ĐBQH Bùi Văn Xuyền: Xem xét lại vụ án 2 thanh niên cướp bánh mì là cần thiết

ANTĐ - Những ngày qua, vụ án Ôn Thành Tân (17 tuổi, ở quận 9, TP HCM) và Nguyễn Hoàng Tuấn (17 tuổi, ở huyện Củ Chi, TP HCM) cướp bánh mỳ (tổng giá trị chỉ 45.000 đồng), bị TAND quận Thủ Đức (TP.HCM) tuyên phạt mức án 8-10 tháng tù về tội Cướp giật tài sản được dư luận rất quan tâm vì cho rằng mức án tuyên này là quá nặng.

Bên hành lang Quốc hội sáng nay, 27-7, ĐBQH Bùi Văn Xuyền, Ủy viên Thường trực Uỷ ban Pháp luật của Quốc hội đã trao đổi với báo chí về vụ án này.

 ĐBQH Bùi Văn Xuyền trả lời báo chí bên hành lang Quốc hội sáng 27-7

Bên lề Quốc hội, trả lời câu hỏi "Chánh án TANDTC Nguyễn Hoà Bình đã chỉ đạo xem xét lại vụ án này sau khi sơ thẩm, cho rằng mức án quá nặng; ông đánh giá thế nào về chỉ đạo của Chánh án TANDTC và mức án vừa tuyên với 2 thanh niên cướp bánh mì?", ĐBQH Bùi Văn Xuyền cho rằng, việc xét xử từng vụ án cụ thể thì phải có hồ sơ, căn cứ vào hồ sơ, quá trình tố tụng, đặc biệt là quá trình xét hỏi, đánh giá toàn bộ mức độ hành vi để lượng hình đúng quy định luật pháp.

ĐBQH Bùi Văn Xuyền nói: "Tôi chưa có điều kiện xem xét cụ thể vụ án 2 thanh niên cướp bánh mì ở TP HCM kể trên nhưng cũng nghe nhiều dư luận ồn ào rằng vụ này bị xử nặng. Cần phải nói rằng, mức phạt nặng hay nhẹ thì phải căn cứ vào tình hình thực tiễn và cụ thể của vụ án này. Mình chỉ nghe bên ngoài cướp bánh mì, số tiền từ tài sản ăn cướp là 45.000 đồng để nói rằng xử nặng nhưng cần phải xem xét cụ thể hơn về từng tình tiết cụ thể, hồ sơ cơ quan đến vụ án điều tra thu thập được, diễn biến quá trình xét xử nữa, thẩm phán căn cứ vào tất cả để đưa ra mức án.

Nói trong vụ này mức án nặng hay nhẹ tôi chưa thể khẳng định được nhưng khi có dư luận như vậy mà Chánh án TANDTC có chỉ đạo xem xét lại vụ án ngay, như thế tôi cho là kịp thời. Kể cả không có dư luận mà thấy việc xét xử vụ án có vấn đề thì cũng cần chỉ đạo xem xét lại.

Tuỳ điều kiện, hoàn cảnh xảy ra vụ án và tình hình địa phương mà có ý kiến khác nhau về mức án nhưng trên tất cả là xét xử đúng người đúng tội, đúng pháp luật, công minh, để bị cáo tâm phục khẩu phục, có vậy mới vừa đảm bảo tính răn đe vừa đảm bảo tính giáo dục của pháp luật".