Đầu tư ra nước ngoài: Những mùa “quả ngọt” đầu tiên

ANTĐ - Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ KH-ĐT), tính lũy kế đến 31-12-2014, đã có 930 dự án của doanh nghiệp Việt Nam đầu tư ra nước ngoài với tổng vốn đăng ký 14,85 tỷ USD. Bên cạnh đó, có 92 dự án xin tăng vốn, nâng tổng số vốn đầu tư lên gần 20 tỷ USD. Không chỉ các doanh nghiệp tên tuổi như: Viettel, FPT hay Vinamilk, rất nhiều doanh nghiệp tư nhân khác cũng đang vươn ra nước ngoài.

Đầu tư ra nước ngoài: Những mùa “quả ngọt” đầu tiên ảnh 1Viettel là một trong những doanh nghiệp Việt đầu tư thành công tại nước ngoài
(Trong ảnh: Viettel lắp đặt cơ sở hạ tầng mạng viễn thông tại Mozambique)

Nhiều tham vọng

Tiến ra thị trường nước ngoài từ nhiều năm trước, ông Tào Đức Thắng - Tổng giám đốc Tổng công ty cổ phần Đầu tư quốc tế Viettel (Viettel Global) cho biết, Viettel hiện đang đầu tư tại 9 thị trường nước ngoài, trong đó 7 thị trường đã đi vào kinh doanh cung cấp dịch vụ. “5 thị trường đã mang lại lợi nhuận. 2 thị trường mới cung cấp dịch vụ là Cameroon và Peru dự kiến sẽ có lãi trong năm nay. Đặc biệt, tại các nước đã kinh doanh ổn định, Viettel đều dẫn đầu thị trường về doanh thu và thị phần”- đại diện Viettel cho biết.

Là doanh nghiệp lớn nhất ngành sữa Việt Nam, Công ty cổ phần Sữa Việt Nam (Vinamilk) cho biết, sẽ gia tăng các dự án đầu tư ở nước ngoài trong năm nay. Hiện công ty này đã đầu tư cổ phần tại nhà máy sữa của New Zealand, Mỹ, Ba Lan, Campuchia, hứa hẹn mang về những khoản ngoại tệ đáng kể. Theo đánh giá của Vinamilk, với chiến lược đẩy mạnh mua bán sáp nhập tại thị trường quốc tế, tham vọng doanh thu 3 tỷ USD và đứng vào top 50 công ty sữa lớn nhất thế giới vào năm 2017 là nằm trong tầm tay. Tương tự, một doanh nghiệp có tiếng khác là FPT cũng có mặt tại 19 quốc gia trên toàn thế giới. Đại diện FPT cho hay, năm 2014, trong tổng số doanh thu 35.114 tỷ đồng của tập đoàn, doanh thu toàn cầu hóa chiếm hơn 10% và tăng trưởng tới 37%.

Năm 2014 đánh dấu sự tham gia mạnh mẽ của các doanh nghiệp tư nhân tham gia đầu tư ra nước ngoài. Cục Đầu tư nước ngoài cho biết, đã có một số dự án đầu tư trên 50 triệu USD. Các dự án quy mô lớn tập trung chủ yếu trong các lĩnh vực viễn thông, nông - lâm nghiệp tại Lào, Campuchia và một số nước thuộc châu Âu, châu Phi. Xu hướng đầu tư sang các thị trường mới nổi, nhiều tiềm năng ngày càng rõ nét.

Phải xác định được thời gian thu hồi vốn

“Làn sóng” đầu tư ra nước ngoài ngày càng mạnh mẽ không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng quy mô phát triển, tăng doanh thu, mà kèm theo đó định hướng phát triển trong tương lai. Đại diện một doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài chia sẻ: “Khi “chiếc áo” thị trường Việt Nam trở nên chật chội thì xu hướng tất yếu là tìm kiếm những thị trường mới. Nếu không xúc tiến từ bây giờ thì doanh nghiệp Việt Nam sẽ mất lợi thế trong tương lai”. Bên cạnh đó, hoạt động đầu tư ra nước ngoài cũng giúp ích rất nhiều trong việc tìm hiểu đối thủ cạnh tranh, sẵn sàng cho “cuộc chơi” hội nhập. 

Mặc dù lợi thế rất nhiều, song mang một khoản tiền lớn ra đầu tư tại nước ngoài vẫn là bước đi táo bạo. Văn hóa, con người, ngôn ngữ, thói quen khác nhau là những rào cản trong quá trình chinh phục người dân nước sở tại. Chưa kể tại những thị trường này, đã có mặt những nhà đầu tư nước ngoài khác mạnh hơn doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, doanh nghiệp Việt phải tính được bước đi vững chắc. Ông Tào Đức Thắng cho biết: “Chúng tôi chấp nhận hy sinh thương hiệu Viettel và xây dựng một thương hiệu hoàn toàn mới của nhân dân nước sở tại. Thay vì chỉ đầu tư ngắn hạn và tập trung ở thành phố với giá cước cao, thu lợi nhuận mới đầu tư tiếp như các hãng viễn thông quốc tế khác, Viettel đầu tư dài hạn trước rồi mới kinh doanh, đầu tư rộng khắp lãnh thổ, cả ở vùng sâu, vùng xa, giá thấp hơn, phổ cập dịch vụ cho mọi người dân”. Tuy nhiên, doanh nghiệp cũng phải đặt ra những tiêu chí và cách thức tính toán, đánh giá cơ hội và hiệu quả đầu tư rồi mới đưa ra quyết định. Ví dụ, Viettel đặt mục tiêu thu hồi vốn sau 5 – 6 năm, tùy thuộc vào mỗi thị trường nhưng tối đa không quá 6 năm. Đây là những kinh nghiệm quan trọng trước khi “giong buồm ra biển lớn”.

Trên thực tế, có một số dự án đầu tư vốn tư nhân không triển khai được hoặc chấm dứt trước hạn. Một số dự án sử dụng vốn Nhà nước chậm tiến độ do những biến động của môi trường, thời điểm đầu tư, do kinh doanh thua lỗ, không hiệu quả... Để hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài đúng hướng, Cục Đầu tư nước ngoài sẽ đẩy mạnh cung cấp thông tin về thị trường, pháp luật các nước và có biện pháp nhằm tạo điều kiện thuận lợi, định hướng cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài an toàn và hiệu quả.