Đầu tư trang thiết bị phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn là yêu cầu cấp thiết

ANTD.VN - Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc CATP Hà Nội cho biết, CATP Hà Nội hiện có 214 xe các loại, trong đó có 40 xe đang hư hỏng, sửa chữa; nhiều xe sử dụng đã lâu năm, hoạt động kém hiệu quả; phương tiện, dụng cụ bảo hộ cá nhân cho CBCS còn thiếu nên việc đầu tư trang thiết bị PCCC và cứu hộ cứu nạn là cấp thiết...

Đầu tư trang thiết bị phòng cháy chữa cháy và cứu hộ cứu nạn là yêu cầu cấp thiết ảnh 1

Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc CATP trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện các nội dung công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy

Tại phiên chất vấn của HĐND TP chiều 9-7, Trung tướng Đoàn Duy Khương, Ủy viên UBND Thành phố, Giám đốc CATP Hà Nội đã trình bày Báo cáo tóm tắt kết quả thực hiện các Thông báo kết luận của Chủ tọa tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn kỳ họp 2, 3, 4, 5, 6 HĐND Thành phố khóa XV, nhiệm kỳ 2016-2021 liên quan đến nội dung công tác đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy.

Chủ động phòng cháy

Trung tướng Đoàn Duy Khương cho biết, từ năm 2016 đến nay, CATP đã kiểm tra trên 123.809 lượt cơ sở; lập 123.809 biên bản kiểm tra, hướng dẫn về PCCC; kiến nghị cơ sở khắc phục trên 280.000 tồn tại, thiếu sót về PCCC. Đã ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính trên 10.000 trường hợp với tổng số tiền gần 30 tỷ đồng; quyết định đình chỉ 1.526 trường hợp, tạm đình chỉ 1.025 trường hợp.

Tính đến thời điểm hiện tại, CATP đã đình chỉ hoạt động 1.150 cơ sở, tạm đình chỉ hoạt động 204 cơ sở (chủ yếu thuộc loại hình cơ sở kinh doanh karaoke và một số hạng mục thuộc công trình nhà cao tầng, cơ sở sản xuất, chợ) vi phạm nghiêm trọng các điều kiện an toàn về PCCC theo quy định của pháp luật.

Đáng chú ý, trước tình hình xảy ra một số vụ cháy cơ sở, kho hàng hoá nằm trong khu dân cư gây hậu quả nghiêm trọng, ngày 11/5/2019, CATP đã ban hành Kế hoạch về “Mở đợt cao điểm tổng kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực PCCC đối với các cơ sở trong khu, cụm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, làng nghề và cơ sở sản xuất, kho hàng hóa trong khu dân cư”.

Kết quả sau một tháng triển khai, đã kiểm tra 979 lượt cơ sở, phát hiện 3.730 tồn tại, vi phạm, lập biên bản xử phạt hành chính 730 lỗi vi phạm với số tiền phạt gần 2 tỷ đồng, tạm đình chỉ hoạt động 6 trường hợp, đình chỉ 1 trường hợp; ban hành trên 100 văn bản kiến nghị yêu cầu khắc phục tồn tại PCCC.

CATP cũng phối hợp với các sở ngành khắc phục và xử lý dứt điểm các tồn tại, đảm bảo an toàn PCCC tại các khu nhà tái định cư của Thành phố.

Để đổi mới công tác tuyên truyền về PCCC, CATP đã phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, cơ quan báo, đài Trung ương và Hà Nội tăng thời lượng phát sóng, phát thanh tuyên truyền về PCCC; xây dựng các trang, chuyên mục về PCCC như “An toàn PCCC”, chuyên mục “Hồ sơ 114”; phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo nghiên cứu, xây dựng nội dung, thời lượng bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng PCCC&CNCH để lồng ghép vào các hoạt động giáo dục trong các nhà trường.

Năm 2018, CATP cũng tổ chức 71 lớp tập huấn về PCCC cho cộng đồng, với 13.000 người tham gia, bao gồm 05 nhóm đối tượng từ cấp ủy, chính quyền, đến người chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh và người dân, người lao động.

Năm 2019, CATP đã và đang tiếp tục tổ chức gần 60 lớp tập huấn hướng đến các nhóm đối tượng là chủ hộ sản xuất kinh doanh, người lao động làm việc tại các chợ, trung tâm thương mại, Ban quản lý, Ban quản trị, đơn vị quản lý vận hành tại các tòa nhà nhà chung cư.

Mọi thông tin báo cháy, yêu cầu về cứu nạn, cứu hộ của người dân đến Trung tâm chỉ huy Công an Thành phố đều được tiếp nhận, xử lý kịp thời, trong thời gian không quá 90 giây sau khi nhận tin, xe chữa cháy đã xuất ra khỏi cổng trụ sở...

