Đầu tư vào công nghiệp văn hóa, tạo “sức mạnh mềm” cho Hà Nội

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Hà Nội có 5.922 di tích lịch sử, văn hóa; 1.350 làng nghề và làng có nghề; là nơi hội tụ đông đảo các chủ thể sáng tạo, biểu diễn nghệ thuật mang tính chuyên nghiệp cao... Ngay từ những năm 90 của thế kỷ XX, bắt đầu xuất hiện nhận thức về lao động sáng tạo văn hóa - nghệ thuật, coi đó là một loại lao động đặc biệt và bắt đầu tìm tòi nhiều phương thức mới nhằm phát triển văn hóa, nghệ thuật trong điều kiện kinh tế thị trường. Song, công nghiệp văn hóa ở nước ta cho đến nay vẫn còn là một vấn đề rất mới mẻ.
Buổi trình diễn thời trang tại dự án nghệ thuật Phúc Tân

Buổi trình diễn thời trang tại dự án nghệ thuật Phúc Tân

3 năm trước, tháng 10-2019, Hà Nội vinh dự trở thành 1 trong 246 thành phố thuộc Mạng lưới các thành phố sáng tạo của UNESCO, sự kiện như một “cú hích” để có thêm những quan tâm, đầu tư, điều kiện đột phá để phát triển tổng quan các nguồn lực. Năm 2021, Hà Nội bắt đầu đặt ra nhiều đề án, chiến lược, giải pháp cụ thể để thực sự biến văn hóa thành “sức mạnh mềm” một cách hiệu quả.

Để văn hóa thành ngành công nghiệp đặc biệt

Ở Việt Nam, công nghiệp văn hóa (CNVH) là một khái niệm khá mới, còn nhiều ý kiến khác nhau nhưng nhìn chung thống nhất “CNVH là ngành công nghiệp sáng tạo, sản xuất, tái sản xuất, phổ biến tiêu dùng các sản phẩm và dịch vụ văn hóa bằng phương thức công nghiệp hóa, tin học hóa, thương phẩm hóa, nhằm đáp ứng nhu cầu văn hóa đa dạng của xã hội, các hoạt động đó được bảo vệ bởi bản quyền”. Trong đó, các ngành CNVH ở Việt Nam bao gồm: quảng cáo, kiến trúc, phần mềm và các trò chơi giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hoá.

Dù có nhiều tiềm năng lợi thế, con đường vươn tầm thương hiệu công nghiệp văn hóa, định vị sức mạnh mềm văn hóa Hà Nội ở các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa trên bản đồ công nghiệp văn hóa thế giới còn rất khó khăn. Công nghiệp văn hóa đang là một kênh liên kết yếu trong cơ chế chuyển hóa nguồn tài nguyên mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa Hà Nội, và đây chính là thách thức lớn đòi hỏi chúng ta cần sớm tìm ra những giải pháp có tính thực tế và đột phá hơn.

Khái niệm CNVH đã được Chính phủ xác định trong Chiến lược phát triển các ngành CNVH Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 như sau: CNVH “là sự ứng dụng của những tiến bộ khoa học - công nghệ và kỹ năng kinh doanh, sử dụng năng lực sáng tạo, nguồn vốn văn hóa để tạo ra các sản phẩm, dịch vụ văn hóa, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng, hưởng thụ văn hóa của người dân”. Trên cơ sở đó, Bộ Văn hóa -Thể thao và Du lịch xác định CNVH là các ngành sáng tạo dựa trên nguồn lực văn hóa, ứng dụng những tiến bộ của khoa học, kỹ thuật và công nghệ để sản xuất ra những sản phẩm và dịch vụ văn hóa bằng phương thức sản xuất công nghiệp, được phân phối, trao đổi, tiêu dùng trên thị trường.

