Đầu tư lớn chống ngập, vì sao phố Hà Nội vẫn biến thành sông mỗi lần mưa to?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Mỗi lần “Hà Nội ngập”, người dân lại không quên câu hỏi vì sao đã chi hàng trăm triệu USD làm dự án chống ngập nhưng đến nay nhiều khu vực ở nội thành Hà Nội vẫn ngập cục bộ khi trời mưa lớn.

Cơn mưa xối xả vào đúng giờ tan tầm chiều 17/8 khiến hàng loạt tuyến phố nội thành Hà Nội lại ngập trắng. Khu vực xung quanh hồ Hoàn Kiếm cũng ngập mênh mông nước. Dù công tác chống ngập đã được thành phố Hà Nội quan tâm đầu tư từ khá sớm, nhưng đến nay, hiệu quả thoát nước, chống ngập tại một số khu vực nội thành vẫn còn hạn chế, nhất là khi trời mưa lớn.

Người dân Hà Nội bì bõm lội nước về nhà trong cơn mưa chiều 17/8

Người dân Hà Nội bì bõm lội nước về nhà trong cơn mưa chiều 17/8

Năm 2000, UBND TP Hà Nội phê duyệt dự án thoát nước Hà Nội với mục tiêu chống ngập cho các quận nội thành nằm trong lưu vực sông Tô Lịch và sông Nhuệ. Tổng kinh phí thực hiện dự án là 550 triệu USD.

Theo tiến độ, đến 2005 dự án sẽ hoàn thành, tuy nhiên do triển khai chậm, ngoài đội vốn thêm gần 100 triệu USD, đến cuối năm 2016 dự án mới hoàn thành (chậm 12 năm).

Để phục vụ mục tiêu thoát nước từ năm 2005 đến nay, Hà Nội đã chủ trương đầu tư nhiều dự án để chống ngập, đặc biệt là khu vực nội thị.

Trong đó, 3 dự án đã và đang triển khai với tổng số tiền 19.099 tỷ đồng, bao gồm: Dự án thoát nước Hà Nội có mức đầu tư 8.000 tỷ đồng, đã hoàn thành vào tháng 11/2016; Dự án Trạm bơm tiêu Yên Nghĩa, Hà Đông, Hà Nội được triển khai từ năm 2015 với tổng mức đầu 7.464 tỷ đồng; Dự án xây dựng Cụm công trình đầu mối Liên Mạc (giai đoạn I), tổng mức đầu tư: 3.635 tỷ đồng.

Trao đổi về trận mưa lớn khiến TP Hà Nội lại chìm trong biển nước vào tối 17/8, ông Nguyễn Thăng Long, Phó phòng quản lý, vận hành hệ thống thoát nước (Công ty TNHH MVT Thoát nước Hà Nội) cho biết, trận mưa lớn chiều ngày 17/8 gây ngập một số điểm tại khu vực Hồ Gươm có cường độ mưa rất lớn, lượng mưa đo được tại khu vực này lên tới 140 mm trong vòng khoảng 4 giờ (từ 14 giờ 30 đến hơn 18 giờ).

Trong đó, trận mưa chia làm hai đợt, đợt 1 từ 14 giờ 30 đến 16 giờ có cường độ khoảng 40-60 mm tuỳ từng điểm; đợt 2 mưa từ 17 giờ đến 18 giờ với cường độ đạt gần 100 mm.

Theo ông Long, đây là đợt mưa lớn bất thường, tập trung vào các quận nội thành cũ và hệ thống thoát nước sông Kim Ngưu (gồm các quận Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hoàng Mai), khiến nước sông dâng cao, hệ thống thoát nước quá tải mặc dù phía Công ty thoát nước Hà Nội đã cho vận hành 10/10 tổ bơm tại trạm bơm Yên Sở (trận mưa bình thường chỉ vận hành 3/10 tổ bơm).

Trận mưa lớn đã làm úng ngập cục bộ tại một số điểm trong nội thành, trong đó có khu vực quanh Hồ Gươm.

“Hệ thống thoát nước tại khu vực Hồ Gươm chỉ có khả năng đáp ứng cho các trận mưa có cường độ 50 mm/ 2 giờ trở xuống. Với lượng mưa dồn dập, tập trung như trận mưa chiều 17/8 thì hệ thống này sẽ quá tải” - ông Long nói.

Cũng theo ông Long, đây là lần thứ hai trong năm 2020, khu vực quanh Hồ Gươm xuất hiện mưa lớn bất thường, khiến nước tràn bờ hồ và gây ngập một số tuyến phố trung tâm như Đinh Tiên Hoàng, Lê Thạch, Tràng Tiền…

Trước đó vào tối 24/1/2020 (tối ngày 30 Tết Canh Tý), một trận mưa lớn với cường độ 90 mm/2 giờ đã khiến nước mặt Hồ Gươm tràn bờ, khu vực xung quanh ngập.

Nhận định về hệ thống thoát nước của Hà Nội, KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng, để hạn chế tình trạng “phố biến thành sông”, Hà Nội phải sớm hoàn thiện, điều chỉnh các dự án thoát nước, đặc biệt là các quy hoạch có liên quan đến điểm úng ngập.

Ví dụ, hiện nay quy hoạch khu vực phân khu quận Hoàn Kiếm nói chung, khu vực Hồ Gươm và vùng phụ cận đã được nghiên cứu 8 năm nhưng vẫn chưa được phê duyệt.

“Tôi cho rằng, cần điều chỉnh lại dự án thoát nước. Trước đây, dự án thoát nước của Hà Nội chỉ tính đến lưu lượng nước mưa 200mm. Nhưng hiện tại, dưới tác động của biến đổi khí hậu, Hà Nội đã có những đợt mưa với lượng mưa 300 - 400mm”, KTS Đào Ngọc Nghiêm nêu quan điểm.