Đầy vơi

ANTĐ - Ở tuổi tôi ông giời cho sống thêm ngày nào là hay ngày ấy. Nghĩ cho cùng cái vui cái buồn một kiếp thế cũng là quá đủ. Nhiều chuyện tưởng động trời vậy mà đến tai lại thấy chưa lấy gì làm lạ. Cái có thể thấy hình như thấy cả rồi, cái không thể thì mong làm gì cho thêm buồn. Một ông nhà văn Pháp đã thốt lên, không có gì chóng cũ bằng chính cái mới. 

Người đã bảy mươi sống theo mình, thấy thế nào là phải thì cứ thế mà làm. Thời gian đi như bóng câu qua cửa, xuân thu đắp đổi ngoài sông nước trôi, ngoảnh đi ngoảnh lại chóng vánh đời người... Nếu còn gì phải lo nghĩ chính là lo nghĩ về một hướng đi cho đám con trẻ. Tưởng vậy chứ cũng nặng nề lắm, nhiều lúc nó đặt ta vào một tình thế lưỡng nan, lương thiện hay thiếu lương thiện. Đừng tưởng lương thiện là chuyện dễ làm, nhiều khi thiếu lương thiện lại an toàn hơn.

Lúc làm Di chúc Bác Hồ có lấy một câu của thi hào Đỗ Phủ, nhân sinh thất thập cổ lai hy. Muôn vàn cái đáng trích dẫn sao Người lại tìm câu này, vậy ở đây ý tứ là sao? Ta thường dặn nhau phải học Bác, nhưng việc tìm cho đến ngọn nguồn câu này xem thử Bác có còn định dặn gì ta thì hình như chưa phải ai cũng đã có dịp làm. Ông Đỗ Phủ có ba bài Giang đầu, câu thơ Bác chọn nằm ở Giang đầu một. Ngày nào cũng thế, hồi triều là ôm áo tìm ra đầu sông gán rượu, uống cho tận say mới về, nợ rượu chuyện vặt đâu chả có, chỉ tuổi bảy mươi của con người ta là hiếm xưa nay, kìa chuồn chuồn đang đạp nước, bươm bướm đang luồn hoa, nghĩ thấu lẽ đời lại lấy làm vui, hà cớ gì phải chạy theo cái danh hão cho bẩn tấm thân. Cái ý tứ sâu xa là nằm ở hai câu kết. Nguyên văn thế này, Tế suy vật lý tu hành lạc, hà dụng phù danh bạn thử thân.

Dạo này tự dưng ít muốn ra ngoài, thích ngồi nhà để nhớ lại, để chiêm nghiệm như người ta vẫn thường nói. Loanh quanh tu sửa những gì đã viết, đọc thiên hạ chẳng được là bao, âu cũng là cách thu vén sớm, đợi một ngày chào anh em lên đường.

Thằng con tôi nó nói, Nhà nước trao tặng ông đủ thứ giải thưởng, thế là có ý đề nghị ông lùi vào tuyến sau nghỉ ngơi, những gì chưa làm nổi để con cháu chúng nó lo, mình nên chắp tay sau đít đi đi lại lại, thấy trống trải thì vòng ra đường làm một cuốc xe ôm nhìn thiên hạ sống ra làm sao. Dấu hiệu của một tài năng còn là ở chỗ biết đến lúc nào thì nên dừng bút. Phàm cái gì đã làm mãi mà vẫn không thành, biết không thành mà vẫn cứ làm mãi đấy là đã sa vào một thảm cảnh.

Tôi quát, thằng này ăn nói phải ý tứ, còn mấy trang trong mớ bài Đầy vơi năm tháng nữa là tao ung dung rồi. Lúc ấy tha hồ chơi thơ chơi họa. Về già con người ta có quyền lẫn, quên những gì mình từng làm, chả nhớ mình là ai, cái thú nhất là được làm một anh thi sĩ nghiệp dư, một anh họa sĩ nghiệp dư, hay dở không bàn, xem sự nổi tiếng ở đời như bong bóng trên mặt sân vôi ngày mưa.

Ngày lại ngày tôi lặng lẽ lội vào ngôi đền kia nhặt những câu thơ ai bỏ quên, những câu thơ phảng phất buồn trong góc khuất vẫn tự mình tỏa sáng. Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa. Áo bào thay chiếu anh về đất. Cỏ mềm thơm mãi dấu chân em. Vạc chút bờ cong cua mất quê rau đay làm lẽ buổi anh về... Hình như lẫn trong buồn ta dễ tìm thấy sự sang trọng.