Dạy và học trực tuyến thời Covid-19: Từ ứng phó khủng hoảng đến chiến lược giáo dục

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - 80% học sinh, sinh viên cả nước đã được học trực tuyến thay vì phải nghỉ học hoàn toàn trong giai đoạn giãn cách xã hội. Đây được coi là bước đi tạo ra đột biến trong chuyển đổi số của ngành Giáo dục. Ưu tiên cấp bách với giáo dục hiện nay là đổi mới thông qua chuyển đổi kỹ thuật số nhằm giảm thiểu tình trạng bị gián đoạn giáo dục trong tương lai.
80% học sinh, sinh viên cả nước đã được học trực tuyến thay vì phải nghỉ học hoàn toàn trong giai đoạn giãn cách xã hội

80% học sinh, sinh viên cả nước đã được học trực tuyến thay vì phải nghỉ học hoàn toàn trong giai đoạn giãn cách xã hội

Phát triển mạnh học trực tuyến

Có thể nói, đại dịch Covid-19 đã làm thay đổi hành vi của học sinh và phụ huynh trong nước cũng như thế giới. Đặc biệt, xu hướng sử dụng công nghệ, cụ thể là các nền tảng trực tuyến trong môi trường giáo dục tăng lên đáng kể. Ngành công nghệ giáo dục có sự phát triển vượt bậc và nhu cầu cho các giải pháp học trực tuyến cũng tăng vọt.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (TT-TT) Nguyễn Mạnh Hùng thông tin, dịch Covid-19 vừa qua, Việt Nam có tới gần 80% học sinh, sinh viên học trực tuyến, tỷ lệ này cao hơn mức trung bình của các nước thành viên OECD (Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế) là 67,15%. Điều này cho thấy cơ hội thúc đẩy chuyển đổi số trong giáo dục là rất lớn. Đây chính là cơ hội để ngành Giáo dục vươn lên đi đầu về chuyển đổi số.

Tại Diễn đàn Giáo dục và triển lãm học đường 4.0 diễn ra vào tháng 11-2020, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam đưa ra dự báo, trong vòng 10 năm tới, 50% sinh viên sẽ tham gia học trực tuyến. Con số này hoàn toàn khả thi khi chuyển đổi số đang phát triển mạnh mẽ, nhất là trong giai đoạn vừa qua, Việt Nam được xếp thứ 17/200 quốc gia kịp thời ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) ứng phó với đại dịch Covid-19. “Giai đoạn Covid-19 vừa qua là thời điểm tất cả lĩnh vực được thử nghiệm thích ứng với CNTT. Trong thời gian đó, 80% học sinh-sinh viên tham gia học trực tuyến. Đó là bài học để tất cả các lĩnh vực vượt qua ngưỡng của sự do dự khi ứng dụng CNTT” - ông Vũ Hoàng Liên nhấn mạnh.

Để tiếp nối những bước đi đầu tiên nói trên, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng đề xuất, Bộ GD-ĐT nên cân nhắc thay đổi một số quy định, để chính thức hóa tỷ lệ học trực tuyến, thí dụ ở mức 15-30% ngay cả khi không còn Covid-19. Bởi, học trực tuyến sẽ thúc đẩy nhanh chóng kỹ năng số của cả giáo viên, học sinh, cũng như thu hẹp khoảng cách chuyển đổi số giáo dục đào tạo giữa thành phố với vùng sâu vùng xa.

Thay đổi cách dạy học truyền thống

Những thay đổi mới mẻ đến từ học trực tuyến và chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đã được chứng minh. Trường THCS và THPT Nguyễn Tất Thành (Hà Nội) được nhắc đến nhiều vì là cơ sở giáo dục phổ thông đầu tiên trên cả nước dạy học trực tuyến thành công theo thời khóa biểu trong suốt mùa dịch. Cô giáo Nguyễn Thị Thu Anh, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Trước kia các bài giảng được soạn trên phần mềm powerpoint. Nhưng để dạy online, bài giảng cần chi tiết hơn rất nhiều. Chúng tôi phải chọn để điều chỉnh lại nội dung dạy sao cho học sinh dễ nắm bắt, dễ thực hành. Bài giảng cũng không thể dàn trải, mà phải tìm điểm nhấn để học sinh chú ý”.

Lãnh đạo Sở GD-ĐT TP.HCM khẳng định, chuyển đổi số ngay từ cấp học đầu tiên, đặc biệt là khối phổ thông sẽ giúp nhà trường tối ưu hóa công tác quản lý, giáo án điện tử, học bạ điện tử, sổ liên lạc điện tử, sổ chủ nhiệm… đồng thời trang bị nhiều kỹ năng số cần thiết cho học sinh khi chuyển sang môi trường đại học và làm việc chuyên nghiệp.

