Đẩy mạnh giải ngân hết số vốn còn lại ở các bộ, ngành

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Ngày 21-8, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị giao ban trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương trên toàn quốc để đôn đốc việc giải ngân vốn đầu tư công năm 2020.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải nhân vốn đầu tư công

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về giải nhân vốn đầu tư công

Chìa khóa giúp giải quyết việc làm, thu nhập và tăng trưởng

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch và đầu tư (Bộ KH&ĐT), đến nay đã có 52 trong tổng số 53 bộ, cơ quan Trung ương và tất cả 63 địa phương có phương án phân bổ vốn ngân sách Nhà nước năm 2020 tuân thủ đúng nguyện tắc, tiêu chí phân bổ vốn đầu tư công quy định tại Luật Đầu tư công và các Nghị quyết của Quốc hội về ngân sách Nhà nước năm 2020. Tuy vậy, chỉ có 38 bộ, cơ quan ở Trung ương và 43 địa phương giao chi tiết đủ 100% kế hoạch vốn cho các dự án; 5 bộ, cơ quan ở Trung ương và 15 địa phương giao chi tiết trên 90% cho các dự án; còn lại 9 bộ, cơ quan ở Trung ương và 5 địa phương giao chi tiết dưới 90% cho các dự án.

Tổng số vốn ngân sách Nhà nước của các bộ, cơ quan ở Trung ương và địa phương đã có quyết định/văn bản giao chi tiết cho các dự án đủ điều kiện giải ngân vốn là 455.491 tỷ đồng, đạt 95,4% kế hoạch đầu tư vốn được Thủ tướng Chính phủ giao (477.573 tỷ đồng). Chính phủ đã tổ chức 7 đoàn công tác do Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính làm trưởng đoàn, đi kiểm tra tại các bộ, địa phương nhằm đôn đốc, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc giải ngân vốn đầu tư công.

Phát biểu chỉ đạo, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, các địa phương đã có nhận thức tốt hơn về việc giải ngân vốn đầu tư công, giúp giải quyết việc làm, thu nhập và tăng trưởng. Thủ tướng nhấn mạnh lại tinh thần quyết tâm giải ngân hết vốn đầu tư công năm nay và yêu cầu các địa phương coi đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm trong năm 2020, cần huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc.

Điều đáng mừng là các địa phương, các ngành có vốn đầu tư công, có liên quan đến thủ tục giải ngân vốn đầu tư công đã có nhiều cố gắng, chuyển biến so với năm 2019 và đặc biệt là so với tình hình đầu năm 2020. Đến hết tháng 8, việc giải ngân đạt gần 45% tổng vốn đầu tư công năm nay có thể trở thành hiện thực. Hầu hết các bộ, ngành, địa phương đều cam kết giải ngân từ 95% đến 100% vốn đầu tư công, nhất là các địa phương có số vốn lớn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Hải Phòng, địa phương có nhiều dự án quốc gia như Đồng Nai.

Sẽ có chế tài xử lý nếu không hoàn thành nhiệm vụ

Thủ tướng đánh giá, thời gian qua, một số bộ, ngành, địa phương đã xuất hiện nhiều biện pháp mới giúp đẩy nhanh vốn đầu tư công, như: lãnh đạo cao nhất địa phương đi đôn đốc giải ngân từng công trình; nhiều Tỉnh ủy, Thành ủy ban hành nghị quyết nêu cao vai trò hệ thống chính trị, nhất là người đứng đầu; thường xuyên giao ban đôn đốc giải ngân; điều chuyển vốn, chuyển chủ đầu tư, đưa ra chế tài mạnh như làm chậm thì không được tham gia đấu thầu công trình hoặc không được làm chủ đầu tư công trình tiếp theo; khen thưởng kịp thời các chủ đầu tư, nhà thầu làm tốt; một số bộ, ngành đã mạnh dạn báo cáo Chính phủ điều chuyển vốn của ngành mình cho các dự án cấp bách khác do không tiêu hết tiền.

Biểu dương nhiều địa phương giải ngân tốt, nhưng Thủ tướng cũng phê bình nhiều địa phương giải ngân rất chậm. Trong các nguyên nhân có việc giao kế hoạch vốn còn chậm, vẫn còn trên 22.000 tỷ đồng vốn kế hoạch chưa được giao. Đặt vấn đề, tại sao có tình trạng có nơi làm tốt, có nơi không giải ngân được, do công tác chuẩn bị đầu tư hay người đứng đầu chưa thực sự vào cuộc, hay do nhà đầu tư, ban quản lý dự án yếu kém, Thủ tướng cho biết, sẽ có một hội nghị chuyên đề ODA và Thủ tướng giao Bộ KH&ĐT cùng Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ chuẩn bị tốt hội nghị này để tháo gỡ kịp thời.

Thủ tướng nhắc lại rằng, nếu vốn đầu tư công được giải ngân hết thì có thể giúp nền kinh tế tăng trưởng thêm 1%. Do đó, lãnh đạo 31 bộ, cơ quan ở Trung ương và 13 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 35%, nhất là những đơn vị có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 15%, cần nghiêm túc rút kinh nghiệm, rà soát, chấn chỉnh, có biện pháp giải ngân hết vốn trong năm nay.

“Tinh thần là đẩy mạnh giải ngân hết số vốn còn lại ở các bộ, ngành, nếu không làm được thì sẽ phải có chế tài (xử lý). Giải ngân bây giờ là việc làm, là tăng trưởng, thu nhập, công trình dự án cho đất nước, tiêu thụ vật liệu xây dựng. Chúng ta cần đẩy mạnh nhận thức vấn đề này để làm cho tốt” - Thủ tướng chỉ đạo. Thủ tướng cũng yêu cầu gắn trách nhiệm của Bí thư Thành ủy, Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND ở các địa phương, Bộ trưởng, trưởng ngành đối với việc giải ngân hết vốn đầu tư công. Tổ chức, cá nhân nào làm chậm thì phải bị kỷ luật nghiêm.