trạng mạo danh Zalo, Facebook của người khác để lừa đảo

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Chất vấn Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) hỏi, vừa qua có tình trạng mạo danh Zalo, Facebook của người khác để lừa đảo chuyển tiền qua tài khoản. Với chức năng quản lý Nhà nước, đề nghị Thống đốc nêu rõ biện pháp để hạn chế các hành vi này?

Nhiều người không vay nợ nhưng vẫn bị gọi điện quấy rối

Theo Đại biểu Nguyễn Văn Thịnh, có ý kiến cho rằng tình trạng trên xuất phát từ công tác quản lý tài khoản tại ngân hàng thương mại chưa chặt chẽ, dẫn đến tình trạng hiện nay nền kinh tế có rất nhiều tài khoản tại các ngân hàng thương mại mà người đang sử dụng không phải chủ tài khoản khiến cơ quan chức năng khó khăn trong việc quy trách nhiệm khi có hành vi vi phạm pháp luật, tạo điều kiện thuận lợi cho hành vi lừa đảo phạm pháp nảy sinh.

Bên cạnh đó, còn có hiện tượng nhiều người dân không vay nợ nhưng bị gọi điện quấy rối, xúc phạm, bôi nhọ, đe dọa do có tên, số điện thoại trong danh bạ điện thoại của người vay tiền qua các ứng dụng vay online hoặc vay trực tiếp của các công ty tài chính khi người vay không trả nợ đúng hạn.

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) đặt câu hỏi

Đại biểu Phạm Văn Thịnh (đoàn Bắc Giang) đặt câu hỏi

Trả lời câu hỏi liên quan đến quản lý tài khoản ngân hàng trước thực trạng lừa đảo với những người có tiền trong tài khoản thời gian qua, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, khuôn khổ pháp lý về mở tài khoản ngân hàng đã ban hành đầy đủ, chi tiết.

Cùng với sự phát triển của công nghệ cao, Ngân hàng Nhà nước cũng đã tạo tiền đề để chuyển sang hoạt động ngân hàng số. Theo đó, trong tương lai cho phép mở tài khoản qua phương tiện điện tử và xác thực qua điện tử. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết thêm, trên thực tế đối với các cá nhân khi mở tài khoản thì đều phải xác thực định danh của mình. Mở tài khoản điện tử cũng phải chứng minh nhân dân và căn cước.

Tuy nhiên, thời gian vừa qua cũng có những hiện tượng lừa đảo, lừa đảo ở trên mạng để lấy những thông tin của chủ tài khoản và trên cơ sở vào những hoạt động của Internet Banking để lấy cắp thông tin và lấy trộm tiền của tài khoản….

Về vấn đề này Ngân hàng Nhà nước sẽ phối hợp với các bộ, cơ quan chức năng để xác minh, để có những thông tin và đặc biệt là có giải pháp để cảnh báo đối với người dân về những hiện tượng này để người dân có tiền trong tài khoản lưu ý, cảnh giác - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh.

Liên quan đến việc đòi nợ của các công ty tài chính, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước nêu rõ, trên cơ sở phản ánh của dư luận, Ngân hàng Nhà nước đã rà soát và thấy được cần phải sửa đổi các văn bản quy định pháp luật, trong đó có Thông tư của Ngân hàng Nhà nước về cho vay của các công ty tài chính.

Đề nghị làm rõ hành lang pháp lý đối với việc cho vay qua app

Cùng tham gia chất vấn, Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) nêu vấn đề, hiện nay người dân dễ dàng tiếp cận một loại hình vay khá phổ biến gọi là vay qua trang Web hoặc vay App mà ngân hàng gọi là cho vay ngang hàng (P2P Lending). Đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết hành lang pháp lý của hoạt động và quản lý việc cho vay ngân hàng ngang hàng mà người dân chỉ biết đến và gọi chung là vay qua App vì thời gian vừa qua CATP Hà Nội đã khám phá án một vụ án vay qua App lên đến hơn 5.000 tỷ đồng, gây thiệt hại lớn cho nhân dân.

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) chất vấn

Đại biểu Phạm Thị Thanh Mai (đoàn Hà Nội) chất vấn

Về nội dung này, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Thị Hồng cho biết, với sự phát triển mạnh mẽ của công nghệ thông tin đã cho ra đời nhiều sản phẩm, dịch vụ mới; trong đó, có ứng dụng cho hoạt động vay ngang hàng. Tuy nhiên việc thiếu một hành lang pháp lý cho hoạt động này đã gây ra nhiều vấn đề.

Về lý thuyết, hoạt động P2P Lending có thể góp phần hỗ trợ phổ cập tài chính, mở rộng khả năng và tạo thêm kênh tiếp cận nguồn lực tài chính, cách thức cho vay đối với nền kinh tế nhất là đối với các đối tượng yếu thế trong xã hội. Tuy nhiên trên thực tiễn, hoạt động P2P Lending tiềm ẩn nhiều rủi ro có thể tác động bất lợi, bất ổn đến an sinh xã hội.

“Ngân hàng nhà nước đang xây dựng dự thảo Nghị định để kiểm soát vấn đề này. Trong thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành để khẩn trương xây dựng, hoàn thiện và ban hành khung pháp lý bao gồm cả các biện pháp chế tài để xử lý các vi phạm trong lĩnh vực này” - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cung cấp thông tin.