"Dạy học sinh cưa bom" và chuyện mạng ảo "dắt mũi" người thực!

ANTĐ - Bức ảnh chế “dạy học sinh cưa bom” từng gây tranh cãi trên mạng xã hội facebook năm 2015. Sau vụ nổ thương tâm tại Văn Phú, Hà Đông, Hà Nội, nhiều người lại chia sẻ bức ảnh trên với những bình luận ác ý. Điều này, vừa khoét sâu nỗi đau của người nhà nạn nhân, vừa cho thấy, thế giới ảo đang “dắt mũi” rất nhiều người bằng những thông tin sai lệch...

Chiêu trò câu like trên facebook

Việc một bài đăng, hoặc một tài khoản facebook nào đó nhận được hàng nghìn, thậm chí hàng triệu lượt thích và chia sẻ, không chỉ mang tính giải trí hay trao đổi thông tin, mà còn giúp chủ của chúng kiếm tiền nhờ quảng cáo, hoặc bán tài khoản facebook.

Cũng từ đây, việc chế ảnh, chế video, cùng với những câu chuyện gây sốc được thêu dệt nhằm câu like xuất hiện phổ biến trên facebook.

Bức ảnh chế "dạy học sinh cưa bom", phông chữ trong khung khác hẳn bên ngoài, chữ "bom" gõ thành "boom". Ảnh: facebook

Bức ảnh chế  bậy bạ "Dạy học sinh ăn phân gà", lộ rất rõ đường mép photoshop. Ảnh: facebook

Năm 2015, hai bức ảnh “Dạy học sinh cưa bom” và “Dạy học sinh ăn phân gà” (chế từ bức ảnh chụp lại trang sách dạy đi trên thảm thủy tinh nằm trong quyển "Thực hành kỹ năng sống dành cho học sinh lớp 1" do NXB Giáo dục Việt Nam ấn hành), đã gây sốc và thu hút sự chú ý của hàng nghìn người dùng mạng xã hội.

Báo “lá cải” ăn theo, cư dân mạng ngây thơ bị dắt mũi

Ngay khi được chia sẻ, một số người đã nhận ra 2 bức ảnh trên là sản phẩm của photoshop hòng câu like. Thế nhưng, một vài trang tin điện tử vẫn chớp lấy chủ đề “hot” này, đưa tin một cách nửa vời, như bài viết với nhan đề “Sốc với sách kỹ năng dạy học sinh cưa bom để thể hiện lòng dũng cảm” trên một trang thông tin điện tử ngày 26-8-2015, được một số trang tin tổng hợp khác chia sẻ lại.

"Dạy học sinh cưa bom" và chuyện mạng ảo "dắt mũi" người thực! ảnh 3Bài báo sai lệch, thiếu kiểm chứng có tên “Sốc với sách kỹ năng dạy học sinh cưa bom để thể hiện lòng dũng cảm”

Trong khi trước đó, cuốn sách thật (xuất bản năm 2014) đã từng gây khá nhiều tranh cãi trên báo chí và cả mạng xã hội, bài học dạy học sinh đi trên thủy tinh vỡ cũng đã bị lược bỏ khi tái bản năm 2015. Thế nhưng, dường như các trang tin trên đã không kiểm chứng thông tin trước khi đăng bài.

Ảnh gốc chụp trang sách có bài học dạy học sinh đi trên thủy tinh vỡ (đã bị lược bỏ khi tái bản năm 2015) 

Thủ thuật câu like tinh vi, cộng thêm sự ăn theo của một vài trang tin điện tử, đã khiến số đông người dùng facebook lầm tưởng 2 bức ảnh chế trên là những bài học kì quặc trong các cuốn sách dạy kỹ năng và tiếp tục chia sẻ với những bình luận gay gắt nhắm vào người biên soạn sách, cũng như Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Từ ngây thơ, trở thành vô cảm

2 bức ảnh chế kể trên đã bị nhiều bài báo lên án gay gắt, vì những hậu họa khôn lường có thể xảy ra nếu trẻ em xem được chúng.