“Sức mạnh mềm”, quảng bá hình ảnh quốc gia

Xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế hiện nay đang diễn ra ngày càng mạnh mẽ, đối với nhiều quốc gia trên thế giới, ngành “công nghiệp văn hóa” đã và đang trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, giao lưu hội nhập quốc tế và góp phần thực hiện mục tiêu phát triển bền vững về văn hóa. Tốc độ tăng trưởng của các ngành CNVH cao hơn so với ngành công nghiệp dịch vụ và các ngành công nghiệp sản xuất được coi như một lĩnh vực kinh tế chủ chốt, tạo ra ưu thế cạnh tranh toàn diện, thúc đẩy sự đổi mới cũng như tạo sự cân bằng, đa dạng cho nền kinh tế.

Kinh nghiệm thực tiễn từ nhiều thành phố trên thế giới có sự trỗi dậy mạnh mẽ nhờ phát triển các ngành CNVH, điển hình như thành phố Bangdung (Indonesia) đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế nhờ phát triển ngành công nghiệp thời trang với sản phẩm chủ đạo là áo thun (T-shirt). Ở Anh, công nghiệp sáng tạo năm 2016 đem lại 84,1 tỷ bảng Anh, một con số kỷ lục và chiếm 5,2% GVA (tổng giá trị gia tăng) của toàn nền kinh tế Anh. Trung Quốc năm 2015, giá trị gia tăng của CNVH của đất nước này là 2723,5 tỷ NDT, tăng 11% so với cùng kỳ năm 2014, chiếm 3,97% GDP.

Còn ở Nhật Bản, CNVH góp phần quan trọng vào việc tăng trưởng GDP với doanh thu ròng hàng năm chiếm khoảng 7% doanh thu nền kinh tế và thu hút 5% nhân công lao động của toàn quốc. Sản phẩm ngành CNVH và thị trường văn hóa ngoài vai trò phát triển nền kinh tế còn là “sức mạnh mềm” quảng bá hình ảnh quốc gia trong việc bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trong thời kỳ hội nhập, toàn cầu hóa mạnh mẽ.

Người dân thụ hưởng không gian nghệ thuật từ những khu vực từng bị bỏ phí

Người dân thụ hưởng không gian nghệ thuật từ những khu vực từng bị bỏ phí

Động lực nào để CNVH Hà Nội phát triển?

Trong một nghiên cứu gần đây của PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương và Ths. Phạm Thị Nhung (Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam) thì Hà Nội đã và đang có đầy đủ những yếu tố tiềm năng trở thành thành phố công nghiệp văn hóa của Việt Nam nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. Được bao bọc bởi nhiều con sông, cơ cấu kinh tế của thành phố trong giai đoạn 2015-2018 đang chuyển dịch theo hướng gia tăng nhanh tỷ trọng ngành dịch vụ đã giúp Hà Nội đạt được GRDP 40,02 tỷ USD vào năm 2018 và đang trở thành một thành phố năng động, phát triển. Đây chính là tiền đề thuận lợi để Hà Nội phát huy những lợi thế về bề dày lịch sử và sự đa dạng văn hóa trong việc chuyển hóa nguồn tài nguyên văn hóa thành sự bứt phá của các ngành công nghiệp văn hóa.

Với hệ thống hàng nghìn di sản dày đặc, kết cấu hạ tầng văn hóa phong phú, mạng lưới 1.350 làng nghề thủ công trải khắp các phố phường, làng quê cùng cộng đồng sáng tạo mới mẻ, phong phú, Hà Nội đã và đang trở thành nơi nuôi dưỡng, hội tụ và thúc đẩy sự sáng tạo các sản phẩm và dịch vụ công nghiệp văn hóa. Các nguồn tài nguyên văn hóa có mặt ở mọi ngõ ngách trong thành phố, từ hạ tầng đô thị với kiến trúc “nhiều lớp lịch sử” góp phần tạo nên sự gắn kết hài hòa trong đời sống giữa tự nhiên với con người. Những hạ tầng cơ sở cho sự phát triển công nghiệp văn hóa tại Hà Nội vẫn có thể được nhìn thấy trong nhiều công trình kiến trúc có lịch sử lâu đời, như Hoàng Thành Thăng Long hay các công trình kiến trúc đa dạng như Nhà hát Lớn Hà Nội, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam... Ngày nay, sự đa dạng đó vẫn hiện diện trong các công trình kiến trúc, các không gian công cộng và không gian sáng tạo mới của Hà Nội.

