Dạy trẻ học chữ theo phong cách mới

ANTĐ - Học chữ bằng cách tìm hiểu các quan hệ logic - ngữ nghĩa chứ không phải là học thuộc máy móc theo kiểu truyền thống, đó là cách mà tác giả Phạm Văn Lam đưa ra trong bộ sách Phát triển năng lực tư duy-ngôn ngữ (dành cho học sinh tiểu học) vừa được ấn hành.

Bộ sách Phát triển năng lực tư duy-ngôn ngữ (dành cho học sinh tiểu học) gồm 16 tập, trong đó 12 tập đã được xuất bản và 4 tập nữa đang trong quá trình hoàn thiện, là kết quả nhiều năm trăn trở về tình hình dạy và học môn tiếng Việt của các phụ huynh và học sinh tiểu học của tác giả Phạm Văn Lam, một nhà Việt ngữ học và các cộng sự.

Bộ sách tham khảo tiếng Việt được viết theo một phong cách hoàn toàn mới. Nội dung trong bộ sách được sắp xếp theo thứ tự từ dễ đến khó, từ phát triển tư duy logic đến tư duy hình tượng, từ phát triển tư duy ở bậc khái niệm cho đến tư duy ở bậc mệnh đề, suy luận và lập luận, từ phát triển năng lực từ ngữ cho đến phát triển năng lực sản sinh câu và văn bản…

Có được những điều này là do bộ sách được xây dựng không chỉ trên các kết quả nghiên cứu mới nhất về tiếng Việt mà còn dựa trên các kết quả nghiên cứu của các ngành khoa học khác liên quan đến sự phát triển tư duy và ngôn ngữ của con người như Giáo dục học, Tâm lí học, Logic học, Phân loại học, v.v.

Đây cũng là bộ sách ứng dụng đầu tiên ở Việt Nam được biên soạn dựa trên những kết quả nghiên cứu mới nhất về trí nhớ nghĩa của con người được đúc rút từ Ngôn ngữ học tâm lí, Ngôn ngữ học bệnh học, thụ đắc ngôn ngữ, giáo dục ngôn ngữ, Phân loại học, lí thuyết khoa học về Mạng từ, Ngữ nghĩa học quan hệ,…

Thêm vào đó, không giống như các bộ sách dạy và học tiếng Việt khác, bộ sách này được biên soạn theo phương pháp giáo dục định hướng năng lực cho học sinh.

Với bộ sách này, năng lực ngôn ngữ và kèm theo đó là năng lực tư duy của các em học sinh sẽ được phát triển một cách hoàn toàn tự nhiên thông qua việc học và tìm hiểu các quan hệ logic-ngữ nghĩa chủ yếu giữa các đơn vị từ vựng trong tiếng Việt chứ không phải là học thuộc một cách máy móc.

Bài tập về mối quan hệ nhân quả

Chẳng hạn, quan hệ nhân quả là một quan hệ logic-ngữ nghĩa rất phổ biến trong tư duy-ngôn ngữ nói chung cũng như trong tiếng Việt nói riêng. Ví dụ như “xé” thì sẽ “rách”, “bóp” thì sẽ “méo”, “bẻ” thì sẽ “gãy”, “cắt” thì sẽ “đứt"...

Nắm được quy luật này, người học dễ dàng tạo được các kết hợp từ đúng như: “xé rách”, “bóp méo”, “bẻ gãy”, “cắt đứt”, v.v. Nắm được quy luật này, các em học sinh sẽ không thể tạo ra các kết hợp sai như “xé vỡ”, “bóp tròn”, “bẻ thủng”, “cắt nhừ”

Thêm vào đó, người học không phải chỉ tạo ra một số các cụm từ mà có thể tạo ra rất nhiều các cụm từ khác nhau chỉ với một số vốn từ ít ỏi ban đầu.

Bài tập về mối quan hệ thuộc tính

Hay quan hệ thuộc tính cũng là quan hệ phổ biến trong ngôn ngữ. Quan hệ này hiện thực hoá quan điểm bất cứ sự vật, hiện tượng,... trong cuộc sống nào cũng có đặc điểm hay tính chất nào đó đặc trưng cho mình.

Đặc điểm hay tính chất này được gọi là thuộc tính của sự vật. Ví dụ, “đen” là thuộc tính của “bảng”; “trắng” là thuộc tính của “phấn”; “cao” là thuộc tính của “tháp”; “dài”, “ngắn” là thuộc tính của “độ dài/ trường độ”; “cao”, thấp” là thuộc tính của “mức độ”

 Trong ngôn ngữ, thuộc tính thường được biểu hiện bằng tính từ-yếu tố có tác dụng miêu tả cho thực thể được biểu hiện bằng danh từ. Do vậy, ta dễ dàng có các kết hợp từ như: bảng đen, phấn trắng, chó sủa, gà gáy, tháp cao, trường độ dài, trường độ ngắn, v.v.

