Dạy yêu thương để chống bạo lực học đường

ANTD.VN - “Sống để yêu thương” là chủ đề mà thầy trò trường phổ thông liên cấp Pascal đang thực hiện trong một dự án kéo dài 6 năm nhằm đem lại cho học sinh những nhận thức sâu sắc về giá trị của tình yêu thương, từ đó biết sống có trách nhiệm với gia đình và cộng đồng. Sau những vụ bạo lực học đường, các hoạt động ngoại khóa để rèn đạo đức, trang bị kỹ năng sống đang được các trường ở Hà Nội đẩy mạnh.

Trải nghiệm thực tế để tự thấu hiểu 

Ngày 27-10, tại Trung tâm bảo trợ xã hội số 4 Hà Nội, chương trình hoạt động ngoại khóa của học sinh trường THCS Pascal với chủ đề “Sống để yêu thương” đã thực sự đem lại những kỷ niệm khó quên đối với không chỉ các em học sinh mà cả các bậc phụ huynh, thầy cô và hơn hết là hàng trăm người già, trẻ em cơ nhỡ sống tại Trung tâm này. Hơn 300 suất ăn được nhà trường, phụ huynh phối hợp chuẩn bị và do chính tay các học sinh này đem đến chia sẻ với những con người có hoàn cảnh khó khăn.

“Chúng tôi đã có một bữa ăn thực sự ngon miệng, lại còn được nhận những món quà rất thiết thực nữa”, ông Nguyễn Văn Đức, đại diện cho người già, trẻ em ở đây chia sẻ. Tuy nhiên, người nhận được nhiều nhiềm vui ở đây không chỉ là 300 đối tượng bảo trợ tại Trung tâm này. Chính các em học sinh mới nhận được nhiều nhất giá trị tinh thần từ sự chia sẻ, cảm thông của cá nhân các em và chính từ sự đón nhận chân thành của các nhân viên, đối tượng tại Trung tâm này.

Cô Nguyễn Vĩnh Hà, Trợ lý Hiệu trưởng trường THCS Pascal, người lập dự án này cho biết, đây là dự án “Sống & Viết” mùa thứ hai của nhà trường dựa trên tích hợp liên môn: Ngữ văn - Lịch sử - Giáo dục công dân - Âm nhạc nằm ngoài chương trình chính khóa nhằm mang đến cho học sinh giá trị sống căn bản, bồi dưỡng tâm hồn, nhân cách cho học sinh, dạy các em biết sống yêu thương, có lòng vị tha, nhân ái, biết quan tâm tới mọi người xung quanh...

Không chỉ vậy, với việc tự mình xây dựng các bản thuyết trình về tác phẩm văn học “Chiếc lá cuối cùng” và trích đoạn “Những đứa trẻ” trong chương trình ngữ văn THCS, các em học sinh đã có dịp gắn với thực tế để hiểu thế nào là chia sẻ, là yêu thương.

Cùng với đó, các vấn đề xã hội như tình trạng trẻ em trên thế giới hay quan điểm đúng sai về hoạt động thiện nguyện đều được các nhóm học sinh lần lượt trao đổi, phân tích, mổ xẻ với các quan điểm cá nhân của mình đã giúp học sinh được rèn luyện các kỹ năng “mềm”.

Trang bị giá trị sống là quan trọng

Có thể thấy, hiện nay nhiều nhà trường đang ngày càng quan tâm tới việc trang bị cho học sinh những giá trị cốt lõi về lối sống, nhân cách, bên cạnh việc học tập, thi cử. Ông Lê Hồng Vũ, Trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ, Hà Nội cho biết, các trường tiểu học trong quận vừa hoàn thành hội thi chuyên đề hoạt động ngoài giờ chính khoá cấp tiểu học. Đây là các hoạt động giáo dục đòi hỏi sự đầu tư nội dung, hình thức, tổ chức giúp học sinh đa dạng hóa cách tiếp thu, vận dụng, tiếp nối nội dung học kiến thức trên lớp.

“Các em được bổ sung các kỹ năng sống, kỹ năng phát triển giá trị, kiểm soát cảm xúc, giao tiếp… Không chỉ có các hội thi, chúng tôi yêu cầu các trường đầu tư xây dựng hoạt động phù hợp điều kiện mỗi nơi, xuyên suốt  năm học và trong kỳ nghỉ hè để tạo cho học sinh các kỹ năng sống với những giá trị nhân văn cốt lõi”, bà Trần Thị Hương, Phó trưởng phòng GD-ĐT quận Tây Hồ cho biết.

Có thể thấy, việc xây dựng giá trị nhân văn, rèn luyện đạo đức, lối sống cho học sinh hơn bao giờ hết đang cần được tập trung, chú trọng nhiều hơn. Tuy nhiên, không phải trường nào cũng thực sự dành mối quan tâm tương xứng đối với vấn đề này. Áp lực về tiêu chí thi đua cùng việc duy trì “thương hiệu” qua các giải thưởng quốc gia, quốc tế, hay tỷ lệ, số lượng học sinh đỗ ĐH, đỗ THPT công lập cao… khiến các thầy cô và học trò gần như quá tải.

Đấy là chưa kể sức ép từ chính các bậc phụ huynh khi muốn cho con mình một suất vào các trường nổi tiếng nên gần như không còn thời gian để các con trải nghiệm, tự cảm nhận, tự lắng đọng từ những kiến thức trên lớp. Và “quả đắng” mà phụ huynh nói riêng và xã hội nói chung nhận lại được chính là những hành vi vô cảm, ác độc với chính bạn bè, học trò, thầy cô đang diễn ra ngày càng nhiều trong môi trường sư phạm.