Sự đa dạng của các sản phẩm thủ công, như gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, sơn mài Hạ Thái và những sản phẩm của sự sáng tạo đã có mặt ở khắp nơi trong thành phố. Đây chính là nhân tố quan trọng tạo nên bản sắc riêng có của Hà Nội trong cách thành phố lưu giữ truyền thống, định hình hiện tại và hướng tới tương lai dựa trên phát huy nguồn tài nguyên văn hóa thành sức lớn mạnh của các ngành công nghiệp văn hóa. Hà Nội còn là một thành phố có cơ cấu dân số vàng (51,7% dân số trẻ) và có hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Đây chính là thế mạnh của thành phố trong kết nối quốc tế để chuyển hóa.

Những năm qua, thành phố đã tích cực thúc đẩy các hoạt động hợp tác quốc tế trong các lĩnh vực sáng tạo, đặc biệt với các thành viên của UCCN (mạng lưới thành phố sáng tạo của UNESCO), bao gồm Berlin, Seoul, Kobe, Singapore… Chính vì vậy, nếu biết phát huy tối đa khả năng sáng tạo trong môi trường kết nối quốc tế, Hà Nội sẽ có tiềm năng trở thành thành phố công nghiệp văn hóa của Việt Nam nói chung và khu vực Đông Nam Á nói riêng. Theo đó, PGS.TS Nguyễn Thị Thu Phương và Ths. Phạm Thị Nhung cũng đã đưa ra một số khó khăn, cụ thể: “Dù có nhiều tiềm năng lợi thế, con đường vươn tầm thương hiệu công nghiệp văn hóa, định vị sức mạnh mềm văn hóa Hà Nội ở các sản phẩm, dịch vụ công nghiệp văn hóa trên bản đồ công nghiệp văn hóa thế giới còn rất khó khăn. Công nghiệp văn hóa đang là một kênh liên kết yếu trong cơ chế chuyển hóa nguồn tài nguyên mềm văn hóa thành sức mạnh mềm văn hóa Hà Nội, và đây chính là thách thức lớn đòi hỏi chúng ta cần sớm tìm ra những giải pháp có tính thực tế và đột phá hơn”.

Họa sĩ Nguyễn Thu Thủy: Để thực hiện các dự án nghệ thuật công cộng, cần có sự đồng lòng

Là một hoạ sĩ sáng tác, tôi luôn trăn trở về nghệ thuật công cộng: Làm thế nào để thu hút cộng đồng cùng tham gia, cùng yêu nghệ thuật. Trước khi bắt tay vào thực hiện “Con đường gốm sứ”, tôi có được tham gia một khóa học và được sang một số nước châu Âu. Tôi đã chứng kiến bức tường thành Babilon được xây từ thế kỷ 6 trước Công nguyên mà vẫn giữ màu. Trở về Việt Nam, hàng ngày đi từ nhà ở Nghi Tàm tới cơ quan, nhìn những bức tường bê tông dọc đê sông Hồng, ý tưởng về một con đường được trang trí những bức tranh tường bằng gốm bỗng nảy ra trong đầu. Tôi quyết định lên kế hoạch và mời các nghệ sĩ, các nhà tài trợ tham gia dự án này…