Dạy trẻ học chữ theo phong cách mới ảnh 4

Một bài tập về tạo câu đồng nghĩa trong tiếng Việt

Ngoài hai quan hệ logic-ngữ nghĩa trên, bộ sách này còn giới thiệu nhiều quan hệ logic - ngôn ngữ phổ biến khác như: quan hệ bao thuộc (hoa-hoa hồng-hoa hồng bạch), quan hệ tổng phân (cây-cành-lá), quan hệ trái nghĩa (to-nhỏ), quan hệ đồng nghĩa (đen-thâm-mun-mực-ô), quan hệ suy ra (giáo viên dạy học-học sinh học bài)...

Tuy nhiên, các quan hệ logic-ngữ nghĩa trên cũng như nhiều lí thuyết về tiếng Việt khác không được trình bày một cách khô cứng, giáo điều mà được tổ chức thành những bài tập hay hoạt động vui chơi dí dỏm do vậy các em nhỏ sẽ thấy thú vị khi học.

Các vấn đề của tiếng Việt được khơi gợi, dẫn dắt từ những điều hiện thực trong cuộc sống thường ngày thông qua câu chuyện của ba nhân vật là hai anh em Cả Tít, Út Tèo và cô bé hàng xóm Ba Nhỡ.

Một số trang sách

Điểm nổi bật nữa của bộ sách là các lí thuyết được trình bày theo đúng trình tự phát triển tự nhiên của tư duy cũng như của ngôn ngữ.

Với bộ sách này các thao tác tư duy quan trọng như phân tích, quy loại, định vị, trừu tượng hoá, khái quát hoá, so sánh, v.v. đều được phát triển. Nhờ ưu điểm này mà phụ huynh học sinh dễ dàng kèm cặp con cái học môn tiếng Việt và các em học sinh cũng dễ dàng tiếp thu các kiến thức trình bày trong bộ sách.

Ngoài ra, bộ sách còn giúp các em học sinh không tiếp thu các kĩ năng phát triển ngôn ngữ như tạo từ, tạo câu, tạo văn bản một cách thụ động, máy móc mà tiếp thu một cách chủ động, tự nhiên nên các kiến thức các em thu nhận được sẽ tồn tại mãi mãi với các em.

Thêm vào đó, đây là bộ sách tham khảo dành cho học sinh tiểu học cho nên các bạn nhỏ dễ dàng tìm thấy các chủ đề, các từ ngữ mà các bạn đã học trong nhà trường.

Các từ ngữ trong bộ sách đều là những từ ngữ diễn đạt những sự vật, hiện tượng, v.v. xảy ra hàng ngày trong cuộc sống hiện thực của các em nên các em dễ hiểu, dễ nhớ cũng như dễ dàng phát triển vốn ngôn ngữ của mình. Với cách tổ chức của bộ sách này các bạn nhỏ sẽ học từ ngữ một cách tự nhiên và từ đó mở rộng vốn ngôn ngữ của mình một cách cũng hết sức tự nhiên.

Cùng với bộ sách này, người học tiếng Việt sẽ được tiếp cận với bản đồ tư duy-ngôn ngữ. Đó là một mạng lưới các đơn vị từ vựng được nối kết với nhau một cách hệ thống theo các nguyên tắc có lí do của ngôn ngữ, tâm lí và tư duy con người. Mỗi đơn vị từ vựng có thể được tiếp cận theo nhiều hướng khác nhau.

Chẳng hạn với đơn vị từ vựng “hoa”, nếu tiếp cận theo hướng quy loại, ta sẽ có hoa là một loại thực vật, hoa là một loại vật trang trí, v.v.; nếu tiếp cận theo hướng phân loại, “hoa” bao gồm hoa hồng, hoa lan, hoa huệ…. và hoa hồng thì có hoa hồng nhung, hoa hồng bạch, v.v.; theo hướng cấu tạo thì hoa gồm có đài hoa, cánh hoa, nhuỵ hoa, v.v.,…; theo hướng thuộc tính thì hoa có mùi thơm, có màu sắc sặc sỡ,…; theo hướng chức năng, công dụng thì hoa dùng để trang trí,…

Mỗi từ ngữ trong bộ sách sẽ được nhìn nhận như một phần tử ở trong hệ thống vốn có các giá trị riêng của mình, những giá trị này của từ được xác lập bởi mối liên hệ hay nói đúng hơn là sự tương phản có tính chất hệ thống với các từ khác.

Chính vì vậy, khi tiếp xúc với một từ ngữ nào đó, học sinh sẽ có một bức tranh toàn cảnh về sự liên kết về mặt ngôn ngữ và tâm lí, tư duy giữa các từ, nghĩ đến từ này sẽ liên tưởng đến các từ khác một cách mặc định và tự nhiên chứ không phải học từ mới, học ngữ pháp mới theo kiểu học thuộc máy móc. Với cách học tập và rèn luyện này, bộ sách đã đánh thức, kích hoạt và phát triển được tiềm năng ngôn ngữ - tư duy sẵn có trong trí não các em một cách tự nhiên và hệ thống.

Tóm lại, nhờ phương pháp biên soạn khoa học, bộ sách Phát triển năng lực tư duy-ngôn ngữ (dành cho học sinh tiểu học) của tác giả Phạm Văn Lam, không chỉ trang bị cho học sinh một phương pháp tư duy mới mà còn khơi dậy và phát triển tiềm năng tư duy và ngôn ngữ tồn tại sẵn trong chính các em.