Dạy trẻ học bơi: Chất lượng… thả nổi: Những nguy cơ chết người

ANTĐ - Bơi lội vốn được nhiều người yêu thích. Do đó, trong những ngày hè nóng nực, bể bơi là điểm đến vô cùng hấp dẫn và lý tưởng. Tuy vậy, nếu không thận trọng, nơi đây còn là địa điểm  tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường, đặc biệt là với trẻ nhỏ.

Các bậc cha mẹ cần luôn giám sát trẻ trong suốt thời gian trẻ ở dưới nước

Chết đuối khi đang... học bơi

Tháng 7-2013, tại bể bơi trong khuôn viên một trường song ngữ ở quận Tây Hồ, Hà Nội, cháu N.G.B (6 tuổi – học viên một lớp học bơi) đã tử vong khi tham gia một lớp học bơi trong dịp hè do nhà trường tổ chức dù trong buổi học hôm đó lớp học được diễn ra dưới sự quản lý điều hành của 4 giáo viên.

Gần đây nhất, vụ chết đuối thương tâm xảy ra vào sáng 6-3 tại hồ bơi nằm trong khuôn viên trường THCS Tây Thạnh (quận Tân Phú, TP Hồ Chí Minh) khiến không ít phụ huynh tỏ ra lo ngại về chất lượng dạy và học bơi trong các nhà trường. Nạn nhân là em Quách Gia Phú (học sinh lớp 6 trường THCS Trần Quang Khải, đường Nguyễn Thế Truyện, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú). Ngay trong buổi học bơi đầu tiên, Phú đã bị ngạt nước. Theo Ban Giám hiệu trường THCS Trần Quang Khải, do không có hồ bơi nên nhà trường đã ký hợp đồng với một công ty dạy bơi có trụ sở tại quận Phú Nhuận. Công ty này đã thuê lại hồ bơi trong khuôn viên của trường THCS Tây Thạnh để làm nơi giảng dạy tiết học bơi.

Sau khi xảy ra sự việc trên, Sở GD-ĐT TP Hồ Chí Minh đã có văn bản yêu cầu chấn chỉnh hoạt động dạy và học bơi nhằm đảm bảo an toàn cho trẻ nhỏ. Theo đó, Sở yêu cầu các trường có dạy bộ môn bơi lội dành cho học sinh phải xây dựng kế hoạch cụ thể, chi tiết, trong đó có các phương án đảm bảo an toàn cho học sinh. Đối với trường không có hồ bơi, không đủ giáo viên chuyên trách thì phải ký hợp đồng với các đơn vị dạy bơi lội có chuyên môn, uy tín, trách nhiệm và có đầy đủ phương án theo dõi, hỗ trợ công tác cứu hộ cứu nạn. Đặc biệt, đối với học sinh mới học bơi lần đầu hoặc chưa biết bơi thuần thục khi tiếp nước bắt buộc phải được trang bị áo phao, phao bơi.

Về nguyên nhân dẫn đến những tai nạn đáng tiếc nêu trên, ông Nguyễn Duy Tuấn – Phụ trách một bể bơi tại quận Cầu Giấy, Hà Nội cho biết, hiện nay vấn đề an toàn khi bơi vẫn chưa được chú trọng. Đa số các nơi dạy bơi chưa được trang bị đầy đủ dụng cụ cứu hộ, dụng cụ an toàn và cơ sở vật chất đáp ứng cho môn học, những bảng hiệu thông báo, sự phân chia khu vực về chiều sâu của bể còn thiếu và chưa rõ ràng. Bên cạnh đó, tại một số lớp do số lượng học viên quá đông nên giáo viên không bao quát được, trong khi trẻ nhỏ vừa yếu về thể chất vừa yếu về tâm lý nên khi gặp nạn dễ hoảng loạn, nhanh mất sức khiến hậu quả thêm trầm trọng.

Hoang mang vì hóa chất

Trong khi những lo lắng về sự an toàn cho trẻ khi tham gia các khóa học bơi chưa được giải quyết thì vụ việc rắc hóa chất làm trong nước bể bơi xảy ra trên địa bàn Hà Nội  khiến bể nước đang đục ngầu, đầy rong rêu lập tức trong veo, xanh ngắt một lần nữa khiến dư luận lo ngại về chất lượng nước trong các bể bơi. 

 Kỹ sư hóa vô cơ Nguyễn Đình Trung phân tích, hóa chất được rắc trong hầu hết bể bơi hiện nay là clo. Tuy vậy, việc dùng clo để xử lý nước trong bể bơi cần phải đúng phương pháp và tỷ lệ quy định. Ngoài việc dùng hóa chất này để xử lý nước, các bể bơi phải có một hệ thống lọc nước để xử lý các chất bẩn và các chất hóa học dư thừa có trong nước đồng thời thay nước thường xuyên. 

Nguy hiểm ở chỗ, tại các bể bơi hiện nay đang sử dụng lượng clo rất lớn để diệt khuẩn, khử trùng. Mặc dù Bộ Y tế đã có quy định mức độ cho phép từ 0,3-0,5mg/lít, nhưng dường như các bể bơi đều phớt lờ và quy định này chỉ nằm trên giấy do lượng người đến các bể bơi luôn quá tải, đặc biệt là vào ngày cao điểm khiến nước nhanh bẩn. 

Để đảm bảo an toàn cho trẻ khi học bơi, bác sỹ Vũ Minh Hiếu, Bệnh viện E khuyến cáo, trước khi quyết định cho con em mình tham gia học bơi, phụ huynh cần lựa chọn một bể bơi an toàn và chất lượng. Bể bơi phải đảm bảo tiêu chuẩn về nước và các chỉ số theo quy định của Sở Y tế. Trong mỗi buổi học, phụ huynh cần chuẩn bị đủ các vật dụng cho con như: Khăn, dầu gội, xà bông tắm, thuốc nhỏ mắt, dầu nóng, đồ bơi, kính, phao, mũ... Trước khi xuống hồ cần cho trẻ tắm trước bằng nước sạch để theo dõi phản ứng của trẻ với nước. Các bậc cha mẹ cũng nên cho trẻ bơi ở những bể bơi phù hợp với lứa tuổi và có thầy hướng dẫn trẻ học bơi một cách bài bản. Không nên để trẻ ngâm nước quá lâu.

Để phòng tránh tai nạn, khi cho trẻ đi bơi, cha mẹ phải luôn để mắt tới con trong suốt thời gian trẻ ở dưới nước. Trước khi cho trẻ xuống tắm, cần cho trẻ khởi động kỹ để tránh bị chuột rút, sốc nhiệt… Cần cho trẻ đeo kính bơi và không tháo kính dưới bể nhiều lần để tránh vi khuẩn xâm nhập vào mắt. Khi bơi xong, cha mẹ nhanh chóng lấy khăn tắm lau khô, ủ ấm cho bé, rồi đưa bé đi tắm nước sạch, tránh nhiễm bẩn từ nước bể bơi.