Đẩy mạnh đổi mới, quyết liệt trong hành động vì triển vọng phát triển của đất nước

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Với nhiều sự kiện quan trọng cùng một loạt các mục tiêu và nhiệm vụ cần thực hiện, năm 2021 là một năm có ý nghĩa đặc biệt với triển vọng phát triển đất nước trong tương lai. Vì thế, việc thực hiện cũng đòi hỏi những yêu cầu đặc biệt.
Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương trong năm 2020 bất chấp tác động của Covid-19

Kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng dương trong năm 2020 bất chấp tác động của Covid-19

Những chỉ tiêu đầy thách thức của năm 2021

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị trực tuyến cuối năm của Chính phủ với lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, tổng kết công tác năm 2020, triển khai thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Tư tưởng chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta trong giai đoạn tới là đẩy mạnh đổi mới, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ”.

Xét về số sự kiện quan trọng, năm 2021 là năm tiến hành Đại hội lần thứ XIII của Đảng ngay trong tháng 1 tới; năm đầu quán triệt và tổ chức thực hiện Nghị quyết Đại hội, trong đó có Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 và Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045; năm tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp.

Xét về những nhiệm vụ cần thực hiện, năm 2021 là năm đầy thử thách. Chỉ riêng lĩnh vực kinh tế-xã hội, mục tiêu tổng quát đề ra cho năm 2021 bao gồm hàng loạt các yêu cầu, từ tập trung thực hiện hiệu quả mục tiêu vừa phòng, chống dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân, vừa phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội trên cơ sở giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, đến thúc đẩy mạnh mẽ cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và sức cạnh tranh, phát triển mạnh thị trường trong nước…

Dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch kinh tế-xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2021 đề cập tới 185 nhiệm vụ cụ thể. Xét mặt bằng chung thế giới và điều kiện cụ thể của Việt Nam, những chỉ tiêu chủ yếu về kinh tế-xã hội năm 2021 mà Việt Nam đề ra ở mức khá cao. Chẳng hạn, tổng sản phẩm trong nước (GDP) dự kiến tăng khoảng 6%, GDP bình quân đầu người khoảng 3.700USD, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%, tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo đa chiều) giảm 1-1,5 điểm phần trăm…

Nếu tính cả giai đoạn 2021 - 2025, dự kiến có 15 chỉ tiêu chủ yếu. Trong đó, tốc độ tăng trưởng GDP bình quân khoảng 6,5 - 7%; đến năm 2025, GDP bình quân đầu người đạt 4.700 - 5.000USD; tỷ trọng kinh tế số đạt khoảng 20% GDP; tỷ trọng đóng góp của năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng khoảng 45%; năng suất lao động tăng bình quân trên 6,5%/năm; tỷ lệ lao động qua đào tạo đến năm 2025 là 70%; tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn đa chiều giảm 1-1,5 điểm phần trăm/năm; tỷ lệ che phủ rừng ổn định 42%...

Trong khi đó, môi trường triển khai các nhiệm vụ trên lại không hề thuận lợi. Dưới tác động của đại dịch Covid-19, thế giới rơi vào khủng hoảng nghiêm trọng nhiều mặt, cả về y tế, kinh tế, xã hội và quản trị, có thể tiếp tục kéo dài trong các năm 2021 - 2022. Khoa học - công nghệ và cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư phát triển mạnh mẽ, tạo đột phá trên nhiều lĩnh vực nhưng cũng tạo ra không ít thách thức đối với các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh và các vấn đề an ninh phi truyền thống ngày càng tác động mạnh, nhiều mặt, đe dọa nghiêm trọng đến sự phát triển ổn định, bền vững của thế giới, khu vực và Việt Nam.

Khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh

Tuy nhiên, Việt Nam lại có những cơ sở để tin tưởng vào thành công trong tương lai. Nhìn lại năm 2020, mặc dù đại dịch Covid-19 xảy ra bất ngờ, thiên tai và bão lũ hoành hành dữ dội, nhưng Việt Nam đã thực hiện thành công “mục tiêu kép”, trở thành một điển hình của thế giới trong phòng, chống dịch Covid-19. Trong khi nhiều nước tăng trưởng âm thì Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng dương 2,91%, thuộc nhóm cao nhất thế giới; nền tảng kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định, lạm phát dưới ngưỡng 4%. Trong bối cảnh khó khăn toàn cầu, chuỗi cung ứng quốc tế đứt gãy, kim ngạch xuất, nhập khẩu của nước ta vẫn đạt mức kỷ lục 543,9 tỷ USD, xuất siêu hơn 19 tỷ USD. Chính vì thế, nhìn tổng thể, năm 2020 được đánh giá là năm thành công nhất của Việt Nam trong 5 năm qua.

Và điều quan trọng là Việt Nam trong năm 2020 còn có yếu tố không thể không nói đến là sự đồng thuận của nhân dân và toàn xã hội đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, niềm tin của nhân dân đối với Đảng, với tương lai đất nước không ngừng được củng cố và nâng cao, tạo nên sức mạnh đại đoàn kết để thực hiện thắng lợi nhiệm vụ trong bối cảnh hết sức khó khăn. Những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết; tô điểm cho bản lĩnh, ý chí, khí chất của con người Việt Nam.

Để hoàn thành mục tiêu của năm 2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã chỉ rõ: “Tinh thần chung là phải chủ động, tích cực hơn, năng động, sáng tạo hơn, đạt được kết quả tổng thể cao hơn các năm trước và nhiệm kỳ trước”.

Tư tưởng chiến lược phát triển tổng thể của đất nước ta trong giai đoạn tới là đẩy mạnh đổi mới, triển khai đồng bộ các nhiệm vụ, trong đó: Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Đảng là then chốt; phát triển văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội; bảo đảm quốc phòng, an ninh là trọng yếu, thường xuyên.

Đi vào cụ thể, những nhiệm vụ cần quan tâm là phải khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, phát huy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc, sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và của nền văn hóa, con người Việt Nam; thu hút, trọng dụng nhân tài; đẩy mạnh đổi mới sáng tao, ứng dụng khoa học và công nghệ, nhất là những thành tựu của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tạo động lực mới cho phát triển đất nước. Cùng với đó là việc kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy cao độ nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất.

Thành tựu của năm 2020 đã khẳng định những ưu việt của chế độ ta và trên hết, làm cho tất cả chúng ta cùng tự hào về đất nước Việt Nam, cùng vững tin rằng chúng ta có thể làm được nhiều điều kỳ diệu hơn thế trong phát triển đất nước.