Đẩy tồn kho cho ai?

ANTĐ - Chỉ số giá tiêu dùng quý I đã ở mức 2,39%, chiếm gần 37% mục tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng (6-6,5%) của cả năm mà Chính phủ đề ra. Như vậy, những tháng còn lại của năm 2013, bên cạnh các yếu tố tác động như giá xăng dầu thế giới diễn biến phức tạp, dịch bệnh gia cầm, nắng nóng, khô hạn ở Tây Nguyên và Nam bộ, còn hai yếu tố có khả năng tác động đến giá cả. Đó là các tỉnh, thành phố sẽ tăng giá dịch vụ khám chữa bệnh và tăng học phí theo Nghị định 49.

Trên đây là nội dung báo cáo của Bộ Tài chính vừa được công bố, trong đó nhấn mạnh, nền kinh tế vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn, thách thức, mặc dù sức ép tăng giá của một số mặt hàng thiết yếu đã giảm. Trong tháng 4, giá nhiều hàng hóa, nguyên vật liệu thiết yếu trên thị trường thế giới biến động nhẹ. Cân đối cung cầu hàng hóa, dịch vụ trong nước tiếp tục được giữ vững, sức mua không có nhiều biến động. Dự báo, giá một số loại hàng hóa, dịch vụ thiết yếu có xu hướng ổn định hoặc giảm. Tổ điều hành thị trường trong nước dự báo, giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống trong thời gian tới có xu hướng giảm dần do thời tiết ngày càng nắng nóng, nhu cầu tiêu dùng thấp, nguồn cung đủ đáp ứng nhu cầu. Giá cả xi măng, sắt thép và vật liệu xây dựng cũng trong xu thế ổn định. Trong điều kiện hiện nay, tăng trưởng kinh tế chủ yếu dựa vào vốn và năng suất lao động còn rất khiêm tốn, nên muốn tăng tốc độ GDP cao thì phải tăng đầu tư mà mức tăng trưởng tín dụng chỉ chưa đến 1%.

Theo Tổng cục Thống kê, mức tăng GDP quý I năm nay đạt gần 4,9% không phải là dấu hiệu bất thường. Tuy nhiên, theo kết quả khảo sát “Động thái doanh nghiệp Việt Nam” vừa công bố, cho thấy có tới 73% doanh nghiệp thừa nhận rằng, hàng tồn kho dù có giảm, vẫn là nỗi lo ám ảnh và tiếp tục gia tăng trong 9 tháng còn lại. Khó khăn lớn nhất không còn là vấn đề chi phí vốn mà chính là tìm đầu ra, giải phóng hàng tồn kho. Khi đề xuất các giải pháp giảm bớt hàng tồn kho với Chính phủ, hơn 40% doanh nghiệp cho rằng, cần hạn chế tối đa nhập khẩu các mặt hàng không cần thiết, đồng thời nên thiết lập các hàng rào kỹ thuật với hàng nhập khẩu và tổ chức các chương trình xúc tiến thương mại. Chỉ có 8,3% doanh nghiệp cho là nên tăng cường mua tạm trữ hàng hóa. Kết quả khảo sát ý kiến các doanh nghiệp cho thấy, 58,3% doanh nghiệp có xu hướng giữ nguyên quy mô sản xuất, kinh doanh; 30,5% có thể mở rộng quy mô, 10,4% có thể giảm quy mô trong năm 2013. Rõ ràng, vấn đề hàng tồn kho là vật cản trở lớn, “ngáng đường” làm ăn của doanh nghiệp. Bản thân doanh nghiệp phải nỗ lực giải quyết, tập trung nâng cao năng lực tiếp cận thị trường, đặc biệt là các thị trường mới; xây dựng và thiết lập kênh phân phối hiệu quả. Đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản, hàng tồn kho được ví như những hòn đá tảng cản đường không chỉ riêng trong lĩnh vực nhà đất mà còn liên quan tới nhiều ngành hàng khác. Một số địa phương, trong đó có Hà Nội đã có những đột phá “tảng băng” bất động sản.

Giải phóng hàng tồn kho trong các công ty, doanh nghiệp, nhất là trong bất động sản, theo khuyến cáo của một số chuyên gia, điều quan trọng là tránh tình trạng đẩy hàng tồn kho từ doanh nghiệp sang tồn kho của Nhà nước. Gánh nặng trút lên vai Nhà nước cũng chính là trút lên vai người dân.