Trong bài viết “Những "bài học xuyên tạc" gây phẫn nộ: dạy trẻ cưa bom, ăn... phân gà”, chuyên gia tâm lý Võ Thị Minh Huệ (Văn phòng Tư vấn Tâm lý trẻ) cho biết: "Khi người ta chế ảnh có hình thức tương đối giống với một trang sách thì nhiều người sẽ nhầm lẫn, đặc biệt là trẻ con thì càng khó phát hiện ra. Sự nhầm lẫn này có thể gây ảnh hưởng đến tâm lý của chúng!"

Nhưng không dừng lại ở đó, sau vụ nổ thương tâm xảy ra tại Văn Phú, Hà Đông hôm 19-3, một số người lại tiếp tục sử dụng bức ảnh chế “dạy học sinh cưa bom” để chỉ trích hành động thiếu hiểu biết của nạn nhân.

Hành động trên không chỉ kéo theo nhiều người dùng facebook ngây thơ khác hiểu sai về ngành giáo dục, mà còn vô tình khoét sâu thêm nỗi đau của những người còn sống, và cả người đã khuất trong vụ việc.

Nhiều người vẫn sử dụng bức ảnh chế nêu trên để phê phán và có phần châm biếm hành vi liều lĩnh cưa bom của nạn nhân ở Văn Phú, Hà Đông hôm 19-3. Trong khi người hàng xóm giúp khiêng bom hôm đó xác nhận, cả anh và nạn nhân đều không nghĩ đó là bom vì người hàng xóm giúp khiêng bom, bởi hình thù chỉ giống cái lu giấy.

Bức ảnh với tựa đề “Phẫu thuật thẩm mỹ - Bạn khó có thể giấu giếm suốt đời” được chia sẻ tràn lan trên facebook một vài năm trước. Nhưng theo BBC, thực tế đây chỉ là một bức ảnh quảng cáo cho một trung tâm phẫu thuật thẩm mỹ nhỏ ở Đài Loan. Ngay sau khi bức ảnh bị lan truyền, Yeh (người mẫu nữ trong ảnh) bị người yêu bỏ vì quá xấu hổ khi có một cô bạn gái đã chỉnh sửa nhan sắc. Sự nghiệp của Yeh cũng bị hủy hoại khi cô trở thành đề tài bị cười nhạo trên toàn cầu. 

Chỉ vì những quan điểm chủ quan của cá nhân, hoặc ngây ngô chạy theo phong trào, theo đám đông, hay đơn giản chỉ là một lượt bấm like theo bản năng. Mỗi người dùng facebook rất có thể đang góp phần đẩy cuộc sống thật của một ai đó vào tấn bi kịch, tổn thương.

Xuyên tạc thông tin là vi phạm pháp luật

Điều 37 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định danh dự, nhân phẩm, uy tín của cá nhân được tôn trọng và được pháp luật bảo vệ. Điều 5 Nghị định 72/2013/NĐ-CP ngày 15/07/2013 về Quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ internet và thông tin trên mạng (có hiệu lực từ 01/09/2013) quy định các hành vi bị cấm trong đó có hành vi lợi dụng việc cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng nhằm mục đích đưa thông tin xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự và nhân phẩm của cá nhân.

Như vậy, xuyên tạc hình ảnh, đưa thông tin sai sự thật trên mạng xã hội vừa là hành vi trái pháp luật, vừa là sự bất nhẫn với những người xung quanh.

Để là một người dùng mạng ảo sáng suốt, hãy lắng nghe và trải nghiệm nhiều hơn những biến động của cuộc sống thực, luôn luôn kiểm chứng thông tin từ báo chí chính thống.

Thế giới ảo của con người tạo ra, do con người điều khiển, thật nực cười nếu chúng ta cứ để mình lạc đường trong thế giới ấy.