Đầu tư vào nông nghiệp: Ưu đãi nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn "ngán"

ANTĐ - Sau làn sóng các doanh nghiệp ồ ạt nhảy vào nông nghiệp thì đến nay, không ít “ông lớn” đã thở dài, vì lĩnh vực này đòi hỏi vốn lớn nhưng rủi ro lại cao, lợi nhuận thấp. Đó cũng là câu trả lời cho thực tế, vì sao vốn từ các doanh nghiệp rót vào đầu tư nông nghiệp chỉ chiếm 1%.

Đầu tư vào nông nghiệp: Ưu đãi nhiều nhưng doanh nghiệp vẫn "ngán" ảnh 1Đầu tư vào nông nghiệp khá nhiều ưu đãi nhưng cũng không dễ “xơi”

Khi “ông lớn” cũng kêu khó

Thời gian qua, ngành nông nghiệp liên tục ghi nhận những “ông lớn” trong các lĩnh vực như bất động sản, gang thép… quyết định đầu tư “tay ngang” vào nông nghiệp như Tập đoàn Vingroup, Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai, Công ty CP Tập đoàn Hòa Phát, Công ty cổ phần Tập đoàn T&T… Tuy nhiên, theo số liệu của Bộ NN&PTNT, tỷ trọng doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực này chỉ chiếm khoảng 1% so với toàn nền kinh tế.

Dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào nông nghiệp cũng chỉ trên dưới 1%. So với thời điểm vốn FDI rót vào nông nghiệp có lúc lên tới 15% thì đây là mức sụt giảm rất mạnh. Điều đó cho thấy, ngành nông nghiệp vẫn chưa trở thành một kênh đầu tư hấp dẫn dù cơ hội vẫn còn nhiều so với các lĩnh vực khác.

Ông Vũ Văn Tiền, Chủ tịch Tập đoàn Geleximco cho biết, Đảng và Chính phủ rất quan tâm lĩnh vực nông nghiệp, tạo mọi thuận lợi từ chủ trương đến chính sách để nông nghiệp phát triển. Tuy nhiên, khi doanh nghiệp đi vào triển khai dự án mới thấy như gặp phải “mê hồn trận”, vướng trăm bề, trong đó vướng nhất là đất đai, vốn và quy hoạch. Geleximco đã từng sang Israel học hỏi kinh nghiệm nuôi trồng thủy sản, sau đó đầu tư hơn 20 tỷ đồng nuôi 100ha tôm tại Thái Bình.

Tuy nhiên, dự án đến nay vẫn đắp chiếu. Cách đây 5 năm, Tập đoàn tiếp tục rót hàng trăm triệu USD đầu tư Nhà máy Giấy An Hòa (Tuyên Quang), nhưng nhà máy này đang rơi vào tình trạng khó khăn do phải “ăn đong” nguyên liệu. “Trước khi quyết định đầu tư, chúng tôi được quy hoạch 165.000ha rừng tại Tuyên Quang nên rất yên tâm, nhưng khi triển khai xây dựng nhà máy thì mới biết chỉ có 500ha. Gần Tết Nguyên đán 2016, người dân ồ ạt chặt cây bán, chúng tôi báo chính quyền huyện, xã thì đều nhận được sự thờ ơ”, ông Vũ Văn Tiền thông tin. 

Còn bà Thái Hương, Chủ tịch Tập đoàn TH True Milk cho hay, chủ trương của Nhà nước là miễn thuế vật tư nhập khẩu cho doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao. Tuy nhiên, TH True Milk vẫn bị áp thuế 5%, chưa được hưởng ưu đãi nào. Khi doanh nghiệp chưa đồng ý nộp vì muốn “đòi quyền lợi”, thì ngành thuế lập tức “bêu tên” nợ thuế, khiến uy tín của doanh nghiệp bị tổn hại.

Chính sách nhiều nhưng khó áp dụng

Không riêng gì Geleximco hay TH True Milk mà hàng loạt doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp đều gặp khó khăn, vướng mắc. Có một nghịch lý đó là trong khi chủ trương, chính sách của Nhà nước tưởng chừng như rất ưu đãi thì lại có không ít doanh nghiệp đã phải ngao ngán lắc đầu. Nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, vướng mắc chính nằm ở cơ chế.

Tại không ít địa phương, lãnh đạo chỉ có tư tưởng đô thị hóa, xây khu công nghiệp mà dường như không quan tâm tới lĩnh vực nông nghiệp. Bên cạnh đó, theo nhiều doanh nghiệp, rất nhiều chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp vẫn nằm trên giấy, thậm chí nhiều chính sách không áp dụng được vào thực tiễn.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát nhìn nhận, nông nghiệp đã có thời kỳ phát triển mạnh, nhưng đã đến lúc không thể tiếp tục con đường cũ. Áp lực hội nhập bắt buộc chúng ta phải có một nền nông nghiệp hàng hóa, cạnh tranh quốc tế. Ông Cao Đức Phát cho rằng, Nhà nước luôn phải xác định doanh nghiệp là then chốt trong tái cơ cấu nông nghiệp, do đó phải tạo lập môi trường thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư, hoạt động có hiệu quả trong lĩnh vực này. Bộ NN&PTNT sẽ có giải pháp tháo gỡ để cải thiện bức tranh đầu tư vào nông nghiệp.