Dạy trẻ chi tiêu tiền mừng tuổi

ANTĐ - Ra tết, không khí trong nhà chị Nguyễn Thanh Mai ở đường Trần Khát Chân, quận Hai Bà Trưng vẫn căng như dây đàn. Nguyên nhân là do cậu con trai 10 tuổi của chị kiên quyết không chịu đi học do không được giữ tiền mừng tuổi.

“Tiền của con, con tự giữ”

Ai cũng biết trong ngày tết, chiếc phong bao đỏ luôn chứa đựng nhiều ý nghĩa. Dù ít hay nhiều, tiền mừng tuổi không chỉ có giá trị vật chất mà còn mang giá trị tinh thần. Nó tượng trưng cho sự ghi nhận thành tích của trẻ trong năm cũ và là những lời chúc tốt đẹp đầu xuân mới. Việc giúp trẻ sử dụng tiền mừng tuổi đúng cách là điều cần thiết đối với các gia đình song không phải phụ huynh nào cũng làm được. “Mùng 5 Tết, sau khi ăn tối xong, vợ chồng tôi nói với các con nên đưa tiền mừng tuổi cho bố mẹ giữ hộ. Ngay lập tức, cô con gái 3 tuổi của tôi vui vẻ đưa hết tiền cho mẹ mà không ý kiến gì song cậu con trai lớn thì ngược lại, đòi tự giữ tiền. Thuyết phục một hồi con không nghe, chồng tôi nổi giận đùng đùng bỏ lên gác nằm còn cậu con trai cũng chạy vào phòng đóng chặt cửa khóc. Tôi vào động viên thì cháu nói giọng ấm ức: “Năm nào cũng vậy, cứ hết tết là bố mẹ lại “trấn lột” hết tiền mừng tuổi của con. Mấy bạn cùng lớp con vẫn được tự giữ tiền để mua đồ chơi, rủ nhau đi ăn, còn con thì chẳng có đồng nào. Năm nay con đã lớn, nếu bố mẹ không cho con giữ tiền mừng tuổi con không đi học nữa. Đến lớp các bạn cười cho, xấu hổ lắm”. Nghe con nói vậy tôi cũng chẳng biết làm thế nào, đi làm mà phấp phỏng không yên” - chị Mai lo lắng. 

Cũng trong hoàn cảnh tương tự, năm nào cũng vậy, trước khi các con trở lại trường sau kỳ nghỉ tết, chị Bùi Thanh Xuân ở đường Quang Trung, quận Hà Đông đều kiểm tra tiền mừng tuổi của các con và giữ lại toàn bộ số tiền đó. Tuy vậy, năm nay 2 cô con gái của chị kiên quyết không đưa tiền cho mẹ với lý do “tiền của con, con tự giữ”. “Sau 30 phút phân tích với đủ mọi lý lẽ nhưng 2 cô con gái vẫn không thay đổi ý định, tôi quyết định phải dùng biện pháp mạnh buộc chúng phải đặt hết tiền mừng tuổi lên bàn. Đứa lớn thì giận dỗi hậm hực trong khi đó đứa nhỏ lại lăn đùng ra nhà khóc lóc thảm thiết. Bà nội thương cháu chạy ra nói xẵng: “Mẹ lấy tiền thì bà mừng tuổi lại cho, việc gì mà phải khóc”. Tôi nghe mà ức không chịu được. Cũng vì thế mà không khí trong nhà rất bức bối, chẳng ai nói với ai câu nào. May mà cuối cùng chồng tôi nghĩ ra giải pháp dùng tiền mừng tuổi để mua cho các con mỗi đứa một chiếc bàn học mới thì mọi căng thẳng mới được giải tỏa” - chị Xuân hồ hởi.

Giúp trẻ nhận ra giá trị đồng tiền

Theo Tiến sỹ tâm lý Nguyễn Cẩm Tú, việc ứng xử với tiền mừng tuổi của con một cách đúng đắn là vô cùng cần thiết, đòi hỏi phụ huynh phải khéo léo, mềm dẻo. Khi trẻ có tiền mừng tuổi, phụ huynh nên phân tích cho con biết quản lý và sử dụng tiền mừng tuổi một cách hợp lý. Với những trẻ còn nhỏ, chuyện bố mẹ giữ hộ tiền mừng tuổi là khá phổ biến nhưng với những trẻ lớn không muốn gửi tiền bố mẹ thì nên hướng dẫn con cách gửi tiền tiết kiệm và cách sử dụng tiền đúng mục đích. Một số phụ huynh khi không thuyết phục được con đưa tiền mừng tuổi đã sử dụng những cách khá thô bạo để buộc con phải đưa hết tiền. Điều này khiến trẻ cảm thấy bất mãn vì bị coi thường. Ngược lại, việc cho trẻ cầm tiền mừng tuổi để tự ý mua sắm theo sở thích một cách hoang phí và không có mục đích cũng không nên. Bởi việc được tiêu tiền một cách thoải mái sẽ khiến trẻ không coi trọng đồng tiền và sức lao động, không có chí tiến thủ, thích hưởng thụ. Điều quan trọng nhất là các bậc cha mẹ cần giúp con nhận ra giá trị của đồng tiền, dạy trẻ biết cách quản lý chi tiêu ngay từ khi chúng bắt đầu học lớp 1. Điều này sẽ giúp trẻ có nhận thức đúng đắn về đồng tiền và giá trị của đồ dùng mà chúng đang sử dụng.

 Cũng theo Tiến sỹ Nguyễn Cẩm Tú, để tránh khó xử, ngay từ trước tết, phụ huynh nên nói chuyện và thống nhất với trẻ về quy định sử dụng tiền mừng tuổi trong gia đình. Muốn con trẻ biết cách chi tiêu, cha mẹ phải làm gương. Cha mẹ hãy là tấm gương trong việc quản lý và chi tiêu một cách khoa học, kiên nhẫn định hướng cho con từng bước. Đối với những trẻ đã lớn (học sinh THPT, đại học), cha mẹ không nên quản lý tiền mừng tuổi của con mà nên để chúng tự lên kế hoạch cho việc chi tiêu, lưu ý con không được tiêu tiền vào những trò chơi vô bổ, lãng phí… Ứng xử với tiền mừng tuổi của con một cách đúng đắn là vô cùng cần thiết, đó chính là cơ hội tốt giúp phụ huynh dạy con những bài học về nhận thức, về sử dụng và quản lý tiền bạc.