Thời điểm bắt đầu làm “Con đường gốm sứ”, tôi gặp nhiều khó khăn, như việc để đảm bảo quyền lợi cho nhà tài trợ, phải ghi danh họ trên bức tranh, trong khi áp lực từ truyền thông báo chí thì nhất thiết không được đặt logo. Sau đó, tôi có giải thích và đưa ra một số ví dụ ở nước ngoài đều có cách vinh danh ghi tên nhà tài trợ. Sau khi giải thích hợp lý, làm logo nhà tài trợ nhỏ đi, chỉ chiếm diện tích 0,5% ở đầu bức tranh, mọi người thấy như vậy là hợp lý nên không nói về chuyện đó nữa. Con đường gốm sứ đã thu hút 20 họa sĩ trong nước, 15 họa sĩ quốc tế, 500 em thiếu nhi Việt Nam và quốc tế, 50 sinh viên mỹ thuật, hơn 100 nghệ nhân và thợ thủ công từ nhiều địa danh và làng gốm truyền thống… Để làm được chuyện này thì cũng cần có sự đồng lòng của tất cả mọi người.

Phạm Hương (Ghi)

PGS.TS Lê Thị Minh Lý - Phó Chủ tịch Hội Di sản Văn hóa Việt Nam: Cần có cơ chế thuận lợi cho sáng tạo các sản phẩm văn hóa

Để phát triển công nghiệp văn hóa, Hà Nội có nhiều điểm mạnh: Di sản văn hóa vừa giàu có, vừa đa dạng là một nguồn lực vô cùng lớn, quan trọng, vốn bền vững của công nghiệp văn hóa. Hà Nội nơi tập trung nhiều người tài giỏi, sáng tạo, đặc biệt là nhiều nghệ nhân lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể.

Hà Nội đã bước đầu có những cơ chế chính sách thuận lợi cho việc sáng tạo các sản phẩm văn hóa, quan tâm đến đầu tư cho di sản văn hóa, nguồn tiềm năng của công nghiệp văn hóa. Tuy nhiên Hà Nội cũng có một số điểm yếu, đó là các sản phẩm văn hóa chưa đa dạng, chưa bản sắc, độc đáo xứng tầm với vị thế của Thủ đô trong tương quan khu vực và quốc tế. Chưa nhận diện được giá trị văn hóa từ di sản một cách sâu sắc, gần gũi với sáng tạo văn hóa, chưa xây dựng được cơ sở dữ liệu, thông tin chuyên ngành cho công nghiệp văn hóa. Thiếu kỹ năng chuyên môn và quản lý trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa. Cơ chế đầu tư cho công nghiệp văn hóa còn chưa hợp lý…

Từ cách tiếp cận dựa vào di sản văn hóa, dựa vào cộng đồng sáng tạo các sản phẩm văn hóa, tạo ra giá trị di sản đương đại, giá trị gia tăng từ di sản chúng tôi nhận thấy việc xây dựng chiến lược của Hà Nội cần quan tâm một số vấn đề sau: Đánh giá có định lượng tiềm năng di sản và việc phát huy giá trị di sản hiện nay để có định hướng rõ lĩnh vực ưu tiên đầu tư cho công nghiệp văn hóa. Cần tập hợp các kết quả điều tra, kiểm kê di sản văn hóa, nghiên cứu bổ sung, cập nhật và xây dựng cơ sở dữ liệu nhằm quản lý, khai thác sử dụng sáng tạo văn hóa.

Chú trọng/ưu tiên sản xuất các sản phẩm văn hóa dựa trên di sản dành cho giáo dục học sinh phổ thông. Đây vừa là nhiệm vụ chính trị để đào tạo con người của công nghiệp văn hóa, vừa là một trong những trụ cột chính quyết định sự bền vững của công nghiệp văn hóa ở mỗi quốc gia. Cần xây dựng quy tắc đạo đức trong việc sử dụng di sản văn hóa trong kinh tế, xã hội hóa quản lý khai thác di sản, di tích với nội dung mà các công ước quốc tế, luật pháp Việt Nam quy định nhất là vấn đề bảo vệ di sản văn hóa, quyền/lợi ích của chủ thể văn hóa (cộng đồng), bình đẳng văn hóa và bản quyền.

Vân Quế (Ghi)