Ở bậc đại học, hệ thống giáo dục trực tuyến phục vụ đào tạo sinh viên từ xa qua mạng và sinh viên chính quy đang được các trường triển khai tích cực. Nhiều trường đang hướng tới đưa mọi hoạt động trong quy trình giảng dạy đều được xây dựng trên môi trường điện tử, trong đó có cả các hoạt động hỗ trợ sinh viên, các hoạt động thương mại trong trường học như dịch vụ về cơ sở hạ tầng, mua sắm trang thiết bị, phát triển các dịch vụ chuyển giao công nghệ cũng được thực hiện theo mô hình số hóa…

Trong quá trình chuyển đổi, vai trò của giáo viên vô cùng quan trọng. Tiến sĩ, Nhà giáo ưu tú Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội đồng quản trị trường THPT Đinh Tiên Hoàng cho rằng, ngày nay, giáo viên không còn độc quyền truyền đạt kiến thức cho học sinh. Giáo viên chỉ là một trong những kênh để cung cấp tri thức cho người học. Tiến sĩ Trương Đình Thăng - Hiệu trưởng trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị chia sẻ: “Đôi khi, tôi cảm thấy mình bị đứng lại đằng sau. Lượng kiến thức trong thời đại công nghệ thông tin quá lớn. Học trò bây giờ rất giỏi, có thể nói tới những điều mà người thầy không biết chứ không phải chờ thầy nói thì trò mới được mở mang. Học trò có thể học bất cứ ở nơi nào, bất cứ nơi đâu trong thời đại công nghệ số. Vì vậy, thầy giỏi bây giờ là người hướng dẫn và truyền động lực, đam mê cho học sinh chứ không chỉ là truyền dạy kiến thức”.

Hướng tới mạng xã hội học tập

Bàn về chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục, Tiến sĩ Tô Hồng Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin (Bộ GD-ĐT) cho biết, chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục sẽ lấy người học làm trung tâm. Giảm áp lực truyền thụ kiến thức và tập trung hướng đến dạy kỹ năng, năng lực tự học cho người học. “Hầu hết kiến thức đều có trên Internet. Vấn đề của người thầy bây giờ phải là truyền cảm hứng cho học sinh, hướng dẫn học sinh, phát huy khả năng tự học của học sinh… Từ đó hình thành xã hội học tập. Đây sẽ là bước phát triển lớn của giáo dục và giải phóng cho người thầy” - ông Tô Hồng Nam cho biết và khẳng định, chuyển đổi số trong giáo dục không đơn giản là copy một bài giảng, quay một video đưa lên mạng. Đây chỉ là bước đầu tiên trong 3 bước: Số hóa tài liệu, số hóa quy trình nghiệp vụ và số hóa cả một tổ chức, tạo ra giá trị - mô hình mới.

Khi chuyển đổi số trong giáo dục chuyển sang bước thứ ba, sẽ hình thành những trường đại học ảo. Không còn khái niệm trường, không còn khái niệm về lớp truyền thống. Thầy cũng “ảo”, học sinh cũng ở khắp nơi và đây là mô hình dạy học mới mà chỉ có chuyển đổi số mới làm được điều đó.

“Chúng tôi sẽ triển khai một mạng xã hội về giáo dục. Tại đó, tất cả thông tin đưa lên đều phải được định danh. Không giống như Facebook, ở đó, sẽ có sự kết nối giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Có sự kiểm soát định hướng, tránh việc dùng mạng tràn lan như hiện nay”- Tiến sĩ Tô Hồng Nam nhận định và cũng nêu ra những khó khăn cần khắc phục như hạ tầng mạng, trang thiết bị CNTT (máy tính, camera, máy in, máy quét), đường truyền, dịch vụ Internet cho nhà trường, giáo viên, học sinh… Bên cạnh đó, vẫn thiếu hành lang pháp lý chung phù hợp với các quy định về bản quyền tác giả, sở hữu trí tuệ, an ninh thông tin, giao dịch điện tử và luật chia sẻ cung cấp thông tin khi thu thập, chia sẻ, khai thác dữ liệu quản lý giáo dục và học liệu số.

“Chỉ khi các nút thắt này được tháo gỡ, mới thúc đẩy phát triển được hệ thống dữ liệu số, học liệu số đủ lớn, đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số quốc gia nói chung và giáo dục đào tạo nói riêng” - Tiến sĩ Tô Hồng Nam nêu quan điểm.