Trung tướng Đoàn Duy Khương, Giám đốc CATP Hà Nội kiến nghị việc khắc phục tồn tại về PCCC với từng loại hình cơ sở

Đầu tư trang thiết bị là cấp thiết

Trung tướng Đoàn Duy Khương cho biết, CATP hiện có 214 xe các loại, trong đó có 40 xe đang hư hỏng, sửa chữa; nhiều xe sử dụng đã lâu năm, hoạt động kém hiệu quả. Trung bình, mỗi Đội Cảnh sát PCCC&CNCH tại các quận, huyện có từ 2 đến 4 xe.

Các phương tiện chữa cháy, CNCH mặc dù đã được trang bị nhưng vẫn còn thiếu so với yêu cầu thực tế, nhất là các phương tiện chuyên dùng, đặc chủng như: xe thang, xe hút khói, xe chữa cháy bằng bột, bọt, hóa chất, máy cưa, cắt bê tông, cắt sắt, máy xúc, máy ủi...

Phương tiện, dụng cụ bảo hộ cá nhân cho CBCS còn thiếu, các loại quần áo sử dụng là loại bảo hộ thông thường, gây khó khăn trong chữa cháy cũng như ảnh hưởng trực tiếp đến tính mạng, sức khỏe cán bộ, chiến sỹ.

Bên cạnh đó, điều kiện hạ tầng cơ sở về giao thông, nguồn nước còn nhiều bất cập, hệ thống mạng lưới chữa cháy chuyên nghiệp còn mỏng.

Theo Trung tướng Đoàn Duy Khương, những tồn tại trên ảnh hưởng nhất định đến công tác thường trực chiến đấu của lực lượng Cảnh sát PCCC.

Trước thực trạng trên, CATP đã đề xuất Thành phố triển khai 2 dự án kế hoạch đầu tư công trung hạn 2019 - 2020: Dự án đầu tư xây dựng 7 trụ sở các Phòng Cảnh sát PCCC trước đây nay thuộc trụ sở các Đội Cảnh sát PCCC, Công an các quận, huyện, thị xã; tổng mức đầu tư 312,999 tỷ đồng; Dự án đầu tư mua sắm trang thiết bị, phương tiện chữa cháy, CNCH với tổng mức đầu tư 446,773 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, trước thực trạng về cơ sở hạ tầng, giao thông, nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy trên địa bàn Thủ đô còn nhiều bất cập, CATP đã tham mưu Thành phố chủ trương đầu tư và trong giai đoạn 2018-2020 lắp đặt thêm 1.500 trụ nước trên các tuyến phố theo dự án đã duyệt; đồng thời chỉ đạo UBND quận, huyện, thị xã rà soát xây dựng các bến lấy nước, hố ga thu nước tại các nguồn nước tự nhiên để phục vụ công tác chữa cháy.

CATP Hà Nội kiểm tra cơ sở kinh doanh karaoke tại quận Nam Từ Liêm

Kiến nghị cụ thể với từng loại cơ sở

Để tiếp tục thực hiện công tác PCCC hiệu quả hơn nữa, đáp ứng kỳ vọng của nhân dân, Trung tướng Đoàn Duy Khương cho biết, CATP đã kiến nghị UBND Thành phố chỉ đạo rút kinh nghiệm và phê bình các đơn vị chưa nghiêm túc thực hiện, còn chậm trong việc thực hiện Nghị quyết 05, Kế hoạch 183 cũng như chậm trong việc báo cáo đối với Đoàn giám sát của Ban Pháp chế.

Ngày 21/5/2019, UBND Thành phố đã có văn bản về việc kiểm điểm, phê bình các đơn vị chưa nghiêm túc, chưa quyết liệt trong việc chỉ đạo triển khai thực hiện NQ 05 của HĐND Thành phố và có báo cáo kiểm điểm trong giao ban công tác của Thành phố tháng 6/2019.

Để tiếp tục nâng cao hiệu quả công tác PCCC, CATP cũng đề xuất UBND TP chỉ đạo thực hiện ngay việc trang bị bổ sung hệ thống báo cháy, trang bị các bình chữa cháy tại khu vực các tầng của tòa nhà; trong quá trình cải tạo, sửa chữa nâng cấp cần phải có đơn vị tư vấn cụ thể, báo cáo với cơ quan cấp phép xây dựng, Cảnh sát PCCC để thẩm duyệt hồ sơ trước khi nâng cấp, cải tạo đối với các đơn vị thuộc loại hình văn phòng, khách sạn...

Đối với nhà ở tập thể cần giải tỏa các chỗ để xe, kho hàng... lấn chiếm các lối thoát hiểm; các vật cản để tạo ô thoáng tại các khu vực cầu thang các tòa nhà, lắp hệ thống chuông báo cháy; bổ sung bình chữa cháy tại khu vực cầu thang của từng tầng; tuyên truyền, vận động người dân cắt các ô thoát nạn tại khu vực làm “chuồng cọp”...

Các cơ sở sản xuất, kho tàng, bến bãi phải bổ sung ngay hệ thống báo cháy và phải tách riêng hệ thống điện sản xuất và chiếu sáng...